Chung cư tại Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà |
Theo điều 126 Luật nhà ở và 121 Luật đất đai sửa đổi, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà có quốc tịch Việt Nam, người về đầu tư trực tiếp; nhà khoa học, nhà văn hóa, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức trong nước có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam… được phép định cư từ 3 tháng trở lên có quyền sở hữu nhà ở để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam.
Quy định này cũng áp dụng với cả người có công đóng góp cho đất nước, người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước.
trường hợp không thuộc diện trên nhưng được cơ quan có thẩm quyền miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên thì cũng có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại Việt Nam để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam.
So với điều luật cũ, quy định về thời gian cư trú tại Việt Nam đã được rút ngắn xuống một nửa, từ 6 tháng xuống 3 tháng.
Một điểm mới nữa là điều 121 luật Đất đai (sửa đổi) đã cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quyền bán, tặng cho; thế chấp nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam; được bồi thường khi Nhà nước thu hồi…. Nếu trong thời gian không sử dụng, chủ sở hữu có quyền cho thuê ủy quyền quản lý nhà.
Hai điều luật sửa đổi trên sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9.
Ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, khi thảo luận về việc sửa đổi 2 điều luật này, nhiều đại biểu đã lo ngại những quy định “thoáng” trên sẽ tác động mạnh đến thị trường bất động sản, nhất là đầu cơ đất đai. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không phải tất cả 3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài sẽ về nước mua nhà mà chỉ một số người có nhu cầu thực sự, đủ khả năng tài chính cũng như đáp ứng được các yêu cầu về điều kiện mua nhà thì mới được phép sở hữu nhà. Hơn nữa, hiện đã có nhiều chế tài để quản lý đất đai, ngăn chặn hiện tượng đầu cơ bất động sản.
Theo ông Hiền, năm 2008 cả nước đã phát triển khoảng 50 triệu m2 nhà ở. Riêng tại Tp HCM là 5-6 triệu và Hà Nội khoảng 2 triệu m2
Cũng trong sáng nay, 4 dự án luật khác đã được Quốc hội biểu quyết thông qua là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện ảnh, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa, Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, Luật bồi thường nhà nước.
Luật sửa đổi bổ sung một điều 126 của Luật nhà ở và điều 121 Luật đất đai Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số Điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10; Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật nhà ở số 56/2005/QH11 và Điều 121 của Luật đất đai số 13/2003/QH11. Điều 1 Điều 126 của Luật nhà ở được sửa đổi, bổ sung như sau: “Điều 126. Quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài 1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng sau đây được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu nhà ở để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam: a) Người có quốc tịch Việt Nam; b) Người gốc Việt Nam thuộc diện người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hóa, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước. 2. Người gốc Việt Nam không thuộc các đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều này được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp Giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại Việt Nam để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam.” Điều 2 Điều 121 của Luật đất đai được sửa đổi, bổ sung như sau: “Điều 121. Quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam 1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng quy định tại Điều 126 của Luật nhà ở có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam. 2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam có các quyền và nghĩa vụ sau đây: a) Các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 105 và Điều 107 của Luật này; b) Chuyển quyền sử dụng đất ở khi bán, tặng cho, để thừa kế, đổi nhà ở cho tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam để ở; tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở cho Nhà nước, cộng đồng dân cư, tặng cho nhà tình nghĩa theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 110 của Luật này. trường hợp tặng cho, để thừa kế cho đối tượng không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì đối tượng này chỉ được hưởng giá trị của nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở; c) Thế chấp nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam; d) Được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật Việt Nam; đ) Cho thuê, ủy quyền quản lý nhà ở trong thời gian không sử dụng.” Điều 3 1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 9 năm 2009. 2. Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này. |
Hoàng Khuê