Trang chủ » Tháng ba trên công trình thuỷ điện Nậm Chiến

Tháng ba trên công trình thuỷ điện Nậm Chiến

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments





Tháng ba ở Tây Bắc đang là mùa ban, hoa nở trắng núi rừng, hoa lan toả đến các làng bản của đồng bào dân tộc. Đâu đâu cũng thấy hoa ban nở rộ trong suốt chặng đường dài trên 80 cây số từ thành phố Sơn La đến xã vùng III Ngọc Chiến, huyện Mường La (Sơn La) mà chúng tôi đi qua để đến với những người thợ đang xây dựng công trình thuỷ điện Nậm Chiến I. Đây là một công trình thuỷ điện được thi công trên ngọn nguồn suối Chiến (một chi lưu của sông Đà) có độ cao trên 1.000 mét so với mặt nước biển. Thuỷ điện Nậm Chiến I được khởi công vào qúy II/2006, dự kiến đến cuối năm 2011 sẽ phát tổ máy đầu tiền hoà vào mạng điện lưới quốc gia.





Ông Nguyễn Văn Quân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thuỷ điện Nậm Chiến I cho biết: Công ty vừa tổ chức tổ chức lễ phát động thi đua 95 ngày đêm thi công đào hố móng đập vòm công trình (15/3-15/6/2009) nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công, đào hố móng công trình xong trước mùa mưa lũ năm nay. Đây là một trong 3 hạng mục quan trọng có kỹ thuật thi công phức tạp để thi công đập vòm thuỷ điện đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam. Bốn đơn vị thi công chính là: Công ty cổ phần Sông Đà 8, Chi nhánh Sông Đà 902, Xí nghiệp Sông Đà 10.6, Xí nghiệp Sông Đà 11.1 cùng với đơn vị tư vấn giám sát là UCRAIN. Theo đó đến trung tuần tháng 6 này các đơn vị tập trung đổ bê tông đập vòm (đập ngăn nước) với khoảng 10.000 m3 bê tông.


Công trình thuỷ điện Nặm Chiến là một trong cụm 4 công trình thuỷ điện đang được xây dựng ở Tây Bắc gồm: thuỷ điện Sơn La, Nặm Chiến, Huổi Quảng, Nặm Chát. Công trình đập đầu mối thuỷ điện Nậm Chiến cách Nhà máy thuỷ điện Sơn La khoảng 45 km về phía đầu nguồn suối Chiến, nhưng nơi thi công nhà máy chỉ cách công trình thuỷ điện Sơn La chưa đầy 10 km. Thuỷ điện Nặm Chiến có tổng mức đầu tư khoảng 550 tỷ đồng (thời giá năm 2007), hình thức góp vốn cổ đông đầu tư theo phương thức BO (đầu tư, quản lý, vận hành và khai thác) do 4 nhà thầu chính là: Tổng công ty Sông Đà (góp vốn 60%), Cavico VNA (20%), Công ty Bắc Hà (15%), Công ty Điện lực 1 (Tập đoàn Điện lực VN) góp vốn 5%, số vốn còn lại vay vốn ngân hàng tín dụng, vốn đầu tư thương mại (mua thiết bị máy).

Về lợi ích của công trình, ông Quân cho biết thêm: “Cấu trúc của công trình khá đặc biệt và thi công phức tạp nhưng đầu tư ít. Sau khi thi công xong sẽ mang lại hiệu quả lợi ích kinh tế rất lớn, phát huy tính xã hội trong đầu tư xây dựng công trình điện”. Có thể hình dung được tầm vóc, đặc trưng của công trình này qua các thông số thiết kế: Chiều cao đập dâng 135 mét, chiều dài thân đập gần 308 mét, chiều rộng lớn nhất ở đáy đập là 22 mét, đỉnh đập có chiều dài 953 mét, rộng 7 mét, tạo vòm bê tông cốt thép hình pa ra bôn quay phần đỉnh về phía thượng lưu nhằm đảm bảo chịu áp lực cao nhất, 2 đầu đập “đạp” vào 2 bên vách núi đá, tạo thế vững trãi. Đây là đập kiểu vòm cuốn parabon đầu tiên được thiết kế cho công trình thuỷ điện hiện đại tại Việt Nam (do chuyên gia nước ngoài thiết kế). Khi hoàn thành đập chính sẽ tạo một hồ chứa nước trên núi với diện tích mặt hồ 4,2 km2, dung tích nước chứa 154.000.000 m3. Công trình gồm 2 tổ máy với công suất thiết kế 200MW, sản lượng điện 750 triệu – 80 triệu kW/h. Sản lượng điện tương đương 500 tỷ/năm, là nhà máy thuỷ điện đứng thứ 10 về công suất thiết kế hiện nay ở nước ta.



Anh Phí Mạnh Toàn, nhân viên kỹ thuật cho biết: Đây là loại nhà máy thuỷ điện đường dẫn, có tổng chiều dài đường hầm tuy nen áp lực dẫn nước gần 10 km, đường kính hầm từ 3 mét đến 3,8 mét, là công trình có đường dẫn áp lực dài nhất nước ta hiện nay. Đường hầm xuyên qua núi được nối từ đập chính thuộc xã Ngọc Chiến đến xã Chiềng Muôn, tạo ra độ chênh lệch cột nước lớn nhất là 664,67 mét (thượng lưu) đến tổ máy số 1 (mực nước hạ lưu nhà máy) là 274,31 mét. Do độ chênh lệch cao, nên lưu lượng dòng chảy lớn nhất qua nhà máy đạt trên 34,4 m3/s.

Công trình thuỷ điện Nặm Chiến, ngoài độc đáo về đập vòm, chịu áp lực cực lớn, còn thi công phức tạp bởi địa thế là nơi núi non hiểm trở, dốc núi lớn (trên 65 – 70%), có địa hình địa chất phức tạp, 2 bên suối Chiến là vách đá cao dựng đứng. Để thi công đập, đặc biệt là thi công đường dẫn, các đơn vị phải mở hàng chục đoạn đường qua lưng chừng núi vào các điểm thi công, trong đó đường hầm dẫn nước chính phải “đục” xuyên núi trên 9,1 km, đường ống hở bọc bê tông gần 400 mét, đường ống hở bọc bê tông qua cầu trên 100 mét, giếng nghiêng gần 100 mét. Việc triển khai thi công đường ống dẫn nước áp lực của thuỷ điện vừa có đoạn ngầm trong núi, vừa có đoạn hở nổi chưa có tiền lệ ở Việt Nam, thành thử vừa độc đáo, sáng tạo nhưng cũng không ít khó khăn trong thi công. Việc thi công đường hầm dẫn nước xuyên núi (từ đập đến khoang đặt máy) dài gần 10.000m phải tập trung nhiều thời gian nhất, nay các đơn vị đã đào thông trên 6.000 mét. Như vậy thời gian tới sẽ còn khó khăn hơn trong việc đào hầm xuyên núi, nhưng với kinh nghiệm và tài năng của những người thợ Sông Đà, tin rằng đường hầm dẫn nước của công trình sẽ hoàn thành đúng tiến độ.

Tháng ba về thăm công trường thuỷ điện Nặm Chiến, tuy không ồn ào như công trường thuỷ điện Sơn La, nhưng dấu ấn về vẻ đẹp sau này của vùng hồ trên núi, với những hòn đảo tự nhiên, núi rừng còn nguyên sơ, tạo nên cảnh kỳ vĩ có giá trị về du lịch, độc đáo về đập vòm bê tông được thiết và ứng dụng đầu tiên, là công trình độc đáo bởi đường hầm tuy nen áp lực dẫn nước dài nhất lại vừa “kín” vừa “hở” chưa có tiền lệ cho công thuỷ điện tại Việt Nam, độc đáo bởi địa điểm thi công phức tạp, phải mở hàng chục đường vào các điểm thi công, nhưng đổi lại nó mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn so với xuất đầu tư, độc đáo bởi những người thợ nơi đây đang ngày đêm khoan hầm, xẻ núi táo bạo, thể hiện trí tuệ của đội ngũ công nhân quyết trinh phục thiên nhiên để cho công trình thuỷ điện sớm hoà điện lưới quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở tỉnh miền núi Sơn La./.

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.