“Đầu voi…”
Trở lại với lễ trao giải, cuộc thi không có giải nhất. Hai giải nhì thuộc về Nikken Sekkei Civil Engineering LTD (Nhật Bản) và Liên danh tư vấn Việt Nam – Italia 1+1>2 Group – Academia. Một giải ba thuộc về Liên danh MQLPau and Partners (Việt Nam – Đức). Ý tưởng độc đáo và táo bạo Theo ghi nhận của phóng viên, tại triển lãm hồi đầu năm và cả tại lễ trao giải, các nhóm tác giả bao gồm cả tây lẫn ta tỏ ra hào hứng với tham vọng thông qua phương án dự thi, góp những ý tưởng khả thi để bảo tồn và tôn tạo những giá trị văn hoá, lịch sử, thẩm mỹ vốn có của khu vực Hồ Gươm và phụ cận. KTS Hoàng Thúc Hào (1+1>2 Group) nói: “Hồ Gươm như một viên ngọc. Quanh viên ngọc này có “bụi”, “tạp chất”. “Bụi” thì có thể làm sạch. Nhưng “tạp chất” thì phải cương quyết bỏ”. KTS Hào cho biết, trong phương án dự thi, nhóm tác giả đã đề xuất giải pháp chỉnh trang một số công trình như công trình Bưu điện trung tâm, trụ sở UBND TP, “Hàm cá mập”… Cụ thể, ở tầng 4 và 5 của các công trình nêu trên sẽ giật cấp lùi dần vào phía trong và bổ sung trên các không gian mái mới hình thành những vườn treo. Như vậy, công trình sẽ trở nên hài hòa hơn với cây xanh, mặt nước của Hồ Gươm. Riêng công trình trụ sở UBND TP, nhóm tác giả đề xuất cải tạo mặt đứng công trình bằng những tấm kính đặc biệt sử dụng pin mặt trời, như vậy công trình vừa tiết kiệm năng lượng trong quá trình vận hành, vừa in bóng cây xanh, mặt nước Hồ Gươm rất đẹp. Một ý tưởng táo bạo của nhóm 1+1>2 Group – Academia cũng được Hội đồng tuyển chọn đánh giá cao là việc cải tạo phố Đinh Tiên Hoàng đoạn từ Nhà hát múa rối Thăng Long đến quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Hiện nay, một phần đường tiếp giáp với hồ trở thành bãi đỗ xe buýt, taxi, xe đạp xe máy vừa nhếch nhác, vừa lãng phí quỹ đất. Bản thân đài phun nước giữa quảng trường chỉ đóng vai trò như một đảo giao thông. Nhóm tác giả đề xuất, xây dựng một gara ngầm dưới khu vực này, còn phía trên cải tạo thành một quảng trường lớn, kéo dài, trả lại không gian công cộng cho người đi bộ.
KTS Nguyễn Thúc Hào nhận định: Những giải pháp đề xuất trong phương án dự thi đều dễ làm, khả thi, không tác động thô bạo tới Hồ Gươm hiện hữu. Một ý tưởng mà nhiều phương án dự thi cùng đề cập là việc cải tạo, kết nối trục không gian từ Nhà thờ Lớn thẳng ra hồ. Tuy nhiên, ý tưởng này lại được giới chuyên môn đánh giá là thiếu khả thi nhất.
Tiếp thu rụt rè Trao đổi với phóng viên báo Xây dựng về tính khả thi của các phương án, KTS Nguyễn Tấn Vạn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cho biết: Nhiều ý tưởng đề xuất giải pháp xử lý cho từng công trình, cho cảnh quan chung của toàn khu vực đúng mực, tinh tế, nhân văn, có thể triển khai trên thực tế. Vấn đề là khai thác các ý tưởng đó như thế nào còn phụ thuộc vào thái độ, trách nhiệm của chính quyền TP. Theo ông Vạn, Hồ Gươm và khu vực phụ cận là tài sản không của riêng ai, vì vậy, đừng ai biến tài sản đó thành của riêng mà hãy góp sức làm đẹp thêm cho công cộng. Còn Giám đốc Sở QHKT Hà Nội Tô Anh Tuấn thì cho biết: Cuộc thi này không có phương án nào “hay” toàn bộ, vì vậy TP dự kiến “nhặt” một số ý tưởng hay của các phương án để lồng ghép vào các dự án cải tạo, chỉnh trang Hồ Gươm và khu vực phụ cận. Tức là sẽ không có một dự án tổng thể nào được triển khai mà chỉ có một số dự án chỉnh trang nhỏ, lẻ tẻ.v Hài hòa giữa nhộn nhịp và sự thanh lịch Theo Nikken Sekkei Civil Engineering LTD (Nhật Bản), ý tưởng chủ đạo khi quy hoạch và thiết kế đô thị khu vực Hồ Gươm và phụ cận là “Xây dựng trung tâm văn hóa, giao lưu cho người dân TP Hà Nội hài hòa giữa nhộn nhịp và sự thanh lịch”. Như vậy, khi quy hoạch cần phải bảo tồn môi trường cũng như bảo toàn cộng đồng người sử dụng và sinh sống quanh Hồ Gươm. Để điều hòa sự đổi mới của đô thị với kế thừa tài sản cảnh quan thiên nhiên quý báu của Hồ Gươm cần lấy bờ Hồ làm trung tâm. Khi thiết kế hình dáng các tòa nhà cần đảm bảo tính liên tục của thiết kế hình dáng mặt tiền mang đậm nét lịch sử của khu vực và đưa vào những thiết kế phù hợp về cảm giác không gian của khu phố, hình thành nên một khu phố thanh lịch và thân thiện với con người. Đặc biệt, cần chú trọng quy hoạch sử dụng không gian ngầm: Sử dụng tích cực không gian ngầm kết hợp với xây dựng ga tầu điện ngầm UMRT để xây dựng khu phố mua sắm ngầm, lối đi ngầm để xây dựng đô thị lập thể mới đầu tiên ở Việt Nam… Đối với quy hoạch cảnh quan cần bố trí cây xanh tại đường và mạng lưới người đi bộ để xây dựng nên mạng lưới cây xanh liên tiếp. Xây dựng các nơi có tầm nhìn đẹp như quảng trường, công viên, cây xanh, đường biểu tượng hướng ra Nhà hát Lớn, đền Ngọc Sơn… để tạo trục đô thị ấn tượng trong ký ức mọi người. Ngoài ra cũng cần có quy định quản lý chiều cao các công trình để hình thành nên các khu phố thân thiện gần gũi, như chiều cao công trình kiến trúc dọc đường phía hồ là 16m (phía khu phố là 24m) để hình thành nên đường Xuy-len thấp dần ra phía hồ… Để đảm bảo cảnh quan khu vực xung quanh Hồ Gươm có phong cách riêng cần có quy hoạch chiếu sáng, tạo cảm giác ấm áp bằng ánh sáng nhẹ nhàng, dễ chịu. Ở những khu vực và công trình sẽ trở thành điểm nhấn như: Đường chạy quanh hồ, Tháp Rùa, Đền Ngọc Sơn quy hoạch hệ thống chiếu sáng ấn tượng, làm nổi bật được vật thể cần chiếu sáng. |