Từ một buôn làng xa xưa của người Êđê, ngày nay Buôn Ma Thuột đã và đang trở thành một thành phố có vị trí ngày càng quan trọng của vùng Tây Nguyên và cả nước. Quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa đã đem đến cho Buôn Ma Thuột sự “thay da đổi thịt” nhanh chóng.
Sức bật trong những năm qua, kinh tế của thành phố tăng trưởng khá, cơ cấu chuyển dịch theo hướng công nghiệp – dịch vụ – nông nghiệp với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt trên 13%. Nếu như năm 2000, tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng trong GDp chiếm gần 27% thì đến năm 2008, con số này đạt trên 38%. Tương tự, dịch vụ tăng từ 38,20% (năm 2000) lên 48,50% (năm 2008); ngành nông nghiệp vẫn tăng về giá trị tuyệt đối nhưng giảm về tỷ trọng, từ gần 35% (năm 2000) xuống khoảng 13% (năm 2008). Thu nhập bình quân đầu người năm 2008 đạt 19,5 triệu đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2000; riêng năm 2009 hơn 24,5 triệu đồng/người/năm, vượt 70% mức chung của tỉnh. Thu ngân sách tăng bình quân 20%/năm, tổng thu ngân sách năm 2009 đạt 717 tỷ đồng, chiếm hơn 30% tổng thu ngân sách toàn tỉnh. trong phát triển kinh tế, sản xuất công nghiệp có bước phát triển mạnh mẽ, bên cạnh các khu, cụm công nghiệp như Hòa phú, Tân An 1, Tân An 2, hàng loạt dự án có quy mô lớn như Thủy điện Buôn Kuốp (công suất 280MW), Nhà máy Bia Sài Gòn – Dak Lak (70 triệu lít/năm), nhà máy Thép… được hình thành. Hệ thống chợ được bố trí rộng khắp, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại quy mô lớn đã và đang xây dựng. Các hoạt động dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải, bưu chính viễn thông phát triển nhanh, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển. Điều đặc biệt là tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng nhanh, bình quân giai đoạn 2001 – 2008 đạt trên 29%. Nguồn lực huy động được tập trung đầu tư cho các chương trình, dự án trọng điểm như: Nâng cấp sân bay Buôn Ma Thuột, các QL14, 26, 27 đi qua Tp… Tuy mỗi năm được tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng với tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng nhưng do quy hoạch giao thông, điện nước, hạ tầng xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đô thị nên tốc độ phát triển của Buôn Ma Thuột vẫn chưa theo kịp các đô thị khác trong khu vực. Buôn Ma Thuột đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình xây dựng để có thể trở thành đô thị hiện đại, giàu bản sắc trên vùng đất bazan màu mỡ, xứng đáng là đô thị hạt nhân của vùng, đóng vai trò động lực phát triển cho cả khu vực Tây Nguyên.
Cần tạo bước đột phá từ hạ tầng giao thông Việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông được xem là một trong những yếu tố quan trọng để Buôn Ma Thuột làm tốt vai trò đầu tàu của mình, trở thành trung tâm kinh tế – chính trị – văn hóa của khu vực. Đã có nhiều ý kiến cho rằng, Buôn Ma Thuột nên sớm xây dựng và nâng cấp sân bay Buôn Ma Thuột thành Cảng hàng không Quốc tế, trở thành đầu mối vận tải hàng không của khu vực Tây Nguyên với trong nước và quốc tế, thực hiện tốt chính sách đối nội, đối ngoại. Cần nhanh chóng bắt tay vào đầu tư xây dựng tuyến đường sắt nối từ hệ thống đường sắt Việt Nam (Tuy Hòa, phú Yên) đến Buôn Ma Thuột nhằm tạo ra sự đột phá trong giao thông với các cảng miền trung. Bởi tuyến đường sắt này hình thành sẽ phục vụ cho việc lưu thông vận tải hàng hóa và hành khách không chỉ cho riêng tỉnh Đắk Lắk mà còn cho các tỉnh trong vùng Tây Nguyên, liên kết Tây Nguyên với các cảng biển khu vực duyên hải miền trung. Đối với giao thông đường bộ, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường bộ phú Yên – Đắk Lắk, nâng tỉnh lộ hiện nay lên thành QL29 nối từ Ngã ba phú Lâm (QL1, phú Yên) với Cửa khẩu Đắk Ruê (Đắk Lắk). Là một trong những địa bàn thuộc khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam, nhưng hệ thống giao thông liên kết giữa các trung tâm kinh tế trong khu vực chưa hoàn thiện cho nên, để thúc đẩy sự giao lưu phát triển kinh tế – xã hội, thì việc đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông sẽ mở ra nhiều cơ hội, góp phần quan trọng trong việc giao lưu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh trong khu vực. Cùng với các tuyến đường chính nêu trên, việc đầu tư nâng cấp, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống quốc lộ, các tuyến đường thuộc đường Hồ Chí Minh đi qua Tp và các tuyến giao thông đối nội cũng cần được quan tâm đúng mức.
Không đánh mất bản sắc và đặc trưng riêng Quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa sẽ tạo ra các Tp giống nhau nhưng may mắn cho đô thị Buôn Ma Thuột trong quá trình phát triển đã tạo dựng cho mình hình ảnh kiến trúc có nhiều nét riêng, dễ dàng nhận biết cho bất cứ ai khi đặt chân đến đây. Điều này không phải thành phố nào cũng làm được. Ông Huỳnh Ngọc Luân, Chủ tịch UBND Tp Buôn Ma Thuột khẳng định, trong quá trình kiến thiết, xây dựng, cùng với vấn đề phát triển hạ tầng, việc tạo lập cho Buôn Ma Thuột có một không gian đô thị với những nét riêng cũng là vấn đề được cấp chính quyền chú trọng và là mối quan tâm của nhiều người. Với định hướng phát triển Buôn Ma Thuột trong thời gian tới chủ yếu về phía đông, đông bắc; nam và đông nam; gắn kết với các trung tâm văn hóa, thể dục – thể thao, giáo dục – đào tạo cấp vùng và các buôn làng truyền thống, rất nhiều ý kiến của giới chuyên môn đều cho rằng nên quy hoạch Tp thành các phân khu chức năng. Theo đó, đối với KĐT cũ, tiếp tục hoàn thiện các khu chức năng đã ổn định; hình thành mở rộng và nâng cấp để hoàn thiện các khu trung tâm chính trị, văn hóa, thương mại; cải tạo mật độ các khu nhà ở và hệ thống công trình hạ tầng đô thị, phát huy, phát triển các khu nhà vườn trong trung tâm Tp theo định hướng của đô thị vườn. Các khu đô thị mới, phía đông, đông bắc có ga đường sắt, đường Hồ Chí Minh, sân bay thuận lợi cho việc hình thành một khu đô thị đầu mối với kiến trúc hiện đại. Và như vậy, phía tây nam sẽ dành đất cho việc xây dựng đô thị tri thức bao gồm các trường chuyên nghiệp đến viện nghiên cứu; trung tâm thể dục – thể thao cấp vùng đáp ứng mọi yêu cầu về tập luyện, thi đấu thể thao của các nước trong khu vực. Dọc trục xa lộ Đông Tây sẽ tổ chức một trung tâm văn hóa – thương mại mới, quy mô cấp vùng để làm nơi tổ chức các hoạt động văn hóa lớn của tỉnh và vùng. Và như ý kiến của KTS Diêu Quang Hùng, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đắk Lắk, yếu tố mặt nước và cây xanh (tài sản quý giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho thành phố) cần được tôn tạo, phát huy bởi nó sẽ tạo cho đô thị một không gian mở rất cần thiết để có thể tránh được quá trình “đô thị nén” đang diễn ra ở các đô thị trẻ, một thực trạng đáng cảnh báo hiện nay.
|
Xây dựng đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên
1
Bài trước