Người dân đô thị đang “khát” không gian công cộng để giao tiếp. Bây giờ, người dân đô thị ở nơi công cộng nhiều hơn thời gian ở nhà. Vì thế, văn hóa sống, lối sống của người đô thị hôm nay có đến hơn 50% là văn hóa nơi công cộng.
Bao năm rồi vẫn thế Điểm lại quá trình phát triển của các đô thị ở Việt Nam, dễ nhận thấy hầu hết các đô thị của chúng ta đang bị quá tải, đang thiếu trầm trọng không gian công cộng. Đến nay, nhà bảo tàng, nhà hát, các khu công sở, quảng trường, vườn hoa ở Hà Nội, Tp.HCM, Hải phòng… được quy hoạch, xây dựng từ lâu vẫn là những di sản kiến trúc đẹp nhất, vẫn là hình ảnh dễ nhớ của các đô thị Việt Nam. Với Hà Nội, các không gian công cộng như Quảng trường Cách mạng tháng 8, vườn hoa Đông Kinh Nghĩa Thục, sân vận động Hàng Đẫy, công viên Bách Thảo… các góc phố, những con đường đã trở thành những địa danh đáng nhớ của Thủ đô “ngàn năm văn hiến”. Và rồi, suốt một thời gian dài, trong chiến tranh, rồi bao cấp, Hà Nội chỉ bổ sung thêm vào các không gian công cộng một công viên Thống Nhất và quảng trường Ba Đình. Gần 10 năm trở lại đây thêm công viên Tuổi trẻ, Yên Sở, quảng trường Mỹ Đình và một vài vườn hoa có được từ các dự án sai quy hoạch, được cấp phép vô lối. Nhưng ngoài quảng trường Mỹ Đình, hai công viên mới thì một vẫn đang trong thời gian xây dựng, một bị sử dụng sai mục đích. Ở các đô thị khác tình hình cũng không khá hơn. Hải phòng vẫn là nhà hát Tp, là Nhà Kèn (nơi bán hoa bây giờ). Còn Tp.HCM, đáng tiếc rằng, trong thời gian phát triển xây dựng nhộn nhịp vừa qua, chưa có đầu tư đáng kể nào cho không gian công cộng đô thị, ngoại trừ việc chỉnh trang một số không gian công viên mảng xanh đã có sẵn và đưa thêm vào các không gian này một số hoạt động đô thị mới mẻ. Nếu đáng kể thì có thể nhắc đến các tượng kỷ niệm trên một số trục giao thông chính, tốt về vị trí quy hoạch dù chất lượng thẩm mỹ tượng chưa cao. Một không gian đô thị được quy hoạch hiện đại phải luôn có các điểm nhấn, điểm dừng dành cho tất cả mọi người: đó là các công viên, chỗ đi bộ, chỗ dừng chân của giao thông công cộng, chỗ thưởng thức văn hóa, nơi thực hiện các dịch vụ công. Về lý thuyết là thế, nhưng hiện tại, hàng triệu héc-ta đất ở Hà Nội và Tp.HCM đang để hoang hóa là một lãng phí ghê gớm khi mà các không gian công cộng đô thị vô cùng thiếu. trong sự phát triển vô độ ấy, may thay, trong rất nhiều tiếng nói của các nhà khoa học, các kiến trúc sư và của cả dư luận, cũng có nơi chính quyền “ra tay”, và người dân nhờ đó được hưởng thêm một phần không gian công cộng vốn ngày càng hiếm hoi. Tại Tp.HCM, công viên 29/3 đã may mắn thoát được khối bê tông (dự án khách sạn) người ta định đặt vào đó. Tại Hà Nội, Công viên Tuổi trẻ cũng được giải cứu khỏi sự xâm lấn vô lối này (dù hiện tại vẫn chủ yếu là nơi cho thuê kinh doanh). Để không là quá muộn Không gian công cộng – nói không quá lời – nó như vitamin của đời sống đô thị. Dù chiếm tỷ trọng không lớn nhưng lại quyết định sự sống, sức khỏe của cơ thể đô thị. Người dân đô thị không thể có được môi trường sống tốt nếu vẫn cứ xúm xít trong những khu rừng bê tông, bị bao quanh bởi taxi, giao thông, và hàng triệu người lạ. Chính vì thế, giải quyết chỗ ở cho người dân không thể chỉ bó hẹp trong giải quyết căn hộ, nhà ống hay biệt thự mà bao gồm cả việc giải quyết các không gian công cộng từ nhỏ nhất như vỉa hè, bến xe buýt, sân trường mẫu giáo tới to nhất như Nhà Quốc hội, các công sở, các quảng trường, các công viên, các khu du lịch, danh thắng, các bảo tàng, các khu bảo tồn thiên nhiên… Marc Berman – một nhà tâm lý học tại đại học Michigan (Mỹ) – chỉ ra rằng, trong một môi trường đô thị, có những quá trình làm hỏng tư duy của con người, đặc biệt là với môi trường thiếu các không gian công cộng. Sau một vài phút ở trên một con đường đông đúc, não bộ kém khả năng lưu giữ các sự việc trong trí nhớ, và sức tự chủ giảm. Rõ ràng, một đô thị chứa quá nhiều kích thích mà chúng ta lúc nào cũng cần phải định hướng lại chú ý của mình thì việc có những khoảng không gian để thư giãn là điều vô cùng quan trọng đối với con người. Bây giờ, người dân đô thị ở nơi công cộng nhiều hơn thời gian ở nhà. Vì thế, văn hóa sống, lối sống của người đô thị hôm nay có đến hơn 50% là văn hóa nơi công cộng. Để tạo ra một đô thị hiện đại, văn minh, bền vững, người dân đô thị cần phải có những không gian giao tiếp lớn. Nhưng dường như, ở các đô thị, điều này còn lạ lẫm với chính quyền. Những dự án hoành tráng cả triệu đôla có thể có ý nghĩa với họ qua mỗi nhiệm kỳ hơn là những công viên, vườn hoa, quảng trường phục vụ lâu dài cho người dân (mà trong đó có chính con cái họ).
|