Nhà cao tầng – từ giấc mơ không tưởng tới toàn cầu hóa

Đón tiếp một người bạn từ nước khác tới chơi Lyon, tôi từng hỏi cô bạn đó, thích đi uống nước salon de thé ấm cúng kiểu pháp ở Hotel de ville hay leo lên tháp 33 tầng uống cafe theo kiểu businessman. Và kịch bản 2 được chọn lựa ngay tắp lự. Một lựa chọn được cô ấy lý giải vì nhà cao tầng luôn có tiềm năng mang lại view đẹp đồng thời toát lên một phong cách sặc mùi tiền bạc sang trọng.

Nhà cao tầng trong câu chuyện hôm nay chính xác hơn phải gọi là nhà tháp hay nhà chọc trời, là những công trình dân dụng cao lêu đêu là điểm nhấn nổi bật và góp phần không nhỏ để tạo nên hình ảnh của đô thị khi quan sát skyline của thành phố.

Nhưng cũng tùy vào từng đô thị, để nổi bật lên trên nền trời khi chụp ngược sáng của những thành phố như New York, Chicago hay Singapore, Hồng Kông, Thượng Hải lại là cả một cuộc đua tranh vươn lên “đến các vì sao”.


Thượng Hải 

Vươn lên bầu trời, giấc mơ của con người ngang hàng và thay thế chúa trời đã luôn ấp ủ cùng với hình ảnh một tháp Babel từ trong Sáng thế ký. Một giấc mơ như Dostoevsky mô tả trong Lũ người quỷ ám “Và cuối cùng, … tháp Babel đã hoàn thành trong bài hát về niềm hy vọng mới của con người, và tại thời điểm đỉnh chóp được đặt lên, thì đấng tối cao (trên Olympia, có lẽ thế) chạy mất trong bộ dạng ngớ ngẩn. Con người bỗng dưng hiểu hết mọi thứ và đã thay thế vào vị trí đó, kể từ đây bắt đầu cuộc sống mới với cái nhìn thông tuệ.” 

Năm 1891 trong từ điển Maitland’s American Standard Dictionary xuất hiện từ “skycraper” (nhà chọc trời) để gọi tên một loạt các công trình cao tầng đang được xây dựng ở thành phố Chicago. Chicago, sau cơn hỏa hoạn lịch sử tiêu hủy 17.000 ngôi nhà ở trung tâm thành phố năm 1871 đã trở thành một công trường khổng lồ cho công cuộc tái thiết. Năm 1888, công trình cao tầng đầu tiên xuất hiện tại thành phố này cao 42m (10 tầng) là tòa nhà The Home Insurance Building. Kể từ đó một thế giới mới đã được xây dựng.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà trang sử mới của bộ mặt đô thị được viết nên, trước đó ít lâu, những thành tựu trong kết cấu khung thép chịu lực và đặc biệt là sự ra đời của chiếc thang máy do kỹ sư Elisha Graves Otis chế tạo năm 1854.

Thang máy là một công cụ hiệu quả giúp sự phát triển của đô thị từ 2D trở thành 3D, thang máy đã làm đô thị quên đi cái thời kỳ dài đằng đẵng mà chợ, thương mại đồng nghĩa với tầng trệt và nhà ở đồng nghĩa với mặt bằng tầng 5 trở xuống.

Cũng phải kể thêm và cũng là để tôn vinh các bạn Pháp 1 chút, là cùng trong thời gian này, hay đúng hơn là sau đó 1 năm, năm 1889, kỹ sư Eiffel đã làm giới xây dựng ngỡ ngàng khi đặt giữa Paris 1 tòa tháp cao 300 m, một chiều cao ngoài sức tưởng tượng thời đó.

Quay trở lại Mỹ thì bên cạnh Chicago đang tái thiết, NewYork bước vào giai đoạn hiện đại và xây dựng hạ tầng đô thị trở thành trung tâm công nghiệp, thương mại và thông tin thế giới trong suốt một thời kỳ từ 1890 đến 1940. Thời kỳ mà như kiến trúc sư Rem Koolhaas đã viết trong cuốn Delirious New York, mô tả về khoảng thời gian mà “Manhattan trở thành một hòn đảo diệu kỳ cho những phát minh và thử nghiệm của cách sống đô thị hiện đại. Và toàn bộ kiến trúc kèm theo của nó được coi là những thí nghiệm quy mô lớn mà trong đó, tổng thể đô thị như một công xưởng của những thực hành nhân tạo, nơi mà những cái thực tế và tự nhiên không tồn tại.”


Manhattan 

Đó là một thế giới không tưởng (utopia). Không tưởng ở đây là sự bỏ qua địa hình và áp đặt trí tuệ của mình lên trên thực tế cũng giống như Tony Garnier khi thiết kế Cité industrielle hay thành phố vườn của Ebenezer Howard, sự không tưởng ở đây có thể hiểu là giấc mơ vươn tới bầu trời, nhưng mặt khác đơn giản là mong muốn triệt tiêu mối quan hệ giữa thiết kế đô thị với điều kiện địa hình, tự nhiên ngay ở trung tâm của New York.

Năm 1909, trên tạp chí Lifes nổi tiếng, một bức vẽ về ý tưởng xây dựng khu Manhattan như một thành phố nhiều tầng (84 tầng) mỗi tầng có một căn biệt thự, những công trình hỗ trợ và khu vườn riêng cho mình. Bức tranh đó phần nào thể hiện mơ ước của trào lưu xây dựng lại Manhattan thời gian đó, mơ ước được sống trong một không gian mở trên trời với đầy đủ tiện nghi. Khát vọng xây dựng những không gian sống vô tận trên một ranh giới hữu hạn.

Khi dòng vốn, dòng người đổ về Manhattan để tạo nên một đô thị đi đầu trong kinh tế toàn cầu, chỉ có những tháp cao tầng mới cung cấp nổi không gian sống cho khu vực chật hẹp này. Như Rem Koolhaas đã so sánh: khoảng không thẳng đứng bên trên hòn đảo Manhattan như một miền tây hoang dã trù phú cho các nhà tư bản khai thác và phát triển. Manhattan, NewYork và cả thế giới tư bản cần nhà cao tầng cho việc xây dựng đế chế của mình, và lần này thì giấc mơ “không tưởng” lại thành hiện thực trên đất Mỹ.

Empire State Building
Empire State Building

New York năm 1908 có 538 nhà trên 10 tầng, công trình Singer Building cao 197m (47 tầng). Kỷ lục lập tức bị phá bởi công trình Metropolitan Life Insurance Building (213m, 50 tầng). Năm 1913 Woolworth Building 241m, 57 tầng. Đến năm 1930 Bank of Manhattan Trust Building 280m, 71 tầng. Cũng phải nhắc đến tòa nhà Chrysler Building phong cách Art Déco được giới thiệu trong bài trước ra đời cũng năm đó, và cuối cùng là Empire State Building cao 381m được xây dựng năm 1931. (Có thể kể thêm Trung tâm thương mại thế giới, công trình bị sụp đổ trong sự kiến 11-9 cao 417m xây dựng năm 1972)

Bài học về tính tiên phong trong kinh doanh được tóm tắt trong câu “không ai nhớ tới người thứ hai đặt chân lên mặt trăng” hóa ra được kiểm chứng ngay trên vùng trời Manhattan. Cuộc cạnh tranh kèn cựa “xây cho nhà cao, cao mãi” này đã biến những giấc mơ utopia trở thành công việc xây dựng một biểu tượng mới của xã hội, biểu tượng của quyền lực tài chính và thông tin. Các tòa nhà ra đời, cái sau cao hơn cái trước và luôn gắn liền với tên các tập đoàn lớn như sự khẳng định vị thế của mình.

Và đã là số một, thì các tòa tháp cũng phải khoác cho mình những chiếc áo ngày càng lộng lẫy. Những phong cách kiến trúc thời thượng nhất thường được mang ra áp dụng để các toàn tháp tự tin phô diễn hết vẻ trịch thượng của mình trên đường chân trời đô thị. Năm 1922 trong một cuộc thi lịch sử về thiết kế tòa tháp cho trụ sở The Chicago Herald Tribune, hơn 260 đồ án đã được gửi về đua tranh từ những kiến trúc sư nỗi tiếng cũng như chưa tên tuổi để hy vọng dành được danh hiệu “tòa tháp đẹp và độc đáo nhất thế giới”. Giải nhất được trao cho một kiến trúc theo hơi hướng Neo-Gothics được nhặt ra từ những thiết kế đến từ nhiều phong cách kiến trúc khác nhau thời đó (từ kiến trúc La mã, đến Art déco, thậm chí cả kiến trúc cổ Maia) nhưng cũng táo bạo bởi những đột phá mang hơi thở của văn hóa đương đại. Kể từ đó mỗi tòa nhà chọc trời ra đời đều là những tác phẩm điêu khắc khổng lồ trong không gian đô thị. Từ kiến trúc Art Déco như Chrysler Building hay phong cách quốc tế như Seagram Building của Mies van der Rohe và P. Johnson, đến phong cách High-tech như trong thiết kế trụ sở ngân hàng Hồng Kong – Thượng Hải của Norman Foster, rồi trào lưu hậu hiện đại v.v. mỗi phong cách, mỗi trào lưu, mỗi luồng tư tưởng đều đẽo gọt ra vài ngọn tháp để chứng minh sự tồn tại của mình.


The Shard (London) 

Tháp cao tầng đã trở thành một biểu tượng hai mặt như thế đó, biểu tượng của chủ nghĩa tư bản và cũng là của bước tiến. Các nhà kiến trúc sư có thể tự hào khi thiết kế ra nó, nhưng đồng thời họ cũng phải thừa nhận công trình của mình đang tôn vinh cho sự áp đặt của những thế lực tài chính lên trên toàn lãnh thổ đô thị, lên trên toàn thế giới. Giờ đây cùng với chủ nghĩa tân tự do, những tòa nhà chọc trời từ Mỹ lan ra và bùng nổ ở các nước Trung đông, Trung Quốc, Đông Nam Á, và bằng tiềm lực tài chính của những tập đoàn mới, các tòa tháp đang tấn công trở lại châu Âu cổ điển. Điển hình của làn sóng tấn công đó là The Shard, một tòa nhà cao 310m đặt giữa London, mới khánh thành năm 2012.

Càng đi vào những mảnh đất cổ điển với đầy những nhà phản biện xã hội học thì sự phân tách giữa biểu tượng tư bản và biểu tượng tiến bộ ngày càng rõ rệt. Nếu như từ năm 1907 Henry James đã mô tả nhà chọc trời như mặt trái của nền kinh tế trong The American Scene như một tiếng nói yếu ớt giữa giai đoạn xây dựng điên cuồng của NewYork. Thì ngày nay ở Mỹ và Châu Âu, người ta đã có những phản bác mãnh liệt hơn về nhà chọc trời. Đặc biệt là vấn đề năng lượng và sinh thái. Nếu trong giấc mơ của những nhà không tưởng và trong tính toán của ông chủ tư bản thì hệ số sử dụng đất của nhà cao tầng là rất cao và hiệu quả, nhưng đứng từ quan điểm dấu chân sinh thái thì nhà cao tầng vẫn là cỗ máy ngốn diện tích sinh thái khổng lồ. Hơn nữa, những tấm kính trên cao tuy tạo cho con người cảm giác về một không gian mở, nhưng thực chất các tòa tháp nhốt con người sinh hoạt trong một không gian gần như nhân tạo hoàn toàn.

Quay trở lại nước pháp, với những nhà xã hội học hay mơ ước nhưng cũng lắm lời phê phán dẫn đến những hành động thực sự thì thường chậm chễ hơn. (Không biết tiêu cực hay tích cực đây?). Những thiết kế về tháp cao tầng của Auguste Perret năm 1922 hay trong đồ án đơn vị ở (plan voisin) của Le Corbusier năm 1925 luôn luôn nằm trên giấy. Rất lâu sau khi Eiffel chạm mốc 300m thì nước pháp mới có một công trình chọc trời là tháp Montparnasse cao 209m, hoàn thành năm 1973 và cao nhất châu âu đến tận 1989. Không biết có phải nó hơi xấu xí hay không mà đến năm 1977 Paris thậm chí còn có lệnh cấm xây nhà có độ cao trên 37m; và cũng không hiểu có phải vì dư âm thất bại của những khu nhà ở xây theo modul những năm 60 hay không nhưng người dân pháp đôi lúc so sánh cuộc sống trong những nhà cao tầng như trong “các chuồng thỏ”. Với họ cuộc sống trong nhà cao tầng có chút gì đó gò bó, nhạt nhẽo và chất lượng sống thấp. Có lẽ vì họ không có diễm phúc ở những căn hộ cao cấp theo kiểu… D’.Palais de Louis của Hà Nội. Vì thế với những dự án lớn được thực hiện trong thời gian gần đây, chất lượng sống, đặc biệt vấn đề sinh thái được chú trọng.

Dự án Signal cao 310m với 71 tầng (ảnh bên) từng được coi là bước tiến mới khi áp dụng những biện pháp sinh thái vào ngọn tháp chọc trời. Được chỉ định xây dựng ở khu La Defense, trung tâm tài chính thương mại theo kiểu toàn cầu hóa của Paris, tháp Signal dự kiến là một khối phức hợp hoàn toàn, có cả khu ở, khu thương mại và văn phòng để làm cho cuộc sống trong khu vực sống động hơn. Nhà phức hợp là một bước tiến mới với người Pháp, trước đây thì các tòa nhà ở Paris thường chỉ phục vụ cho 1 chức năng cụ thể như văn phòng, thương mại hay để … đựng sách như thư viện François-Mitterrand. Tháp Signal được thiết kế để hướng tới sinh thái bằng cách giảm năng lượng như thông gió tự nhiên, giữ nhiệt tốt, ánh sáng tự nhiên,… cũng như tự sản xuất ra một phần năng lượng bằng các tấm thu năng lượng mặt trời. Trên tòa tháp còn có những lô-gia siêu lớn chứa những khu vườn treo sinh cảnh giúp những cư dân của tháp có những giây phút trở về với sinh thái tự nhiên. Thiết kế tháp là Xưởng của kiến trúc sư Jean Nouvel, người đã từng có những thiết kế “xanh” như bảo tàng Quai Branly hay Fondation Cartier.

Tuy nhiên do khủng hoảng kinh tế nên tháp Signal đã bị dừng dự án nửa chừng và vẫn chưa có thể tiếp tục, trong khi đó những người phản đối công trình này thì ngày càng gia tăng. Thậm chí ngay cả vị chủ tịch mới của Phòng quản lý quy hoạch vùng tại La Defense và cũng là thị trưởng tại địa bàn đang xây Signal cũng phản đối công trình này. Giấc mơ xanh cho những ngọn tháp vẫn còn xa vời trong khi đó rất nhiều người ngay chỉ nghĩ về những ngọn tháp đã không đồng ý.

Câu hỏi đặt ra là đô thị cần hay không cần những tòa tháp? Và cuộc sống đô thị dưới bóng những ngọn tháp có gì tốt và xấu? Trong quy hoạch, những nhà chọc trời gần như ít được tính đến nhưng nơi nào cũng muốn xây, để tạo một giá trị biểu tượng cho thương hiệu đô thị của mình, nó không phải một đối tượng được dự tính, nhưng vẫn là một phân mảnh trong bức tranh đô thị. Chi phí giao thông và cơn sốt bất động sản khiến nhà cao tầng được trọng dụng. Nhiều nghiên cứu đứng về phía các chủ đầu tư khi chứng minh được mô hình sống mật độ cao mang lại hiểu quả hơn về năng lượng và tạo ra sức sống của một đô thị phát triển. Nhà cao tầng cũng khiến cho đô thị dồn đất phát triển cho những mục địch khác như cây xanh, không gian mở, thể thao vui chơi.

Nhưng nhà chọc trời lại là một câu chuyện khác. Nhiều ý kiến của những nhà xã hội học quy kết cho những ngọn tháp đang tạo một sự phân hóa đô thị sâu sắc thông qua tính biểu tượng về tiến bộ và tư bản của mình. Những ngọn tháp đang ngày càng tách biệt với tổng thể đô thị cả về cảnh quan và xã hội. Nó tạo một không gian tách biệt giữa những người bên trong và bên ngoài tháp về đẳng cấp xã hội. Ngọn tháp đang chống lại chính đô thị nơi mình hiện diện. Khi các đô thị đã quyết tâm đi theo hướng phát triển bền vững đồng nghĩa với quyết tâm xây dựng môi trường đô thị thuận tiện tiếp cận cho mọi người, nhưng những ngọn tháp, cũng như các khu đô thị khép kín (gated community) dường như đang đi ngược lại xu hướng này. Ngoài ra, dù các nhà chọc trời có cam kết đến đâu trong đồ án thiết kế về một mô hình kiến trúc xanh giảm thiểu năng lượng trong quá trình sử dụng, thì ngay từ giai đoạn xây dựng, nó cũng ngốn một nguồn tài nguyên khủng khiếp so với công trình bình thường tương đương diện tích sàn sử dụng. Tuy diện tích sử dụng đất thấp nhưng dấu chân sinh thái không hề giảm, cũng đúng thôi, vì nhà chọc trời là đại diện hình ảnh của một sự thay đổi khác biệt trong vòng 100 năm nay của con người, đó là toàn cầu hóa. Và mặt trái của toàn cấu hóa vẫn là sự phát triển bất bình đẳng trên toàn thế giới.

Những tòa nhà chọc trời, giấc mơ vươn tới trời xanh, cuối cùng vẫn dẫn đến một sự bất đồng, chia rẽ của loài người, tương tự như Babel thủa trước.

Các tòa nhà chọc trời trên thế giới

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *