Trong tháng 5, báo cáo thường vụ Quốc hội đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội

triển lãm “Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” diễn ra từ 21/4 đến 1/5/2010, tại trung tâm triển lãm Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam (Vân Hồ, Hà Nội) luôn chật cứng người. Đó là minh chứng sống động về sự quan tâm của người dân đối với hình hài của Thủ đô trong tương lai.

Theo số liệu được tính đến hết ngày 28/4, tức là sau 8 ngày (kể từ 21/4 đến ngày 28/4), triển lãm đã thu hút 16.000 lượt người tới tham quan và đóng góp ý kiến, trung bình 2.000 lượt người/ ngày. Có 6.700 phiếu góp ý đã được phát ra và số phiếu thu về là 3.000 phiếu. Hầu hết nội dung của đồ án như: Định hướng phát triển quy hoạch tổng thể; Định hướng phát triển các đô thị vệ tinh; Định hướng về giao thông cho Thủ đô Hà Nội trong tương lai; Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đề xuất; Định hướng bảo vệ môi trường; Bảo tồn di sản; Xây dựng nông thôn mới trong Thủ đô Hà Nội; phát triển đô thị hai bên sông Hồng… đều nhận được sự đồng thuận nhất trí cao từ phía người dân.

trong đó, định hướng về quy hoạch hạ tầng xã hội cho Thủ đô (bao gồm: Nhà ở cải thiện điều kiện sống, tăng diện tích sàn sử dụng, kiểm soát mật độ, tầng cao nhằm hạn chế gia tăng dân số khu vực nội đô, bổ sung hạ tầng, cây xanh, công trình công cộng; Di dời các trường đại học ra khỏi nội đô, giảm tải hạ tầng cơ sở và xây dựng cơ sở 2 cho các trường có quy mô lớn ngoài khu vực nội đô; Di dời các cơ sở công nghiệp ra khỏi nội đô; Nâng cấp các cơ sở y tế trong nội đô trở thành trung tâm y tế chất lượng cao, di dời một phần các bệnh viện trung ương, Hà Nội ra khỏi khu vực nội đô giảm tải hạ tầng xã hội) và mô hình hành lang xanh để bảo vệ khu vực tự nhiên: vùng nông nghiệp, làng xóm và làng nghề truyền thống, sông hồ… có quy mô 70% tổng quỹ đất tự nhiên, nhận được sự đồng thuận cao nhất với trên 90% số phiếu.

Theo kế hoạch, trong tháng 5, Bộ Xây dựng sẽ báo cáo Ban Thường vụ Quốc hội về đồ án này và sẽ xem xét, chọn lọc, cập nhật cả những ý kiến đóng góp mới nhất, thiết thực nhất. Nếu đồ án được thông qua, quy hoạch chi tiết sẽ tiếp tục được triển khai để cụ thể hóa quy hoạch chung và sẽ công bố tại tất cả 29 quận, huyện của Tp Hà Nội.

Tương lai – phải tính mở rộng ra nhiều

 

Hiện trong chúng ta vẫn còn nhiều người nghĩ tới việc xây dựng Hà Nội quanh khu vực phố cổ, nhưng chắc chắn tương lai thì phải tính mở rộng ra nhiều. Với một thành phố mà bán kính chỉ vài ba chục kilômét không có gì là rộng lớn. Đặc biệt, sau này có hệ thống giao thông hiện đại thì đi từ bên này sang bên kia thành phố cũng chỉ 15 – 20 phút.

 

Vị trí dự kiến xây trung tâm hành chính quốc gia ở Ba Vì có hợp lý hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Có những nước có Thủ đô hiện đại, nhưng để tính cho tương lai họ vẫn cho xây một thủ đô mới. Cách đây khoảng 10 năm, khi chuyển một số cơ quan hành chính trung ương ra đường trần Duy Hưng ai cũng cho rằng là xa xôi, nhưng giờ thì nó đã là khu vực trung tâm của Hà Nội.

 

Ở một góc độ nào đấy, tôi ủng hộ việc di chuyển trung tâm hành chính quốc gia lên khu vực Ba Vì. Quan trọng là phải phù hợp với tiềm lực và khả năng của mình, đừng để cứ vạch ra cho có dự án, có công trình rồi lại vứt đấy, gây lãng phí cho xã hội.

           

(Ông Hoàng Tuấn Hợp, Khu đô thị Ciputra – Tây Hồ)

 

trục Thăng Long là một ý tưởng tốt

 

Đi nhiều nơi trên thế giới, tôi thấy các thủ đô vẫn hay có những trục đường lớn như vậy. Với một thủ đô rộng lớn và hiện đại, thì có lẽ trục Thăng Long mới là cái xứng tầm với nó.

 

Nếu thực hiện được, chúng ta sẽ để lại được cho đời sau một con đường đẹp nhất, ngắn nhất nối giữa hai địa danh quan trọng, đó là Ba Vì và trung tâm Hà Nội.

 

Tôi quan tâm đến việc phát triển các phương tiện công cộng. trong đồ án có đưa ra phương hướng phát triển tàu điện ngầm, trong đó, nếu tôi không nhầm thì có những đoạn nổi lên cao. Tuy nhiên, các nhà quy hoạch cần có giải pháp để hạn chế bê tông hóa đô thị, khiến cho cảnh quan bị khô cứng.

(Bùi Lê Thủy Chung – Tập thể ĐH GTVT, Cầu Giấy)

 

Đô thị Hòa Lạc nên mở rộng hơn

 

Bản quy hoạch tổng thể được thực hiện trong thời gian ngắn, tôi đánh giá cao sự nỗ lực của Tư vấn. Tuy nhiên, còn một số vấn đề cần lưu tâm, như việc đặt trung tâm hành chính quốc gia ở đâu?  Tư vấn nên đưa ra các phương án khác nhau và chỉ rõ ưu, nhược điểm của từng vị trí, rằng tại sao lại chọn ở chỗ này mà không phải chỗ khác, sẽ tiện so sánh hơn. Nhiều người chưa phân biệt được rõ ràng giữa trung tâm hành chính và trung tâm chính trị, nên giải thích rõ để tránh nhầm lẫn. Đô thị Hòa Lạc nên mở rộng hơn cho xứng đáng lớn thứ hai của Hà Nội, sau đô thị trung tâm.    

(Nguyễn Thành Đạt- Kỹ sư xây dựng)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *