Xây dựng 2 đô thị phục vụ thủy điện Sơn La


(VTC News) – Đoàn Giám sát của Ủy ban TVQH vừa kiến nghị cho phép sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để đầu tư xây dựng Thị trấn Phiêng Lanh (Quỳnh Nhai, Sơn La) và Thị xã Mường Lay (Điện Biên) làm cơ sở để Chính phủ tiếp tục triển khai thực hiện dự án thủy điện Sơn La theo đúng tiến độ.









Thủy điện Sơn La – công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á với số dân phải di chuyển dự kiến đến năm 2010 là 18.897 hộ, 91.100 khẩu (Ảnh 3D)


Kiến nghị này của Đoàn Giám sát Ủy ban TVQH vừa được trình tại buổi khai mạc phiên họp 19 Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay (14/4).


Theo đó, từ ngày 9 – 7/02/2009, Đoàn đã giám sát trực tiếp tại 3 tỉnh: Sơn La, Điện Biên và Lai Châu, khảo sát 11 điểm tái định cư (TĐC), tiếp xúc với dân TĐC, Đoàn cũng đến thực địa công trường thi công công trình Nhà máy thuỷ điện Sơn La.


Mục đích giám sát lần này của Ủy ban TVQH nhằm đánh giá một cách toàn diện về thực hiện di dân, TĐC.


Qua giám sát, Đoàn kiến nghị Ủy ban TVQH cần có Nghị quyết sau kết quả giám sát về di dân, TĐC dự án thủy điện Sơn La và báo cáo đề nghị Quốc hội xem xét thông qua chủ trương điều chỉnh quy mô và tổng mức đầu tư dự án thủy điện Sơn La (TĐSL), trong đó có dự án di dân, TĐC TĐSL.


Đồng thời, cho phép sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để đầu tư xây dựng các đô thị: Thị trấn Phiêng Lanh huyện Quỳnh Nhai tỉnh Sơn La và Thị xã Mường Lay tỉnh Điện Biên làm cơ sở để Chính phủ tiếp tục triển khai thực hiện theo đúng tiến độ.


Trưởng Đoàn Giám sát Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cũng cho biết, rút kinh nghiệm TĐC Thuỷ điện Hòa Bình trước đây và từ thực tiễn hiện nay, đề nghị Chính phủ chủ động có chính sách “Hậu tái định cư thủy điện Sơn La”, trọng tâm là tiếp tục ưu tiên đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh cho các xã có điểm TĐC; Đầu tư phát triển sản xuất toàn diện và bền vững cho các hộ TĐC và các hộ sở tại bị ảnh hưởng;


Đồng thời, rất cần có một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội cho các hộ TĐC và hộ sở tại bị ảnh hưởng trong thời gian không dưới 5 năm tính từ khi hoàn thành việc tổ chức di dân đến nơi TĐC…


Ông Ksor Phước cũng nhấn mạnh, bằng mọi biện pháp tổ chức di dân còn ở trong khu vực lòng hồ đến nơi ở mới tránh nguy cơ lũ sớm, đảm bảo an toàn cho nhân dân, phấn đầu hoàn thành trước tháng 7/2010 (nhất là tại Thị xã Mường Lay tỉnh Điện Biên).







Tại phiên 19 Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về: dự án Pháp lệnh chi phí giám định, định giá trong tố tụng dân sự và tố tụng hành chính; Về việc tiếp thu, chỉnh lý những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự; Về việc tiếp thu, chỉnh lý những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật lý lịch tư pháp;

Ủy Ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật nhà ở và sửa đổi, bổ sung Điều 121 của Luật đất đai; Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản;

Cùng với đó, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật bồi thường nhà nước; về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa; Về dự án Luật khám, chữa bệnh; Về báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm;

Cho ý kiến về dự án Luật viễn thông; Về phương án phân bổ số vượt thu ngân sách trung ương năm 2008; Về việc tiếp thu, chỉnh lý những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật quản lý nợ công; Về việc tiếp thu, chỉnh lý những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật quy hoạch đô thị…

Phiên họp diễn ra từ 14-21/4/2009.


Kiều Minh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *