Chiều 25.5.2010, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận khá sôi nổi với nhiều ý kiến theo vài hướng khác nhau đối với dự thảo Luật Thuế nhà đất. Nhiều ý kiến cho rằng chưa thể đánh thuế cao về đất và chưa nên đánh vào nhà vì thu nhập của dân ta còn quá thấp, không chịu đựng nổi.
Cũng có nhiều ý kiến rất bức xúc vì tình trạng đầu cơ nhà đất đang tràn lan, mức thuế đất như dự thảo và không đánh vào nhà như vậy thì không thể cải thiện được tình hình “sốt nhà đất” liên tục như hiện nay. Cả hai luồng ý kiến trên đều đúng, chỉ có điều dự thảo của luật thuế này chưa đáp ứng được nhu cầu giải tỏa cả hai loại bức xúc này.
trước hết, cần làm rõ lại mục tiêu của sắc thuế nhà đất. Mục tiêu chính của thuế nhà đất là “người được thụ hưởng hạ tầng kỹ thuật (đường, cầu, công viên…), hạ tầng xã hội (trường học, bệnh viện…), dịch vụ công cộng (giao thông, truyền hình…) do Nhà nước đầu tư thì phải trả tiền cho sự thụ hưởng đó; mức độ hạ tầng càng hiện đại và dịch vụ công cộng càng tiện lợi thì giá nhà đất ở đó càng cao; việc thu nộp tiền đóng góp cho ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển hạ tầng và dịch vụ công cộng thông qua thuế đánh vào giá trị bất động sản là hợp lý nhất”. Hiện nay, Nhà nước ta đang phải chi một khoản ngân sách khoảng 100 nghìn tỉ đồng mỗi năm để đầu tư phát triển, trong đó 90% để đầu tư cho xây dựng cơ bản. phần lớn lượng ngân sách cho đầu tư phát triển hạ tầng được lấy từ nguồn vốn vay ODA, làm cho tổng lượng vay đã lên tới mức 41% GDp.
Chúng ta không thể tiếp tục sử dụng vốn vay để nâng cao chất lượng hạ tầng và dịch vụ công cộng, trong khi mức đóng góp của mọi người sử dụng hạ tầng và dịch vụ đó thông qua thuế nhà đất lại hầu như không đáng kể. Mức đầu tư xây dựng cơ bản của ta hiện nay khoảng 90 nghìn tỉ mỗi năm nhưng mức thu thuế nhà đất hiện hành chỉ khoảng 700 tỉ mỗi năm, mức thu chưa đầy 0,8% mức chi.
Theo pháp lệnh về thuế nhà đất hiện hành, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp ở nơi giá đất cao nhất cũng chỉ gấp 32 lần thuế sử dụng đất nông nghiệp, tức là cũng chỉ khoảng 1,6 kg thóc/m2. Mức thuế này tính thành tiền cũng không vượt quá 250.000 đồng cho 50 m2 đất ở mỗi năm (mức cho 1 người tại đô thị) tại nơi có giá đất ở cao nhất. Theo khung giá đất do Chính phủ quy định, giá đất ở cao nhất hiện nay là 67.500.000 đồng/m2. Như vậy, tỷ suất thuế đất ở hiện hành đang ở mức 0,0074%. Mức thuế như vậy thực sự không đáng kể, mọi người nộp thuế đều không có cảm giác mình phải nộp loại thuế này.
Theo Dự thảo luật thuế nhà đất đang thảo luận ở Quốc hội, thuế suất cơ bản đối với đất phi nông nghiệp là 0,03%, tăng lên khoảng 4 lần so với mức hiện hành. Mức tăng như vậy liệu có vượt quá mức thu nhập hiện nay hay không là một việc phải xem xét kỹ lưỡng. Theo số liệu thống kê năm 2006, mức thu nhập bình quân đầu người trung bình của nhóm thấp nhất là 96.000 đồng/người/tháng (ở Cao Bằng) và mức thu nhập của nhóm cao nhất là 3.453.000 đồng/người/tháng (ở Tp. HCM).
Theo khung giá đất do Chính phủ quy định tại Nghị định số 123/2007/NĐ-Cp ngày 27.7.2007, giá đất ở thấp nhất tại khu vực nông thôn là 2.500 đồng/m2 và cao nhất tại đô thị loại đặc biệt là 67.500.000 đồng/m2. Theo mức thu nhập và mức giá đất như vậy, với mức thuế suất 0,03% đối với đất ở trong hạn mức như dự thảo, người có mức thu nhập trung bình thấp nhất ở vùng núi phải nộp thuế sử dụng đất ở cho 200m2 (mức cho 1 người ở vùng núi) là 150 đồng/năm, chiếm 0,013% thu nhập hằng năm; người có mức thu nhập trung bình cao nhất ở đô thị đặc biệt phải nộp thuế sử dụng đất ở cho 50m2 là 1.012.500 đồng/năm, chiếm 2,44% thu nhập hằng năm.
Mức thuế sử dụng đất trên thu nhập như vậy không phải là cao so với mức thuế bất động sản ở các nước khác. Chúng ta có thể tăng thuế suất lên gấp đôi (0,06%) vẫn hoàn toàn trong phạm vi chấp nhận được về thu nhập và thể hiện rõ hơn nghĩa vụ phải đóng góp cho những gì mình được thụ hưởng từ các tiện nghi về hạ tầng và dịch vụ do Nhà nước đầu tư.
Như trên đã nói, thuế suất theo dự thảo thuế nhà đất đã tăng lên khoảng 4 lần so với mức hiện hành, khả năng thu từ thuế này có thể đạt mức 2,8 nghìn tỉ mỗi năm. Mức như vậy cũng chưa là mấy so với con số 90 nghìn tỉ đầu tư xây dựng cơ bản hằng năm. Vốn phát triển hạ tầng ở mỗi nước là do nhân dân đóng góp thông qua thuế đánh vào nhà đất mình đang sử dụng với giá trị phụ thuộc vào mức độ tiện lợi của hạ tầng, dịch vụ mình đang thụ hưởng. Không thể sử dụng mãi vốn vay ODA để đầu tư hạ tầng và dịch vụ công cộng, bắt con cháu phải trả nợ cho những tiện lợi mà chúng ta đang thụ hưởng hiện nay. (GS-TS Đặng Hùng Võ)
DiaOcOnline.vn – Theo Thanh Niên