Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thiết kế Trường học – TS Trần Thanh Bình – đã bày tỏ quan điểm trên khi trả lời phỏng vấn P/V Báo Xây dựng về quy hoạch hệ thống trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ), trung học chuyên nghiệp (THCN) trong vùng Thủ đô Hà Nội.
Quỹ đất dành cho các trường ĐH, CĐ quá hạn hẹp
Thưa ông, cách đây nhiều năm, ông đã từng chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ về “Quy hoạch và giải quyết đất đai cho trường học” và ông cũng là tác giả của nhiều bài viết đề cập đến vấn đề quy hoạch (QH) hệ thống giáo dục đào tạo trong cả nước… Vậy hẳn là ông biết rõ thực trạng của hệ thống trường ĐH, CĐ và THCH trong vùng Thủ đô Hà Nội? – Trong mạng lưới các trường ĐH, CĐ của cả nước, vùng Hà Nội có mật độ tập trung nhất. Vùng Hà Nội có 46 trên tổng số 68 trường ĐH (trong cả nước), 17/63 trường CĐ, 39/81 trường THCN. Về số lượng sinh viên, vùng Hà Nội chiếm 43% so với cả nước. Vùng Hà Nội đồng thời là nơi tập trung nhiều trường ĐH trọng điểm có quy mô sinh viên lớn như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Nông nghiệp 1 và hàng loạt các trường ĐH đầu ngành khác như Sư phạm 1, Y khoa, Nhạc viện, Thủy lợi, Học viện Kỹ thuật quân sự. Bên cạnh đó, các trường ĐH dân lập có quy mô lớn, được thành lập sớm nhất cũng tập trung ở Hà Nội. Nhìn từ khía cạnh cơ sở vật chất và QH đất đai thì các trường ĐH ở Hà Nội đang ở tình trạng yếu kém. Hầu hết các trường ĐH, CĐ đều không đạt chuẩn về đất so với tiêu chuẩn hiện hành của Việt Nam. Phần lớn các trường ĐH có diện tích nhỏ hơn 10ha, thậm chí có đến 3 trường nhỏ hơn 1ha. Bình quân diện tích các trường quá thấp, điển hình là trường ĐH Ngoại thương 2,04m2/SV, ĐH Xây dựng 2,32m2/SV, ĐH Thương mại 3,7m2/SV, ĐH Mỏ địa chất 3,8m2/SV…
Ông có thể cắt nghĩa nguyên nhân dẫn đến sự khủng hoảng về đất của hệ thống các trường? – Trước hết phải nói đến sự bùng nổ về quy mô SV và số lượng các trường trong cả nước đặc biệt là ở Thủ đô. Trong vòng 5 năm trở lại đây, số SV tăng tới 135%. Nguyên nhân thứ hai là quỹ đất dành cho các trường vốn đã hạn hẹp lại bị chuyển đổi mục đích, lấn chiếm khá nghiêm trọng. Đơn cử, trường ĐH Bách khoa Hà Nội theo QH vào những năm 1960 có diện tích 34ha với khu Đông Dương học xá được thiết kế cho 2.000 SV thì nay diện tích đất còn lại không đầy một nửa trong khi quy mô SV đã gấp hơn 10 lần (!) Nguyên nhân thứ ba, một số trường mới thành lập đều bó buộc trong những diện tích vốn không được thiết kế dành cho đào tạo hoặc phải chung lưng với những cơ sở khác, nhất là các trường ngoài công lập. Ngoài ra, không ít trường được bố trí ở những khuôn viên không thích hợp. Cũng vì thiếu đất mà các khu chức năng cần có của một trường ĐH, CĐ bị phá vỡ. Hầu hết diện tích khu học tập các trường có mật độ cao hơn tiêu chuẩn 20 – 25%. KTX SV và khu thể dục thể thao gần như thiếu vắng. Theo đề án xây dựng KTX thì số chỗ ở SV của Hà Nội chỉ chiếm 17,4%… Không chỉ thiếu đất mà vị trí các trường thường không được đặt ở những khu vực thuận lợi. Có những dự án với số tiền đầu tư cả trăm tỷ đồng lại dồn vào cao ốc ở ngay nút giao thông lớn như dự án nhà ở cho 15 nghìn SV của trường ĐH Kinh tế quốc dân. Ngược lại, không ít trường khác được bố trí ở những khu đất trong ngõ, không thuận tiện về giao thông.
Đô thị ĐH – tại sao không? Với tư cách là nhà nghiên cứu thiết kế trường học, ông có đề xuất nào cho việc QH hệ thống trường ĐH, CĐ, THCN vùng Thủ đô Hà Nội? – Dựa trên những lý thuyết căn bản có thể đưa ra một số định hướng. Thứ nhất, dãn các trường trong nội thành ra ngoài theo hướng cụm hóa, hình thành các đô thị ĐH dạng như ĐH Quốc gia ở Hòa Lạc, có khoảng cách trên dưới 30km (so với trung tâm TP – PV). Ở ngoại vi, trong bán kính nhỏ hơn, tổ chức các điểm KTX, trung tâm thể dục thể thao SV gắn với các tuyến giao thông công cộng thuận lợi phục vụ các cơ sở đào tạo còn giữ lại trong nội thành. Những trường mới thành lập, những trường có nhu cầu đất thực hành lớn thì QH ở bán kính lớn hơn 30km. Vị trí hình thành các đô thị ĐH, CĐ phải chú trọng các yếu tố như giao thông, khu công nghệ, KCN, khu phát triển sinh thái, phù hợp với loại ngành nghề phổ biến của từng trường, cụm trường. Đặc biệt, quỹ đất dành cho các trường phải được tính toán với khả năng phát triển ở mức độ cao. Căn cứ QH xây dựng vùng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có thể định hướng QH xây dựng hệ thống các trường ĐH, CĐ, THCN theo 3 cụm, tuyến. Tuyến Tây Nam lấy ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Khoa học công nghệ Hà Nội ở Hòa Lạc là trung tâm. Các cụm trường nhỏ quy mô 200 – 300ha gắn với chuỗi đô thị Miếu Môn – Xuân Mai – Hòa Lạc – Sơn Tây. Tuyến theo khu vực đô thị phía Bắc sông Hồng gắn với việc mở rộng quy mô của đô thị Sóc Sơn – Mê Linh. Tuyến theo khu vực đô thị phía Đông sông Hồng – Nam sông Đuống phát triển từ trường ĐH Nông nghiệp 1 dọc theo QL5. Ngoài ra, xây dựng các khu ĐH tập trung tại các đô thị vệ tinh trong vùng Thủ đô như tại Hưng Yên 1.000ha, tại Hà Nam, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Yên mỗi đô thị xấp xỉ 500ha. Từ các trung tâm đã được hoạch định này có thể thu hút các vệ tinh cho các trường dãn ra từ nội thành cũng như thành lập mới các trường theo mạng lưới. Trân trọng cảm ơn ông!
|
Quy hoạch hệ thống trường ĐH, CĐ vùng Thủ đô Hà Nội: Quỹ đất phải tính đến khả năng phát triển ở mức cao
3