Lúc xây dựng cầu mới mang tên Tân Thuận 2 từ Q.4, Q.7, có nhiều ý kiến đề xuất nên xây mở rộng thành 4 làn xe thay vì 2 làn như thiết kế và cầu Tân Thuận 1 cũ chỉ cho xe nhỏ lưu thông. Thế nhưng mọi ý kiến đều bị phản bác vì cho rằng “cầu Tân Thuận 1 xe vẫn chạy tốt”. Hậu quả là cầu Tân Thuận 1 hiện bị phong tỏa để nâng cấp, trong khi cầu Tân Thuận 2 lại luôn trong tình trạng ùn tắc và tai nạn chực chờ do phải phân làm hai làn đường cho xe tải chạy. Việc thiếu quyết đoán và thiếu tầm nhìn dẫn đến những thiệt hại về lâu dài không thể đo đếm được.
Một ví dụ nữa là dự án mở rộng tuyến đường ngoại giao Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Nguyễn Văn trỗi dài 3,7 km từ sân bay Tân Sơn Nhất về trung tâm Tp vừa được hoàn thành trước Tết Nguyên đán sau 5 năm khởi công xây dựng. Và quãng thời gian sau 5 năm xây dựng tuyến đường được mở rộng 30m ấy giờ đây quá nhỏ bé so với lượng xe cộ ngày một đông. Tình trạng ùn tắc giao thông vẫn xảy ra thường xuyên. trên đoạn đường 3,8km nhưng có đến 4 – 5 điểm giao cắt trong khi lượng xe cộ ngày một dày đặc thì chuyện kẹt xe là không có gì khó hiểu. Và dường như việc mở rộng con đường có tổng mức đầu tư 852,178 tỷ đồng, riêng kinh phí giải phóng mặt bằng chiếm hơn 721 tỷ đồng chỉ được lợi cho những ngôi nhà trước đây ở trong hẻm bỗng dưng tiến ra phố mở quán hàng, xây hàng loạt cao ốc… Mục đích để dành cho giao thông đã không thực hiện được như mong muốn. Về dự án này, đại biểu Hội đồng nhân dân Đặng Văn Khoa từng chất vấn rằng, tại sao chính quyền
Tp không mở rộng con đường lên 100m, để nó xứng tầm là con đường quan trọng nối sân bay Tân Sơn Nhất về trung tâm Tp. Và cũng có thể tận dụng khoảng giữa để xây dựng đường trên cao sau này… Việc mở rộng “lắt nhắt” kiểu này rồi cũng không giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc giao thông. Các chuyên gia nhận xét rằng, hệ thống giao thông tại Tp.HCM hiện nay là thiếu đồng bộ và không kết dính lại với nhau và đang phát triển một cách mất phương hướng. Xe buýt tăng chuyến thì mặc, người dân vẫn cứ phải mua xe gắn máy chạy cho nhanh. Một con đường dành cho tất cả các loại xe, thì tất yếu sẽ xảy ra tình trạng lộn xộn, mạnh ai người đó chạy. Chứng kiến cảnh cứ vào giờ cao điểm, lực lượng CSGT, thanh niên tình nguyện, dân phòng và cả người dân vùng vẫy trong dòng xe cộ đông đặc mới thấy hết sự bất lực của điều tiết giao thông tại Tp. HCM. trong khi đó phương án quy hoạch tổng thể Tp của Cty Nikken Sakkei, đến năm 2025 lưu lượng giao thông dự kiến sẽ tăng mạnh do nhu cầu dân số gia tăng từ 6 triệu người lên 10 triệu người (không tính số dân vãng lai), lưu lượng vận chuyển hàng hóa càng tập trung vào trung tâm… Vì thế, vấn đề giao thông, nhất là giao thông công cộng, nếu không được đầu tư đúng mức với sự nhìn xa trông rộng thì sẽ khó đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội.
Vấn đề giao thông đã ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế Tp.HCM và của cả vùng kinh tế trọng điểm. Đặc biệt là DN trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa cảng biển đã nhiều lần gửi văn bản kiến nghị sớm giải quyết tình trạng ách tắc giao thông tại các tuyến trọng điểm ra vào cảng. trong buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Tp đã trình 6 nhóm giải pháp lớn để giải quyết tình trạng ách tắc giao thông. Và có một cơ chế đặc thù cho Tp để đẩy mạnh phát triển hạ tầng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu rà soát quy hoạch, tính toán lại những chương trình, dự án với yêu cầu phải có tầm nhìn xa và đặc biệt phải có tính khả thi cao. Đối với các dự án đầu tư có hiệu quả, Chính phủ sẽ tạo điều kiện tối đa cho Tp đủ lực, đủ cơ chế để triển khai, từ nguồn vốn ngân sách, vốn vay, ODA, cho đến đổi đất lấy hạ tầng…
|
Quy hoạch giao thông TP.HCM: Thiếu tầm nhìn?
44
Bài trước