Hàng nghìn hộ bị thu hồi đất theo các dự án đã phải di chuyển đến nơi tái định cư. Thế nhưng số hộ trụ lại nơi ở mới chỉ chưa đầy phân nửa. Thực sự, những khu tái định cư hiện thời đang là nỗi ám ảnh xấu với nhiều người dân khi nhắc tới khu ở này.
Thực tế đau khổ Nam Trung Yên là khu tái định cư lớn tập trung dân bị giải tỏa từ nhiều dự án phát triển hạ tầng của Hà Nội (dự án đường Kim Liên – Ô Chợ Dừa, nút giao thông Ngã Tư Sở, đường vành đai 3…). Mặc dù phải đón nhận một số lượng hộ dân rất lớn, nhưng hệ thống chợ hầu như không có, gần nhất cũng phải hơn 2km. Người dân tổ chức chợ cóc tự phát ngay dưới sân toà nhà, ở các hành lang nhà cao tầng, thậm chí ngay trong mỗi hộ, có tất cả các “mặt hàng” thiết yếu như thịt, rau, gạo, nước mắm, tạp phẩm, thậm chí hương, vàng mã… Các công trình giáo dục chưa được quan tâm xây dựng như khu Nam Trung Yên chỉ có một trường học. Khu Trung Hoà – Nhân Chính chỉ có một trường mầm non (trường mầm non Hoa Trà My), nhưng trường này không phải dành cho trẻ em các gia đình tái định cư. Một điều tra mới nhất với 500 người được hỏi thì 8,4% số người phàn nàn chuyện đi lại khó khăn, 54% hộ kêu chợ xa và đến 64% kêu ca về chất lượng dịch vụ. Thực tế khảo sát các khu nhà tái định cư tại Hà Nội cho thấy, các khu nhà này ngoài chất lượng thấp, không hấp dẫn người dân thì vẫn còn những “lỗi sơ đẳng” trong thiết kế như: Hành lang tối, thông thoáng kém, hai cửa nhà đối diện nhìn thẳng vào nhau qua một hành lang hẹp… Thang máy quá nhỏ, thậm chí không đặt vừa băng ca cứu thương, rất khó khăn khi có người ốm hoặc tang ma. Hầu hết các toà nhà đều không có máy phát điện hoặc nếu có thì đã hỏng. Vẫn còn gần 10% căn hộ dưới 50m2, chủ yếu là từ 50 – 65m2, một diện tích trung bình kém so với các dự án nhà ở khác. Không ít người đã tả bức tranh nhà ở tái định cư của Hà Nội hiện nay một cách đau xót là “3 không, 4 nát”: không đường giao thông, không điện, không nước sạch; trần nát, tường nát, thoát nước nát, cửa nát và không đảm bảo. Thế nên, chỉ có 8,2% hài lòng về chất lượng, 56,8% người tạm chấp nhận được và tới 33,2% phản đối. Con số tỷ lệ cũng tương tự khi được hỏi về sự hài lòng với cơ sở hạ tầng: có đến 39% bức xúc “không chấp nhận được cơ sở hạ tầng hiện tại”. Về chất lượng nhà, 40% số hộ phải sửa chữa lại, một số khác dù muốn nhưng không có điều kiện. Do những điều kiện như vậy nên nhiều người dân đã chuyển nhượng suất nhà tái định cư của mình để mua nhà chỗ khác phù hợp với điều kiện sống và mưu sinh hơn. Chính điều này đã dẫn đến sự mất cân bằng về dân cư, có đến 34,4% cư dân tại đây là người hưu trí. Do sự dịch chuyển quyền sử dụng, rồi nhiều dự án gộp lại, ít ai biết ai, vì thế sự gắn kết cộng đồng lỏng lẻo. 63% chấp nhận quan hệ láng giềng và có tới 37% cho rằng “có vấn đề”. Ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Quản lý nhà tái định cư (Cty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội) thừa nhận, hiện toàn thành phố có hơn 50 toà nhà tái định cư cao tầng thì có đến 21 toà không có máy phát điện. Qua tìm hiểu thực tế tại các khu nhà tái định cư như: Khu No14A, No14B (Định Công), Dịch Vọng, Cầu Diễn, Vĩnh Phúc, Khu N2A, N2B, N2E, 17T-10 và 17T-11 (trong khu tái định cư Trung Hoà – Nhân Chính)… thực trạng của những khu nhà này cũng ở vào tình trạng tương tự.
Quẩn quanh lo chỗ an cư
Theo Phòng Xây dựng Đô thị Q.Đống Đa (Hà Nội), toàn bộ dân giải toả giai đoạn 1 Kim Liên – Ô Chợ Dừa về tái định cư ở Nam Trung Yên – Cầu Giấy. Về đây từ tháng 10/2006 nhưng 4 toà nhà B11 vẫn chẳng đổi thay là mấy ngoài có thêm trường tiểu học. Đường đi lối lại vẫn mịt mùng, hoang sơ. Ngày nắng thì bụi mù trời, mưa xuống bùn đất vấy khắp nơi. Một người dân than phiền rằng: Tối đến cả khu vẫn tối om om như là “nghĩa địa”. Khu nhà B3 về trước nên có vẻ “khang trang” hơn chút. Theo tìm hiểu thì những người dân phải tái định cư ở đây chỉ còn khoảng 30%, còn lại là bán và cho thuê. Toà nhà B11A, tổng số hộ được phân tái định cư là 110 hộ, nhưng tính đến nay thì chỉ còn 41 hộ ở; toà nhà B3D chỉ còn 36 hộ tái định cư/120 hộ; toà nhà B11B có 33/118 hộ. Hay như toà nhà B11C, tổng số hộ được phân tái định cư là 64 hộ, nhưng chỉ có 59 hộ có người ở, trong số này chỉ còn 11 hộ là tái định cư. Theo bác Nguyễn Văn Vinh – tổ trưởng tổ dân phố toà nhà B11C, thành viên hội đồng giải phóng mặt bằng – thì có 4-5% số hộ bán nhà tái định cư mà chưa một ngày về đó ở. Thậm chí, nhiều hộ bị cắt xén diện tích còn lại dưới 20m2 (theo quy định của TP thì diện tích còn lại sau khi cắt xén còn 20m2 trở lên được ở lại) họ đến xin gộp lại với nhau cho đủ điều kiện quy định chỉ để được ở lại mà lấy chỗ sinh nhai, còn nhà tái định cư nhận đấy rồi bán hoặc cho thuê. Như bác Vinh hiện nay cũng đang cho thuê căn hộ của mình chỉ chờ được giá thì bán. Gia đình bác Trịnh Hồng Thục ở nhà B11A cũng rất bức xúc kể: Tối thứ 7 vừa rồi, gia đình cô con gái về chơi qua đoạn đường tối đã bị kẻ xấu giật túi xách, trên xe còn có 2 đứa trẻ may mà cả nhà không sao. Rồi chuyện tắc cống nước thải mà không có người xử lý, chuyện môi trường sống… Rời nhà bác Thục, tôi sang khu B3D, đi cùng thang máy, cô gái trẻ vừa bịt mũi vừa bắt chuyện như để than vãn “mùi chuột chết từ mấy hôm nay không chịu nổi mà không biết ở đâu?”… Những câu chuyện thường ngày như thế đang khiến người dân ngày thêm mất thiện cảm với những khu nhà tái định cư. Đó cũng là một trong những lý do để số hộ đi nhiều mà ở lại ít. Đến nay vẫn chưa có một con số thống kê chính thức nào của các cơ quan chuyên môn về sự “dứt áo ra đi” của các khổ chủ tại các khu nhà tái định cư. Song nói như bác Vinh, hầu hết những hộ thuộc diện giải tỏa phải tái định cư đều hết đường lùi mới ở lại, nhưng họ luôn trong tâm thế sẵn sàng ra đi bất cứ lúc nào có cơ hội – Điều đó cũng có nghĩa rằng, việc xây nhà tái định cư là một thất bại. Đã đến lúc cần xây dựng một chính sách tái định cư hoàn thiện hơn là đổ tiền xây nhà để không ai mặn mà đến ở. |
Tái định cư – không an cư
73