trước cơn sốt đất một số khu vực ở Hà Nội, nhất là khu vực Ba Vì, những ngày qua các chuyên gia liên tục cảnh báo nguy cơ vỡ bong bóng có thể diễn ra trong thời gian tới. Bởi nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cơn sốt đất lần này do thông tin ảo và những yếu tố đầu cơ đang chi phối thị trường.
Đất đai nhiều khu vực ở Hà Nội đang lên cơn sốt sau các thông tin về quy hoạch. trong ảnh: một khu đô thị mới ở Từ Liêm, Hà Nội.
Quả thật, có nhiều dấu hiệu cho thấy bong bóng bất động sản đang hình thành. Hơn một tháng trở lại đây, như nhiều báo đã phản ánh, giá đất tại nhiều khu vực ở Hà Nội tăng chóng mặt, với mức tăng nóng 35 – 40% và lượng giao dịch cũng lên 25 – 30% chỉ trong vòng hơn một tháng qua. Sôi động nhất ở thời điểm này là Ba Vì.
Thị trường nhà đất Hà Nội bị tác động mạnh khi nhiều người tin rằng, sẽ xây trục Thăng Long từ trung tâm Hà Nội đến Ba Vì và nơi đây sẽ là trung tâm hành chính quốc gia. Do đó, người ta rủ nhau về Ba Vì mua đất, đẩy giá đất tại đây tăng 2 – 3 lần chỉ trong thời gian ngắn. Với hy vọng “bỏ ra một đồng, không ăn mười cũng ăn tám” nên thị trường đất ở Ba Vì được mô tả là “ai có mảnh đất muốn bán, chỉ cần tung tin ra hôm trước là hôm sau có khách ngay. Người này bước ra, người khác bước vào, có nhà đã bán xong đất rồi vẫn phải tiếp cả chục khách đến hỏi vì cứ tưởng là còn đất. Nhiều gia đình xưa nay có con cháu đi làm ăn ở xa, nay cũng bỏ việc tìm về tranh bán đất, chia tiền, mua xe”.
Thế nhưng, trả lời báo chí về cơn sốt đất đang diễn ra ở Hà Nội, thứ trưởng bộ Xây dựng Nguyễn trần Nam, nói việc chuyển trung tâm hành chính quốc gia lên Ba Vì là câu chuyện của 50 năm nữa. Đó là chưa nói tới việc trong tương lai có khi còn điều chỉnh. Ông Nam minh chứng bằng việc điều chỉnh quy hoạch chung Hà Nội năm 1998 do Thủ tướng duyệt thì “nay cũng đã sửa rồi”.
Kinh nghiệm đã chỉ ra, việc quy hoạch và thực hiện xây dựng theo quy hoạch trên thực tế luôn có một khoảng cách xa. Ở đây quy hoạch chưa được phê duyệt nhưng việc mua bán, đầu cơ đất đai đã diễn ra sôi động. Điều này có nghĩa, đến nay thị trường bất động sản vẫn vận hành theo kiểu “nghe nói, nghe đồn” từ tai người nọ qua người kia.
“Việc chuyển trung tâm hành chính quốc gia lên Ba Vì là câu chuyện của 50 năm nữa”. Nguyễn trần Nam, Thứ trưởng bộ Xây dựng |
Một thị trường vận hành theo tin rỉ tai như vậy chắc chắn sẽ là mảnh đất béo bở cho chủ đầu tư, nhà đầu tư, môi giới hoạt động kiểu đội, nhóm làm giá, “đục nước béo cò” trước đám đông thiếu thông tin xác thực. Ở đây cũng không loại trừ khả năng các đại gia, giới đầu tư đã mua đất từ lâu, nay thổi phồng giá lên để kiếm lời.
Mặt khác, như các chuyên gia bình luận, chuyện giao dịch đất diễn ra rầm rộ một phần là do “tâm lý đầu tư bầy đàn”. Thay vì phải tính toán, phân tích cụ thể dựa trên những thông tin xác thực thì người này bắn tin cho người kia: “Ba Vì sẽ thành trung tâm hành chính quốc gia, do đó chắc chắn giá đất sẽ còn tăng”, rồi lao vào mua đất như thiêu thân.
Tuy nhiên, việc nhà đầu cơ lợi dụng thông tin quy hoạch để kiếm lợi có phần từ lỗi của nhà quản lý khi chưa cung cấp đủ thông tin. Nói cách khác là còn thiếu thông tin chính thức, nhất quán từ các cơ quan quản lý nhà nước và không mang tính tổng thể. “Nếu như chúng ta cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân rằng đây mới chỉ là dự án chưa được thông qua nên việc có thực hiện hay không vẫn chưa khẳng định, thì chắc chắn người dân sẽ không bị mắc lừa”, một chuyên gia phát biểu.
Ở góc độ khác, theo ông Đặng Hùng Võ, cố vấn cấp cao của bộ Tài nguyên và môi trường, thị trường Hà Nội có chiều hướng sôi động trong thời gian gần đây do một bộ phận người dân Hà Nội có tiền nhàn rỗi đổ đi đầu tư bất động sản. Song, ông Võ cho rằng “ngoài một bộ phận khách hàng có nhu cầu thực, cũng không tránh khỏi hiện tượng làm giá do nhiều nhà đầu tư lướt sóng, tìm cách làm khan hàng thổi giá lên cao quá mức bình thường”. Thị trường bất động sản trên thực tế vẫn chưa phục hồi sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra năm 2008. Tín dụng dành cho bất động sản đang trong tình trạng nhỏ giọt và kinh tế vĩ mô chưa thực sự khởi sắc thì thị trường bất động sản chưa thể ấm lại.
Mặc cho các cảnh báo giá nhà đất Hà Nội đang vọt lên quá cao, vượt giá trị thực và bong bóng sẽ xì hơi, người ta vẫn tiếp tục lao vào mua bán đất cho đến khi bong bóng vỡ.
Giá bất động sản, nhất là giá nhà ở vượt quá xa giá trị thực của bất động sản. Đây là nhận xét trong báo cáo của tổ chuyên gia liên ngành ban chỉ đạo trung ương về nhà ở và thị trường bất động sản vừa gửi Chính phủ. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do giá đầu vào tăng và sự khan hiếm bất động sản. Bên cạnh đó, giá bất động sản bị thả nổi và hiện tượng đầu tư theo phong trào cũng đẩy giá bất động sản lên cao.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)
– Báo cáo Quốc hội biến động bất động sản Hà Nội – “Ôm” đất đón quy hoạch Hà Nội – “Cắt lớp” cơn sốt đất ở Hà Nội – Đầu tư vào đất Ba Vì cần dài hạn – Hầm hập sốt đất Ba Vì |