Trang chủ » Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050: Phân biệt trung tâm lõi và các đô thị mới

Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050: Phân biệt trung tâm lõi và các đô thị mới

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments

Như tin đã đưa, mới đây, Hội đồng thẩm định Nhà nước đã họp phiên thứ 2 thẩm định đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 (QHC). Hội đồng đã nghe các báo cáo phản biện của tư vấn phản biện độc lập Worley parsons (Úc), chuyên gia phản biện IMV (Vùng Ile de France – pháp)… Nhìn chung chuyên gia phản biện ghi nhận: Báo cáo tháng 2/2010 của Liên danh tư vấn quốc tế ppJ đã tiếp thu các ý kiến đóng góp của Hội đồng và các Bộ, ngành và có bước tiến vượt bậc so với báo cáo lần thứ 3, tuy nhiên cũng còn một số nội dung, số liệu cần cập nhật và làm rõ thêm.


Mặt nước và cây xanh, hai yếu tố đặc trưng của Hà Nội cần được giữ gìn

Về nội dung hành lang xanh của đồ án QHC, Worley parsons đồng tình với ppJ: Hành lang xanh rộng lớn ở phía tây Tp là một chiến lược mạnh mẽ, có khả năng giúp bảo tồn sự cân bằng giữa thành thị và nông thôn đồng thời cũng giúp bảo vệ các tuyến đường sông và là một công cụ giúp quản lý tăng trưởng và mật độ. Hành lang xanh ở phía tây nằm giữa Tp và núi Ba Vì có vai trò rất quan trọng và có thể được kéo sâu vào trung tâm Hà Nội. Tuy nhiên, Worley parsons cho rằng việc biến hành lang thành một vành đai xanh bao toàn bộ xung quanh Tp dường như phục vụ mục đích tạo địa giới hành chính hơn là các mục đích về sinh thái hay sử dụng. Đồ án QHC nên khuyến khích hình thành một khung pháp lý về xây dựng tại khu vực ven sông. Khung này không nhất thiết ngăn chặn toàn bộ các hình thức xây dựng cạnh sông, hồ, suối mà chỉ nên bắt buộc các công trình xây dựng không đổ chất thải vào nước và bắt buộc các công trình phải tôn trọng và giữ gìn đường đi lại công cộng dọc các sông, hồ. Worley parsons cũng cho rằng trong một vài trường hợp, khu vực ven sông không được bảo vệ đúng mức nên một vài khu vực phát triển có nguy cơ ngập lụt. Các khu vực đệm cần được kéo dài nếu có thể.

Ở nội dung phạm vi phát triển, Worley parsons nhận định: Việc lập địa giới rõ ràng phân biệt trung tâm Hà Nội với các đô thị mới mọc là một ý tưởng rất hay. Nhưng ý tưởng sử dụng các đường bộ lớn để khoanh vùng phát triển khó được thực hiện. “Nếu không có công cụ quản lý hay quy định pháp luật mạnh mẽ, các trục đề xuất trên sẽ chịu áp lực phát triển phát sinh từ các khu vực lân cận” – Worley parsons nhận định.

Tư vấn phản biện có cùng quan điểm với tư vấn ppJ là khu vực lõi lịch sử Hà Nội cần được bảo vệ, trong đó bao gồm các hạng mục kiến trúc, tự nhiên, khu phố cổ, khu phố pháp, nhà thấp tầng và các đặc tính riêng khác. Hà Nội sẽ nhạt đi nếu không còn sự phong phú như hiện tại. Do vậy, Hà Nội cần có một khung pháp lý đủ mạnh để bảo đảm việc tuân thủ đồng thời cần sửa đổi hệ thống giao thông trong khu đô thị lõi hiện nay. trong đô thị lõi không khuyến khích sử dụng ô tô cá nhân mà nên nâng cao khả năng đi lại, cấp điện, quản lý rác thải, quản lý ngập lụt, cấp nước, chất lượng không khí và các khía cạnh cần được ưu tiên quan tâm. Worley parsons đồng tình: Các chiến lược nhằm kéo lượng ô tô ra vùng biên, nhường chỗ cho các điểm dừng vận tải công cộng là rất đúng đắn cho một Tp có lượng giao thông lớn. Hà Nội vốn nổi tiếng với xe đạp và xe máy. Nên chăng đề xuất một chính sách bắt buộc tất cả các xe máy mới không được tạo ra khí thải (có thể chạy bằng động cơ điện, hoặc ga) để nâng cao chất lượng không khí. Worley parsons cũng đồng tình với vị trí đặt các khu công nghiệp, tiếp vận hay các trung tâm phân phối phía Bắc sông Hồng, trên đường bộ hay đường sắt đi qua khu vực tắc nghẽn của Hà Nội. “trung tâm Hà Nội cần duy trì sức sống qua việc có nhiều mục đích sử dụng, bao gồm một tỷ lệ nhà ở cao”.

Đối với dự án sông Hồng, tư vấn phản biện có cùng quan điểm với tư vấn ppJ trong việc ghi nhận vai trò quan trọng của sông Hồng trong cuộc sống và hình thái của Hà Nội trong tương lai. Việc hạn chế sử dụng đường bộ dọc sông Hồng sẽ đóng góp vào công tác bảo tồn. Việc tiếp tục nhân rộng không gian xanh trong Tp và khu vực ngoài ở hai bờ sông là đúng đắn và quan trọng. Đồ án QHC có thể tiếp tục nghiên cứu để triển khai dự án sông Hồng do Hàn Quốc lập nhưng cần làm thí điểm theo giai đoạn sau đó mới tiến hành làm tiếp theo dự án.

Đối với phần lõi mở rộng, Worley parsons đồng tình với đề xuất của ppJ: Vành đai xanh dọc sông Nhuệ có khả năng trở thành công viên trung tâm cho khu vực phía tây Hà Nội và gia tăng giá trị dọc sông. Đây là ý tưởng tốt, cần sớm có giải pháp để kiểm soát hạn chế xây dựng. Việc tạo không gian công viên trong khu vực mở rộng nói chung là tốt. Tiêu chí giữ khoảng cách tối đa tương đương 10 phút đi bộ cần được tôn trọng. Mật độ cao trong khu vực mới giữa hành lang xanh Sông Nhuệ và vành đai 4 giúp giải tỏa áp lực phát triển trong khu vực lõi lịch sử của Hà Nội.

Tuy nhiên, Worley parsons cho rằng đường vành đai 4 có chức năng tạo sự cách biệt về cảnh quan và là ranh giới giữa khu vực Tp lịch sử và khu vực nông thôn và cần cân nhắc việc lập khoảng cách nhất định từ đường vành đai 4 tới các khu nhà ở lân cận. Việc định tuyến vành đai 3,5 hay định tuyến của nhánh đường sắt vận tải hàng hóa phía tây có thể được cải tạo thành đường sắt đô thị như một phần mở rộng của mạng lưới UMRT. trục Thăng Long là trục quan trọng cho các vấn đề văn hóa, lịch sử…

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.