Quản lý đô thị Kon Tum: Cải thiện trong điều kiện khó










Phân cấp mạnh



“Đến nay tỉnh Kon Tum đã thực hiện việc phân cấp trong công tác lập quy hoạch (QH) xây dựng” – Giám đốc Sở Xây dựng Kon Tum Đỗ Hoàng Liên Sơn khẳng định như vậy trong buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Xây dựng. Theo ông Sơn, trong những năm qua, UBND tỉnh Kon Tum đã quan tâm, bố trí nguồn vốn để lập các đồ án QH xây dựng. Tất cả đô thị trên địa bàn đã lập QH chung và điều chỉnh QH đúng định kỳ, trong số đó, có những đô thị phủ kín QH chi tiết rất cao như thị trấn huyện lỵ Kon Plông, Sa Thầy, TP Kon Tum… Ngược lại, một số thị trấn huyện lỵ tỷ lệ phủ kín QH chi tiết còn thấp, dưới 50%, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ quản lý xây  dựng đô thị.


TP Kon Tum hiện hữu.




Nhưng dẫu sao cũng phải ghi nhận, việc phủ kín QH chi tiết đến 74% so với QH chung như Kon Tum là thành tích mà không phải địa phương nào cũng làm được.



Với tinh thần phân cấp, ông Sơn cho biết, trong công tác cấp phép xây dựng, cung cấp thông tin về QH (cấp chứng chỉ QH, giới thiệu địa điểm công trình, thỏa thuận tuyến hạ tầng kỹ thuật…) được phân cấp triệt để cho UBND cấp huyện giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, bảo đảm giải quyết nhanh hơn so với thời gian quy định.



Ngoài ra, Kon Tum còn làm tốt một số công tác khác trong lĩnh vực quản lý kiến trúc QH. Cơ quan quản lý QH xây dựng các cấp thường xuyên rà soát việc thực hiện QH Xây dựng đã được phê duyệt, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh QH nhằm đáp ứng tình hình phát triển KT-XH tại địa phương. Công tác kiểm tra xây dựng cũng được chú trọng, xử nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn.






Ngổn ngang nhiều cái khó



Tuy nhiên theo ông Nguyễn Hoàng Liên Sơn, vốn cấp cho công tác lập QH hiện nay vẫn rất thấp so với nhu cầu. Hơn thế, việc cấp vốn theo kế hoạch không bảo đảm nên ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án. Và cũng vì thiếu vốn mà công tác cắm mốc giới QH ra ngoài thực địa ở Kon Tum đạt thấp.



Tương tự như câu chuyện vốn cho QH, ông Sơn cho biết, những năm qua, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn đã được cải thiện. Việc đầu tư xây dựng đồng bộ hơn, mang lại nhiều khởi sắc cho đô thị. Nhưng vì điều kiện kinh tế của tỉnh còn nghèo mà nguồn vốn đầu tư cho công tác xây  dựng cơ sở hạ tầng là rất lớn nên việc phát triển cơ sở hạ tầng tại các đô thị vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tốc độ phát triển đô thị nói chung.



Ông Sơn cũng đề cập đến một số khó khăn khác là cán bộ làm công tác QH thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn, cán bộ chuyên môn về QH đô thị hầu như không có. Do vậy, khi thực hiện thẩm định đồ án QH chi tiết xây dựng theo phân cấp của Luật Xây dựng gặp nhiều khó khăn…


và khu vực vùng ven vừa được sáp nhập vào TP.







Nỗ lực cải thiện tình hình



Tại cuộc họp với đoàn công tác của Bộ Xây dựng, ông Sơn đã kiến nghị một số nội dung như Bộ có hướng dẫn thiết kế đô thị và đánh giá tác động môi trường trong các đồ án QH xây dựng; ban hành định mức công tác định vị cắm mốc giới xây dựng theo đồ án QH ngoài thực địa, định mức chi phí điều chỉnh QH theo tỷ lệ % so với chi phí lập mới QH; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác quản lý QH xây dựng và quản lý đô thị, đặc biệt là cán bộ cấp cơ sở (huyện, xã)…



Trong khi chờ các hướng dẫn của Bộ, Sở Xây dựng Kon Tum đồng thời nỗ lực cải thiện tình hình. Trong thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với các cơ quan ban ngành đề xuất UBND tỉnh có giải pháp về vốn cho công tác lập QH xây dựng, công bố QH xây dựng và triển khai cắm mốc xây dựng tại tất cả các đô thị. Sở cũng sẽ tăng cường hướng dẫn về chuyên môn cho các cơ quan quản lý kiến trúc, QH cấp huyện và mở lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý nhà và hạ tầng đô thị cho cán bộ đang làm công tác này trên địa bàn toàn tỉnh.



Đối với một địa phương phân cấp mạnh như Kon Tum, việc tăng cường tập huấn nghiệp vụ quản lý đô thị có cán bộ các cấp hẳn nhiên là cấp thiết.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *