Sau thành công của chiến dịch chống lũ năm 2009, vào thời điểm này, toàn công trường thủy điện Sơn La đang khẩn trương thi công các hạng mục hướng tới mục tiêu tích nước hồ chứa vào tháng 5/2010 và phát điện tổ máy 1 vào cuối năm 2010. Công trường hiện tập trung hơn 10.000 lao động. Tính bình quân, mỗi ca có ít nhất hơn 3.000 người làm việc. Vậy mà khi đến hiện trường, phóng viên báo Xây dựng gần như không nhận ra số lượng lao động đông đảo ấy. Bởi họ lọt thỏm trước sự hoành tráng quy mô của công trường thủy điện lớn nhất Đông Nam Á. Bởi họ cứ lẫn trong tầng tầng lớp lớp bê tông, cốt thép, trong sự đồ sộ của hệ thống thiết bị do chính họ vận hành, lắp đặt… Họ đang lặng lẽ góp phần tạo nên kỳ tích: Lần đầu tiên, một dự án trọng điểm quốc gia có nhiều khả năng đạt và vượt tiến độ.
Ở khu vực Nhà máy, TCty LILAMA đã hoàn thành lắp đặt buồng xoắn tổ máy 1, 2 và đang lắp đặt buồng xoắn 4 tổ máy còn lại.
Trên công trường khổng lồ này, các mũi thi công được phối hợp chặt chẽ. Trong ảnh, phía trên người LILAMA khẩn trương lắp đặt đường ống áp lực, phía dưới người Sông Đà thi công bê tông khu vực nhà máy. Đến nay TCty LILAMA đã hoàn thành thi công đường ống áp lực số 1, đang hoàn thiện đường ống số 2, 3 và lắp đặt theo tiến độ đường ống áp lực số 4, 5 và 6.
Người thợ hàn khoác áo Sông Đà này cuộn người giữa các lớp cốt thép, lặng lẽ thực hiện công việc của mình. Cũng như hàng vạn người lao động trên công trường thủy điện Sơn La, anh đang góp phần xây dựng một biểu tượng về sức mạnh và lòng quả cảm của con người.
Toàn cảnh công trường nhìn từ bờ trái. TCty Sông Đà đã hoàn thành thi công đập bê tông đầm lăn vai trái đến cao độ thiết kế. Với chiều dài 191m, đáy rộng 120m, đỉnh rộng 10m, từ đáy lên đỉnh là 138m, đây là đập bê tông đầm lăn lớn nhất Việt Nam. TCty Sông Đà hiện đang gấp rút chuẩn bị cho việc đắp đập bê tông đầm lăn vai bờ phải, trên nền kênh dẫn dòng. |
Thủy điện Sơn La: Hối hả vì mục tiêu tích nước hồ chứa
9