Thép Sông Hồng: Những công trình vẫy gọi










Dự án Nhà máy thép Sông Hồng có công suất 180 nghìn tấn/năm, công nghệ Đài Loan và Nhật Bản. Sản phẩm của Nhà máy là thép thanh trơn và thanh vằn đường kính từ D10 đến D40, thép cuộn đường kính 5,5 đến 12mm.


Thép Sông Hồng: Những công trình vẫy gọi




Dự án có tổng mức đầu tư 234,058 tỷ đồng, do Cty TNHH Đầu tư và Phát triển công nghệ cao AT làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Phú Thọ chấp thuận tại Quyết định số 1501/QĐ-UB ngày 16/5/2002. Tại Quyết định số 3385/QĐ-UB ngày 4/10/2002, UBND tỉnh Phú Thọ đã thu hồi 104.970m2 đất tại P.Bạch Hạc giao cho Cty TNHH Đầu tư và Phát triển công nghệ cao AT để xây dựng dự án này.


Thép Sông Hồng: Những công trình vẫy gọi




Dự án thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC với Hợp đồng giữa TCty Sông Hồng và Cty TNHH Đầu tư và Phát triển công nghệ cao AT.



Ông Lê Văn Chuyên – Chủ tịch HĐQT Cty CP Thép Sông Hồng cho biết: Đến tháng 5/2005 thì dự án tạm dừng lại do chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính. Lúc này, dự án đã hoàn thành được một số hạng mục chính là: Xây dựng nhà xưởng sản xuất, hệ thống cung cấp điện nước, cứu hoả, đường nội bộ, hàng rào… Dây chuyền thiết bị đã lắp đặt xong nhưng chưa hiệu chỉnh và chạy thử. ớc tính đã hoàn thành khoảng 70% khối lượng của dự án với giá trị 159,438 tỷ đồng.



Ngày 27/5/2005, tại trụ sở TCty Đầu tư Phát triển nhà và Đô thị (HUD), Cty CP thép THS đã được thành lập, gồm 3 cổ đông: TCty Sông Hồng, TCty HUD và Cty TNHH Đầu tư và Phát triển công nghệ cao AT để tiếp nhận và tiếp tục thực hiện Dự án.



Tại Đại hội cổ đông Cty THS ngày 24/1/2006 đã thống nhất nhận bàn giao nguyên trạng nhà máy, quyết định vốn điều lệ của Cty là 80 tỷ đồng, trong đó TCty HUD nắm giữ 72%, TCty Sông Hồng 20% và Cty AT 8%.




Tuy nhiên, do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan, sau hơn 3 năm Nhà máy vẫn chưa đưa vào sản xuất.



Được sự đồng ý của Bộ Xây dựng, Đại hội cổ đông bất thường của Cty THS đã họp để giải quyết 2 vấn đề lớn về: Tăng vốn điều lệ từ 80 tỷ đồng lên 120 tỷ đồng; Cơ cấu lại tỷ lệ góp vốn, trong đó TCty Sông Hồng nắm giữ 85%, Cty CP Sông Hồng 25 nắm 2%, Cty CP Sông Hồng 22 nắm 1% và Cty AT 12%. Nhưng tại thời điểm này, TCty Sông Hồng và Cty CP Thép Sông Hồng lại đứng trước những khó khăn thách thức mới, đó là tình hình kinh tế thế giới và trong nước có những biến động bất lợi, lạm phát tăng cao, Chính phủ chỉ đạo thực thi các biện pháp quyết liệt để kìm chế lạm phát, trong đó có việc đình hoãn và giãn tiến độ các dự án đầu tư. Từ đó các ngân hàng và tổ chức tín dụng xiết chặt việc cho vay vốn đối với dự án đầu tư, lãi suất cho vay cũng ở mức cao, từ 18 – 20 %/năm.



Trong hoàn cảnh đó, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Xây dựng, sự giúp đỡ của Tỉnh uỷ – UBND cùng các sở ban ngành của tỉnh Phú Thọ, sự ủng hộ của các đơn vị trong và ngoài TCty, đặc biệt là ngân hàng… nhà máy đã vay được vốn để mua phôi, dầu, bảo dưỡng thiết bị. Nhờ đó Cty CP Thép Sông Hồng đã tiến hành hiệu chỉnh, bảo dưỡng lại dây chuyền thiết bị; tuyển dụng và đào tạo 180 lao động, trong đó 1/3 là lao động tại Phú Thọ, 2/3 là cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề từ các nhà máy khác và các trường đào tạo trong cả nước. Sắp tới sẽ tuyển dụng thêm từ 40 – 50 lao động nữa theo biên chế.



Nhà máy chạy thử theo quy trình và tháng 12/2008 đã sản xuất thành công gần 2.000 tấn sản phẩm thép xây dựng. Sản phẩm thép xây dựng của nhà máy đã được phòng thí nghiệm của Sở Xây dựng Phú Thọ và Trung tâm Kỹ thuật đo lường chất lượng thử nghiệm và kết luận đạt và vượt tiêu chuẩn Việt Nam, tương đương tiêu chuẩn JIS G3 112 của Nhật Bản. Khách hàng đã đến nhà máy để tìm hiểu và đặt vấn đề hợp tác tiêu thụ sản phẩm cho nhà máy.



Như vậy, chỉ trong một thời gian hơn 4 tháng nhà máy đã bắt tay vào sản xuất thương phẩm (từ 15/12/2008). Năm 2009, Cty CP Thép Sông Hồng sẽ sản xuất và tiêu thụ 100 – 120 nghìn tấn thép xây dựng đảm bảo theo tiêu chuẩn Việt Nam, JIS G3 112 (Nhật), BS 4449-1997 (Anh) và ASTM (Mỹ).



Cty tiếp tục hoàn thiện Dự án,  đầu tư các hạng mục phụ trợ: Nhà văn phòng, sân vườn, cây xanh, nhà tắm – nhà vệ sinh công nhân, ga ra xe, cổng – hàng rào, cần trục, ôtô vận chuyển… với giá trị đầu tư khoảng 40 – 50 tỷ đồng. Trong thời gian ngắn nhất đưa thương hiệu thép Sông Hồng lên ngang hàng với các nhà máy khác…  Nhà máy thép Sông Hồng mới ra đời, phía trước đang đợi chờ với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng hy vọng sẽ đơm hoa, kết trái, đưa thép Sông Hồng trở thành một thương hiệu tin cậy của những công trình trên khắp mọi miền đất nước.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *