Khu vực sân bay Tân Sơn Nhất nhìn từ vệ tinh – Ảnh: Google Map. |
Theo quyết định phê duyệt, khu đất này nằm trong khu vực sân bay, phía Đông giáp đất quốc phòng do trung tâm 72 quản lý và giáp khu đất thuộc F367, phía Tây giáp khu đất quốc phòng do F367, F370 quản lý và đường Tân Sơn, phía nam giáp khu đất quốc phòng do F367 quản lý, phía bắc giáp tường rào Nhà máy Mercedes và Isuzu.
Tổng diện tích khu vực này có quy mô 157,2913 ha, trong đó 132,1922 ha là đất xây sân golf và công trình phụ trợ như nhà câu lạc bộ, nhà tập golf, các trạm dừng chân, hồ nước…
Ngoài diện tích xây dựng sân golf, các khu khách sạn 5 sao, nhà hàng, thể dục thể thao… cao từ 1 – 12 tầng cũng sẽ được xây dựng tại khu vực này, nhằm phục vụ cho nhu cầu nghỉ ngơi của khách.
Bên cạnh đó, còn có khu nhà ở cho thuê gồm khu căn hộ cao cấp có diện tích 4,876 ha và khu biệt thự diện tích 4,876 ha có tầng cao xây dựng từ 2 – 8 tầng, cụm trường gồm khu trường học cấp 1, 2 và khu nhà trẻ, mẫu giáo.
Theo thống kê, hiện trên địa bàn Tp.HCM có 6 sân golf tại quận 2, quận 9 và các huyện Tân Bình, Bình Chánh, Củ Chi đã được cấp giấy phép đầu tư hoặc đã được chấp thuận, với tổng diện tích là 1.262 ha, riêng diện tích sân golf là 648 ha. Từ cuối năm 2008 đến nay, thành phố đã ngừng cấp phép đầu tư mới các dự án sân golf.
trong khi đó, theo quy hoạch phát triển sân golf Việt Nam đã được Thủ tướng phê duyệt, từ nay đến năm 2020, cả nước có 89 sân golf (trong đó có 19 sân đã đi vào hoạt động) được phân bố hợp lý trên nhiều vùng miền, trong đó khu vực đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 4 dự án.
Theo VnEconomy