Theo Bộ Xây dựng, mặc dù Luật Nhà ở đã cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở trong nước, tuy nhiên nhiều bà con Việt kiều phản ánh là vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi mua và sở hữu nhà ở.
Qua nghiên cứu, Bộ Xây dựng đề xuất, đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, gồm người có quốc tịch và người mang hộ chiếu nước ngoài nhưng vẫn còn quốc tịch Việt Nam, thì đương nhiên họ có các quyền và nghĩa vụ như người sinh sống ở trong nước. Do vậy, họ được quyền sở hữu nhà ở (thông qua hình thức xây dựng, mua bán, tặng cho, đổi nhà ở) như người ở trong nước (không hạn chế về số lượng nhà ở được sở hữu).
Nhiều Việt kiều tìm mua những căn hộ cao cấp. Ảnh: Hoàng Hà |
Còn người gốc Việt Nam (từng có quốc tịch Việt Nam hoặc có cha, mẹ đẻ, ông bà nội, ngoại hiện nay hoặc trước đây đã từng có quốc tịch Việt Nam) thì sẽ được sở hữu nhà ở như người trong nước nếu về đầu tư lâu dài tại Việt Nam; là người có công với cách mạng; nhà khoa học, các chuyên gia hoặc người có nhu cầu về sống ổn định tại Việt Nam (theo khoản 1, điều 126 Luật Nhà ở).
Tuy nhiên, với những người gốc Việt không về đầu tư hoặc sống ổn định lâu dài tại Việt Nam thì chỉ được sở hữu một nhà ở (một nhà ở hoặc một căn hộ).
Ngoài ra, người định cư ở nước ngoài gốc Việt Nam nếu không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 126 của Luật Nhà ở mà đã về Việt Nam và có thời hạn cư trú ghi trong hộ chiếu hoặc trong giấy tờ nhập xuất cảnh từ 6 tháng trở lên hoặc được cấp Giấy miễn thị thực theo quy định của pháp luật vẫn được sở hữu một nhà ở.
Đoàn Loan