Sáng bản làng – sáng cả niềm tin !

Hà Giang là tỉnh miền núi có nhiều tiềm năng về thủy điện. trong chiến lược quốc gia về phát triển nguồn thủy điện vừa và nhỏ, Hà Giang đã quy hoạch đồng bộ cùng mạng lưới tải điện và nơi tiêu thụ điện tạo điều kiện thuận lợi cho đầu ra của các nhà máy khi hoàn thành. Tỉnh chú trọng tới việc đảm bảo hài hòa giữa lợi ích kinh tế cũng như bảo vệ môi trường và phát huy lợi thế, phát triển văn hóa – xã hội tại các điểm được quy hoạch xây dựng thủy điện.

Điện, đường đã về bản

Đó là niềm vui hân hoan không chỉ của người Dao bản Nậm An mà còn của nhiều người Hmông sống lân cận tít trên thượng nguồn con suối Nậm Mu thuộc xã Tân Thành (Bắc Quang, Hà Giang). Dẫn chúng tôi đi thăm một lượt quanh bản, chị Đặng Thị phong – nhân viên của khu du lịch hồ hởi cho biết: “Từ ngày TCty Sông Đà về xây dựng nhà máy thủy điện trên suối Nậm Mu (suối thuộc nhánh cấp I, bờ phải sông Lô) thì bản Nậm An mới có đường nhựa đi lên. Khi nhà máy phát điện cuối năm 2008 thì người dân nơi đây mới thoát khỏi cảnh đèn dầu tù mù và lần đầu tiên đón một cái tết tưng bừng và sáng sủa. Nhờ có điện, đường các hộ mới mua tivi để nâng thêm sự hiểu biết và xe máy để đi lại chở hàng hóa xuống chợ huyện chỉ mất 30 phút thôi. Việc trao đổi hàng hóa cũng dễ dàng hơn”.


Một góc thủy điện Nậm Mu.

Cách đây hơn một năm nếu muốn xuống quốc lộ, người dân phải đi bộ men theo triền núi thẳng đứng như tụt từ trên trời xuống mất cả buổi sáng, mà theo đường chim bay chỉ một quãng đường. Khu du lịch sinh thái này cũng mới hình thành nằm trong lòng hồ chứa của nhà máy thủy điện với hơn 30 nóc nhà, thấp thoáng ẩn mình trong khu rừng già nguyên sinh sương mờ bao phủ, thực phẩm cho khu du lịch được lấy ngay tại bản và những người phục vụ ở đây không ai khác chính là người dân của bản. Cơ sở vật chất của khu du lịch cũng rất khang trang với một khu nhà sàn rộng rãi dùng làm hội trường tiếp khách, nhiều căn chòi nghỉ đôi nhỏ xinh làm bằng gỗ, tre với tiện nghi hiện đại khép kín soi bóng xuống mặt nước, nép mình dưới tán lá xanh của đại ngàn.

Chở chúng tôi đi một vòng quanh lòng hồ chứa nước xanh ngắt, anh triệu Quang Vinh – bảo vệ kiêm lái thuyền máy của khu du lịch cho biết: Du khách tới đây, ban ngày có thể đi thăm lòng hồ, câu cá, leo thác lên nguồn nước nóng trên đỉnh núi cắm trại, hoặc đi vào sống cùng nhà dân để tìm hiểu nét văn hóa trong sinh hoạt hàng ngày của đồng bào nơi đây. Du khách cũng có thể làm nương rẫy, đi hái thuốc cùng bà con. Người Dao vốn nổi tiếng giỏi về nghề thuốc với nhiều bài thuốc nên du khách có thể thử nghiệm ngay việc tắm lá thuốc vốn rất nổi tiếng của họ. Các món ăn ở đây cũng rất đặc trưng với cơm lam, lợn mường nướng hoặc lam riêng. Ban đêm sẽ có các chương trình giao lưu, thưởng thức những nét văn hóa của dân tộc Dao như tết nhảy, tầm đàng hoặc lập tịnh, cấp sắc… do chính người dân trong bản thể hiện. Đặc biệt là bạn có thể thưởng thức Lễ hội Nhảy lửa huyền bí mà ta vẫn biết tới tưởng như là của riêng người pà Thẻn nhưng thực ra nó cũng là lễ hội quen thuộc của người Dao đỏ Hà Giang. Qua giao lưu những nét văn hóa phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc của người Dao vốn chỉ tồn tại dưới dạng truyền khẩu sẽ được bảo tồn và quảng bá tránh nguy cơ mai một, thất truyền.

Khi ra về mọi người có thể mua hương của người Dao được làm từ vỏ cây móc điều để khô, cháy tỏa hương thơm ngào ngạt hay những bộ quần áo của người bản địa để lưu niệm.

Mỗi công trình là một điểm văn hóa

Theo thiết kế của Nhà máy thủy điện Nậm Mu thì sau khi nhà máy đi vào hoạt động ngoài việc cung cấp điện tại chỗ, kích thích việc sử dụng lao động địa phương, phát triển đường giao thông, dự án còn phải tạo ra cảnh quan, môi trường thuận lợi cho việc tổ chức các tour du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản khai thác lòng hồ một cách có hiệu quả. Điều này góp phần vào nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế – văn hóa – xã hội của địa phương. Đây cũng chính là tiêu chí của các điểm quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ tại Hà Giang.

Một cán bộ của UBND tỉnh cho hay, ngoài việc cơ sở hạ tầng giao thông khá hoàn thiện khiến việc vận chuyển vật tư thiết bị thi công dễ dàng, mạng lưới tải điện được quy hoạch đồng bộ thì Hà Giang có đường dây tải điện với công suất lớn của quốc gia hiện nay đang mua điện của nước bạn trung Quốc cho Nhà máy thép Thái Nguyên. Hợp đồng này hết hạn vào năm 2010. Đây là cơ hội tốt để hệ thống thủy điện vừa và nhỏ của Hà Giang kịp thời cung cấp lượng điện thiếu hụt này.

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, tỉnh cũng rất chú trọng tới việc giải bài toán giữa lợi nhuận của việc xây dựng các nhà máy thủy điện và ổn định môi trường hướng tới sự phát triển bền vững.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *