Thiết chế Kiến trúc sư trưởng thành phố: Có cần quy định trong Luật Quy hoạch đô thị?











Đây là vấn đề mà các đại biểu tham gia hội thảo góp ý cho dự thảo Luật Quy hoạch đô thị (QHĐT) do Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam tổ chức (ngày 9/4) tập trung bàn luận.




Đại diện cho Hội, TS Đào Ngọc Nghiêm báo cáo tổng hợp các ý kiến đóng góp. Theo đó, riêng về thiết chế kiến trúc sư trưởng (KTST) và mối quan hệ của KTST với Hội đồng Kiến trúc – Quy hoạch (KTQH) đô thị có 5 luồng ý kiến. Ý kiến thứ nhất, cần có KTST nhưng đó chỉ là chức danh cá nhân tư vấn cho chủ tịch đô thị. Ý kiến thứ hai, KTST và Hội đồng KTQH phải được phân biệt rõ, không để trùng lặp như dự thảo nêu. Ý kiến thứ ba cho rằng, không nên có chức danh KTST trong điều kiện của Việt Nam hiện nay. Ý kiến thứ tư, nên gắn KTST với chức danh người đứng đầu cơ quan quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị đồng thời làm chủ tịch Hội đồng Kiến trúc quy hoạch. Ý kiến cuối cùng, không đưa quy định về KTST vào dự thảo luật.



PGS.TS Huỳnh Đăng Hy – Tổng thư ký Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho biết: Trên thế giới, chưa từng thấy nước nào có Hội đồng KTQH làm tham mưu, phản biện cho Thị trưởng như dự thảo Luật QHĐT. Mà Hội đồng KTQH chỉ là một tổ chức tư vấn riêng cơ quan chức năng quản lý quy hoạch xây dựng đô thị. Chủ tịch Hội đồng này là thủ trưởng cơ quan quản lý KTQH đô thị (hoặc cơ quan quản lý xây dựng đô thị), là KTST TP (cũng có thể là KTST của tỉnh). Nhiệm vụ chủ yếu của Hội đồng KTQH là xem xét thẩm định các đồ án QH xây dựng TP, QH các khu nhà ở, KCN và các khu chức năng khác, các dự án thiết kế nhà ở, nhà công cộng, dịch vụ, công trình công nghiệp, công trình hạ tầng, trang trí xây dựng kể cả các tượng đài, quảng cáo… Thành viên Hội đồng bao gồm các KTS, kỹ sư về hạ tầng kỹ thuật, chuyên gia môi trường, họa sỹ… có trình độ cao, đại diện các hội nghề nghiệp và không nhất thiết phải có đại diện các cơ quan quản lý nhà nước.



Ông Hy cũng lưu ý cần phải có sự phân biệt giữa Hội đồng KTQH với hội đồng thẩm định xét duyệt ở các cấp có thẩm quyền xét duyệt.



Về mô hình KTST, ông Hy phân tích: Theo dự thảo Luật, KTST chỉ là một chức danh cá nhân, làm nhiệm vụ tư vấn, tham mưu cho chủ tịch UBND TP. Như vậy, KTST chỉ là một viên thư ký chuyên ngành QHĐT của thị trưởng. Trong khi điều chúng ta mong muốn là phải có một tổ chức, một nhân vật có thể giúp chính quyền TP quản lý tốt công tác thiết kế QHĐT và quản lý tốt tiến trình phát triển đô thị.



“Luật QHĐT muốn có tác dụng thực tế, muốn quản lý được hiệu quả thì trước hết hãy bàn đến việc hình thành tổ chức quản lý KTQH hợp lý nhất. Còn thực tiễn, khi có điều kiện, có người tài hãy tôn vinh họ là KTST TP. Nếu không thì chỉ là giám đốc một sở quản lý KTQH bình thường. Đương nhiên người đứng đầu sở KTQH này là một KTS QHĐT được đào tạo có hệ thống, đã kinh qua công tác thiết kế quy hoạch và công tác quản lý phát triển đô thị” – ông Hy nói.



Với tư cách nguyên là KTST TP Hà Nội, ông Đào Ngọc Nghiêm đã phân tích mô hình KTST từng được thí điểm ở Hà Nội và TP.HCM cũng như mô hình của các nước trên thế giới, để rồi sau đó kết luận: Nên có KTST cho tất cả các đô thị (trừ thị trấn) và có 2 mô hình. Thứ nhất, KTST là chủ tịch Hội đồng KTQH. Đây là phương án nâng cao vai trò tư vấn và trách nhiệm cá nhân của KTST – chủ tịch Hội đồng. Mô hình thứ hai là KTST là người đứng đầu cơ quan quản lý về KTQH (Sở KTQH hoặc Sở Xây dựng). Dù lựa chọn mô hình nào thì cũng phải có các tiêu chuẩn làm căn cứ để lựa chọn. Tiêu chuẩn KTST do Chính  phủ quy định. Chủ tịch UBND các tỉnh bổ nhiệm chức danh KTST.



Trước đó, ông Nghiêm bày tỏ quan điểm: Vai trò của Hội đồng KTQH như dự thảo Luật nêu là tổ chức tư vấn, phản biện chuyên ngành cho chính quyền các cấp là phù hợp. Tuy nhiên, cần quy định cơ cấu Hội đồng phải có trên 50% là chuyên gia và đại diện các hội nghề nghiệp có liên quan đến hoạt động QHĐT.



Tham dự hội thảo với tư cách là Trưởng ban soạn thảo Luật QHĐT, một lần nữa KTS Trần Ngọc Chính bày tỏ quan điểm: Với tốc độ đô thị hóa, trình độ văn minh đô thị, các vấn đề quản lý như hiện nay, cần một “nhạc trưởng” để có chiến lược quản lý đô thị, tư vấn cho chủ tịch UBND TP. Thiết chế KTST cần đưa vào luật. Trước mắt thiết chế KTST cần cho tất cả các thành phố, nhất là các đô thị trực thuộc Trung ương, các đô thị đặc biệt như Huế, Hội An, Đà Lạt, Sa Pa… Ông Chính cũng cho biết, khác với thái độ của Hà Nội, đại diện cơ quan chuyên môn của TP.HCM mong muốn lập lại thể chế KTST càng sớm các tốt. Người phụ trách quản lý đô thị ở các TP khác cũng muốn có KTST cho đô thị. Tuy nhiên, mô hình KTST cụ thể như thế nào thì sẽ tiếp tục bàn theo hai hướng. Thứ nhất, KTST sẽ tồn tại song song với Sở Quy hoạch kiến trúc. Hướng thứ hai, chuyển đổi một số chức năng của sở Quy hoạch kiến trúc cho KTST…



Ông Chính cho biết, thường vụ quốc hội sẽ có 2 cuộc họp liên quan đến dự thảo luật QHĐT trước khi dự thảo luật QHĐT được đưa ra xem xét thông qua tại kỳ họp Quốc hội trong tháng 5 tới.







Ngày 16/3/2009, UBND TP Hà Nội có văn bản số 2080/UBND-XD tham gia ý kiến dự thảo Luật Quy hoạch Đô thị gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Theo UBND TP Hà Nội, hiện nay khi còn chưa đủ căn cứ và cơ sở khoa học để khẳng định mô hình KTST có hiệu quả, mặt khác mô hình này đã thí điểm trong 10 năm, nhưng chưa thành công, do đó chưa nên quy định quá cứng bằng việc đưa vào Luật. Vì vậy, đề nghị bỏ Điều 18 trong dự thảo Luật Quy hoạch Đô thị. Trước mắt có thể giao Chính phủ triển khai thí điểm mô hình khác với mô hình đã thí điểm trước đây. Hà Nội đề xuất mô hình KTST làm tư vấn cho Chủ tịch UBND TP, không làm chức năng quản lý Nhà nước và có thể kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc Quy hoạch, không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của các sở, ngành thuộc TP.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *