Đô thị hóa – Sao Paulo, Jakarta, Belo Horizonte, Hà Nội

Trong khuôn khổ dự án nghiên cứu “Đô thị hóa và Phát triển – đi sâu vào các mối quan hệ” (Urbanization and Development: Delving Deeper into the Nexus) được quản lý bởi Mạng lưới phát triển toàn cầu (GDN – Global Development Network), nghiên cứu “Quá trình đô thị hóa và Hình thái đô thị trong bối cảnh cận kề của Nền kinh tế thị trường: Sao Paulo, Jakarta, Belo Horizonte và Hà Nội” đã được tiến hành trong giai đoạn từ tháng 3/2012 đến tháng 3/2014.

 

Nghiên cứu này tiến hành đi sâu vào tìm hiểu bốn thành phố đại diện cho Châu Mỹ Latin và Châu Á thông qua việc nghiên cứu quy mô lãnh thổ và dân số, các mạng lưới huyết mạch và hình thái của chúng trong so sánh cặp và so sánh chéo. Nó hướng tới sự hiểu biết tốt hơn về mối quan hệ tương hỗ giữa lịch sử phát triển và hoạt động kinh tế – xã hội, về sự vận hành thành phố dưới tác động của nền kinh tế thị trường trong giai đoạn hiện nay. Nắm bắt kết quả nghiên cứu này được hi vọng sẽ giúp các nhà quy hoạch, các nhà nghiên cứu đô thị các nước đang phát triển có cơ hội được học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, được kiểm nghiệm công tác quy hoạch của mình trên thực tế. 


Bảng tông hợp quá trình phát triển của Hà Nội – Trích kết quả nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: 

Các đô thị đối tượng tương ứng là Sao Paulo (Brazil) và Jakarta (Indonesia), Belo Horizonte (Brazil) và Hà Nội (Việt Nam).

Sao Paulo bắt đầu chuyển biến lớn sau khi dòng đầu tư nước ngoài tràn ngập lãnh thổ trong những thập niên 60, 70 của thế kỉ trước. Quá trình đô thị hóa của thành phố này diễn ra vốn băt nguồn từ nhu cầu giao thương và dịch vụ phục vụ ngành công nghiệp cà phê; tiếp đó không gian đô thị được mở rộng ra nhiều lần khi xuất hiện hệ thống đường sắt và đường cơ giới nội và ngoại vùng – nhân tố chính thúc đẩy sản xuất và phân phối hàng hóa.

Jakarta cũng trải qua trình công nghiệp hóa sớm nhưng sự hình thành đô thị hiện đại ban đầu không hoàn toàn xuất phát từ hoạt động buôn bán – sản xuất. Sự bùng nổ của thị trường bất động sản nhà ở và văn phòng cùng lúc diễn ra ở khu vực trung tâm và ngoại vi Jakarta vốn xuất phát từ ý tưởng xây dựng một hình ảnh thành phố Jakarta hiện đại của chế độ độc tài thời kì những năm 1960-1970.

Belo Horizonte và Hà Nội tương đồng trong vai trò trung tâm chính trị của một tỉnh, một nước nhưng có nhiều khác biệt trong chính trị, kinh tế, xã hội .Chúng tuy chậm hơn một nhịp so với hai thành phố còn lại nhưng lại có những bước chuyển mình ngoạn mục trong khoảng thời gian ngắn.

Hà Nội, thành phố bị tàn phá sau 2 cuộc chiến tranh và cấm vận kinh tế và với nền kinh tế xã hội chủ nghĩa khác biệt so, chỉ trong vòng hai thập kỉ đã trở thành một trong những thành phố thu hút đầu tư và phát triển kinh tế mạnh mẽ trong nước (Việt Nam) và trong khu vực (Châu Á). Sự kiện mở rộng ranh giới hành chính ra gấp ba năm 2008 và hoạt động đại kiến thiết đô thị (Quy hoạch chung Hà Nội) năm 2011 càng nhấn mạnh thêm sự vươn lên đáng chú ý này.

Belo Horionte, thủ phủ tỉnh Minas Gerai, là một thành phố vốn trước nay chưa bao giờ được so sánh với các đại đô thị ở Brazil về quy mô đô thị và kinh tế, giờ đây được thu hút được sự chú ý rất mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng kinh tế và dân số cao nhất trong cả nước (Brazil) trong vòng 5 năm trở lại đây.

Câu hỏi nghiên cứu được đặt ra là:

Ở khía cạnh nào có thể có một sự liên hệ giữa bốn thành phố đối tượng, rất khác biêt về nên văn hóa nhưng tương đồng trong bối cảnh toàn cầu hóa của phát triển kinh tế – xã hội ? Kết quả của quá trình đô thị hóa mạnh mẽ là gì và đâu là những tương đồng giữa chúng và giữa sự phát triển đô thị của chúng? Những thành phố này có thể học hỏi ở nhau những gì?

Phương pháp nghiên cứu: 

Hình thái đô thị (urban morphology) là “thấu kính” cơ bản để tiến hành so sánh bốn thành phố trên với nhau. Hình thái đô thị được tìm hiểu ở các cấp độ quy mô khác nhau.

Hình thái đô thị cấp độ vùng (region/city scale) của các thành phố được nhìn nhận rõ nét thông qua việc nghiên cứu sự đối lập của không gian nhân tạo đã phủ kín đất đai và không gian trống còn lại thuộc về tự nhiên. Trong không gian nhân tạo lại chia ra các khu vực đô thị đặc thù mà sự kết nối và mối tương quan của chúng với nhau thông qua mạng lưới giao thông và hạ tầng kỹ thuật cũng được phân tích. Để có thể tìm hiểu về Hình thái đô thị cấp độ vùng (region/city scale),việc nghiên cứu lịch sử hình thành đô thị với những quan tâm tới chế độ chính trị và chương trình, phương pháp quy hoạch đô thị, tới chính sách và thực tế phát triển kinh tế, tới tự nhiên và quy mô dân số trong các giai đoạn tương ứng được áp dụng.


Bảng ma trận so sánh hình thái đô thị cấp độ vùng của bốn thánh phố – Trích nghiên cứu.

Hình thái đô thị cấp độ khu vực (fragment scale) trong nghiên cứu quan tâm đến các khối đặc (mesh) và rỗng (empty space- bao gồm cả không gian xanh và không gian mở công cộng). Những cột mốc đô thị (landmarks) và các yếu tố cấu thành không gian đô thị khác của Kevin Lynch là những công cụ chính để phân tích không gian.

Cơ sở lựa chọn case study cấp độ khu vực ban đầu xuất phát từ quan điểm quản lý đô thị – lựa chọn trong mỗi thành phố hai khu vực mang tính chất “đối lập”. Một bên là những khu vực phát triển Chính thống (formal/legal/planned) với sự đầu tư về quy hoạch không gian, hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ đô thị đầy đủ, với lô đất và công trình có quy mô lớn, hình thái hình học vuông vắn. Khu ở trung lưu Jardins (Sao Paulo), khu vực Đại lộ Thamrin và khách sạn Indonesia (Jakarta), khu Belvedere (Belo Horizonte) và khu đô thị bán đảo Linh Đàm (Hà Nội) thuộc về sự chính thống này. Ngược lại?!, các khu Helliopolis, Kebon Kacang, Jardim Canada và làng Văn Quán là những khu vực phát triển Không chính thống ((informal/illegal/unplanned) với sự đa dạng về quy mô, hình thái công trình và không gian mở công cộng.

Ở cấp độ nhỏ nhất (sample scale), những mảnh đất có kích thước 400m x 400m được lựa chọn chính trong những khu vực case study ở trên để được tìm hiểu sâu hơn. Không gian trong khu vực quy mô nhỏ này được phân ra làm hai loại Đặc – công trình (Solid) và Rỗng – không gian ngoài nhà (Void).


So sánh hình thái đô thị cấp độ khu vực và nhỏ hơn tại 4 case study Chính thống thuộc 4 thành phố – Trích kết quả nghiên cứu. 


So sánh hình thái đô thị cấp độ khu vực và nhỏ hơn tại 4 case study Không chính thống thuộc 4 thành phố – Trích kết quả nghiên cứu. 

Bắt đầu từ cấp độ khu vực trở xuống , bên cạnh yếu tố kinh tế, nghiên cứu này bắt đầu tập trung tìm hiểu sâu hơn đến yếu tố xã hội – cộng đồng, con người. Quá trình vận động biến đổi không gian, biến đổi môi trường sống của từng cá nhân, của tập thể trong các khu vực nghiên cứu – đặc biệt ở các khu vực Không chính thống là một câu chuyện thú vị và quan trọng đã được chú ý.

Trong nghiên cứu Sao Paulo được so sánh với Jakarta, Belo Horizonte được so sánh với Hà Nội. Kết quả của nghiên cứu được rút ra sau một quá trình diễn giải, phân tích các cặp thành phố . Bản thân các thành phố không cùng cặp cũng được đặt cạnh nhau ở một vài khía cạnh, hình thái đô thị chỉ là xuất phát điểm ban đầu tạo điều kiện cho những tương đồng và phát biệt ngoài hình thái được tìm thấy ở đằng sau.

Kết quả nghiên cứu cho thấy:

Sự tương đồng ở cả bốn thành phố là những tác động mang tính quyết định của công tác quy hoạch chính thống lên không gian đô thị. Ý chí – mong muốn phát triển thành phố theo hướng hiện đại của chính quyền các thành phố này đều đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của đô thị. “Thành tựu” rõ nét nhất của các chương trình Quy hoạch chung, quy hoạch vùng là sự hiện diện của đường và phương tiện giao thông cao tốc, với mạng lưới hạ tầng kỹ thuật khác ở khắp nơi tạo nên bộ khung định ra hình dáng của một đô thị hiện đại. Tuy nhiên, sự phát triển bên trong bộ khung đô thị này cũng đã bắt đầu lộ ra nhiều khiếm điểm, vượt ra ngoài sự kiểm soát của nhà quản lý ở nhiều mức độ khác nhau.

Thị trường bất động sản về nhà ở và văn phòng bồi đắp những chỗ trống và giao cắt của hệ thống hạ tầng, phát triển nở rộ quá đà lại không phản ánh được khả năng đáp ứng nhu cầu cơ bản như nhà ở, việc làm, dịch vụ xã hội … ở nhiều khu vực. Song song bên cạnh những khu đô thị ma , ngay trong lòng thành phố hiện đại nhất lại có những khu vực nghèo khó nhất, không được chính quyền quản lý, không đầy đủ nhu cầu thiết yếu của đời sống – tạm gọi là những khu “ổ chuột”. Sự tồn tại của hàng chục khu favela, kampung ở Sao Paulo và Jakarta cho thấy ‘hậu quả’ của quy hoạch bành trướng lấy đất nông nghiệp nhưng không cung cấp đủ việc làm cho lao động dư thừa, hậu quả của thu hút nhân lực nông thôn lên thành phố mà không quan tâm tới nhu cầu nhà ở xã hội , cho thấy sự bất lực của chính quyền thành phố trong một câu chuyện đã trở nên quá tầm kiểm soát. Belo Horizonte và Hà Nội tuy không có những khu vực không chính thống như vậy, nhưng những khu vực dân cư cũ trong lòng đô thị (khu tập thể), những khu vực ngoại ô, những làng xã nông nghiệp đô thị hóa cũng đang phát triển tự phát, không được quan tâm đúng mức và do đó nằm trong sự đe dọa mất kiểm soát nói trên.


Khu “ổ chuột” Heliapolis tại São Paulo
(Nguồn: Eliana Barbosa)


Khu tập thể cũ tại Hà Nội
(Nguồn: Eliana Barbosa)

Một sức mạnh to lớn nữa tác động đến không gian đô thị các thành phố trên là sự vận động của nền kinh tế thị trường. Giá trị bất động sản tăng nhanh tại xung quanh khu vực trung tâm và dọc theo các tuyến đường liên tục tạo ra những dự án phát triển mới của tư nhân tại những khu vực phát triển dân cư hay nông nghiệp lâu đời. Vẻ đẹp cổ kính hay sự phát triển đồng bộ ở Sao Paulo tại nhiều khu vực trung tâm đã không còn nữa mà thay vào đó là một khu vực đậm đặc những công trình tư nhân xây dựng với đa dạng về phong cách và dáng vẻ. Chúng có thể đẹp và hợp lý khi đứng một mình nhưng khi có quá nhiều vẻ đẹp, hình thái khác nhau xếp cạnh nhau sẽ tạo nên một sự lộn xộn và thiếu đồng bộ. Khác biệt một chút nhưng đem lại hiệu quả thẩm mỹ tương tự đó là sự tương phản giữa các tổ hợp trung tâm thương mại khổng lồ nằm và các khu vực ở nghèo khó xung quanh tại Jakarta.


Tổ hợp thương mại – nhà ở nằm giữa khu vực dân cư nghèo khó tại Jakarta
(Nguồn: Patricia Fernades)


Các công trình cao tầng tại São Paulo
(Nguồn: Patricia Fernades)

Bản thân trong quá trình đô thị hóa với giá trị bất động sản tăng cao, những diện tích tự nhiên như cây xanh – mặt nước, những diện tích nông nghiệp cung cấp lương thực thực phẩm cho đô thị đều bị coi nhẹ ở cả bốn thành phố. Ô nhiễm không khí, nguồn nước đã trở thành vấn nạn hàng ngày người dân Sao Paulo và Jakarta. Ngập úng cục bộ và ngập lụt vào mùa mưa đã đều xảy ra ở bốn thành phố với các cấp độ khác nhau.

Bài học rút ra là việc nền kinh tế thị trường và/ hoặc ý chí quy hoạch, công tác quản lý của chính quyền đều không phải là một đường hướng duy nhất và hiệu nghiệm nhất mà chúng ta có thể dựa vào. Sâu xa hơn chính là bài học về cách sử dụng nguồn lực bởi thị trường và quy hoạch chính quy tại các đô thị trên đã vô tình tạo nên sự lãng phí nguồn lực xã hội. Phát triển vừa phải và vừa đủ phù hợp với nhu cầu và khả năng thực tế ; Phát triển xuất phát từ khai thác và tái khám phá, khai thác nguồn lực nội tại nên là những ý thức xuất phát điểm khi tiến hành phát triển đô thị (cũng như bất cứ loại hình phát triển nào khác!!).

Belo Horizonte và Hà Nội có thể nói là một sự “lặp lại” với nhiều cải biến của hai thành phố còn lại. Sự phát triển phía sau cuối cùng trở thành một cơ hội để hai thành phố này tránh khỏi những sai lầm đáng tiếc của các đại đô thị đi trước. Hà Nội cần ý thức được nguy cơ này để có chiến lược bảo vệ vành đai nông nghiệp xanh rộng lớn cũng như hệ thống sông hồ vốn tạo nên đặc trưng cảnh quan cho thành phố. Bên cạnh đó, sự kết nối giữa con người và tự nhiên ở Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng cũng là một đặc điểm khác biệt đáng quí cần được lưu giữ. Sự kết nối này đem lại những lợi ích tuy không hữu hình nhưng hữu dụng khi quyết định đến ý thức và hành vi của con người nơi đây.

Nguồn lực tự nhiên đóng vai trò quan trọng không phải bàn cãi – đây là điều kiện đủ thứ nhất. Nguồn lực con người (cộng đồng dân cư, xã hội) – điều kiện đủ thứ hai là ẩn số mà các thành phố trong khuôn khổ nghiên cứu này đều chưa nhận biết hết được tiềm năng. Tại các khu vực không chính thống và cả chính thống ở cả bốn thành phố, dân cư là những nhân tố chính thay đổi bộ mặt không gian đô thị nơi họ sống. Mối quan hệ đồng hương, đồng nghiệp ,mối quan hệ làng xóm, họ tộc tại các khu vực này tạo nên những cộng đồng rất chặt chẽ và có chí hướng chung.

Ấn tượng nhất trong quá trình nghiên cứu đối với tác giả bài viết là một cộng đồng dân cư trong “khu ổ chuột” Heliapolis có cá tính riêng, với nguyện vọng mạnh mẽ về một môi trường sống đảm bảo và bình đẳng lên đã tự đứng lên đấu tranh đòi quyền lợi, đã tự kiến thiết ra những gì còn thiếu mà chính quyền địa phương không thực hiện được. Một ngôi nhà văn hóa chung cho thanh niên, một trạm ý tế nhỏ, một con đường có hệ thống đèn đường.. – những cơ sở vật chất đơn giản được coi là tất yếu tại nhiều nơi lại là ước mơ , là thành quả của quá trình vận động hàng năm trời tại đây.

Không quá xung đột như ở Heliapolis, tại các khu vực không chính thống khác, người dân cũng cũng có những cải tạo đáng kể lên không gian ngôi nhà và không gian công cộng nơi họ sống. Sự thêm bớt, thay đổi thiết kế trong khác công trình nhà ở, quá trình sử dụng không gian trống với những hoạt động bán hàng rong, giao lưu xã hội, thể dục thể thao tạo nên sức sống , sức hấp dẫn hơn nhiều so với các khu vực chính thống trong nghiên cứu.

Bài học thứ hai là bài học về thái độ đối với sự khác biệt và đa dạng.

Có một điểm thú vị là xuất phát từ khái niệm Chính thống (formal/legal/planned) và Không chính thống (informal/illegal/unplanned) trong phát triển và quản lý đô thị là quan điểm nghiên cứu xuất phát ban đầu, quá trình nghiên cứu lại dẫn tới khái niệm Được dẫn hướng (Induced) và Tự phát (Spontaneous) được cho là gần gũi và nhân văn hơn với các thành phố đối tượng trên. Nhóm tác giả nghiên cứu hi vọng với các khái niệm mới này sẽ là bước khởi đầu của việc kéo các khu vực chênh lệch, khác biệt lại gần với nhau. Nhìn nhận sự khác biệt như một đặc điểm tự nhiên, như một lợi thế cần phát huy hơn là một thách thức cần loại trừ.

Việc định nghĩa lại, thay đôi lại cách nhìn nhận các khu vực này cũng dẫn đến một xuất phát điểm cho ý tưởng hình mẫu quy hoạch “ở giữa” (hybrid version of planning) – đảm bảo các điều kiện chính trong sử dụng và quản lý nguồn lực của chính quyền, của thị trường nhưng vẫn đủ linh hoạt và đủ “mở” cho các hoạt động của xã hội – của cộng đồng địa phương vận động, đủ nhân văn để không tạo ra xung đột.

Đô thị được hình thành nên không phải chỉ trong một giai đoạn , không nằm trong khả năng can thiệp và kiểm soát của chỉ một lực lượng , không thể chỉ dựa vào một nguồn lực. Đô thị đã và sẽ luôn nơi hội tụ của “số nhiều” – nhiều trong lực lượng, nguồn lực; nhiều trong lợi ích và thái độ. Nghiên cứu này như một sự khẳng định lại một lần nữa nhận định trên

Bên cạnh sự tương đồng đã được khẳng định, sự khác biệt của các đô thị các nước đang phát triển và đô thị các nước phát triển là sự biến thiên với biên độ mạnh của tất cả các “số nhiều” tồn tại trong đô thị các nước đang phát triển, đặt ra yêu cầu của sự linh hoạt trong tư duy và hành động quy hoạch.

Chúng ta không nên nhìn nhận sự nhiều và biến thiên trên là một khó khăn cần phải vượt qua. Đó là một đặc điểm cần được ghi nhận, hiểu rõ và hơn thế cần được coi là tiềm năng, là thách thức thú vị cho ngành quy hoạch các nước đang phát triển.

Liều thuốc nào là đúng đắn? Quy hoạch nên can thiệp vào quá trình phát triển đô thị trong giai đoạn nào và với mức độ “mở” đến đâu? Tại sao không phải là một nguyên lý quy hoạch đô thị mang tính “giao thoa” – nơi sự đa dạng gặp nhau để thăng hoa , và “co giãn” đảm bảo mọi biên độ biến thiên đều được dung nạp ?!

Một phương thức mới hé lộ – một hành trình tìm câu trả lời mới bắt đầu..

Ths.KTS Nguyễn Thanh Tú – Bộ môn Quy hoạch, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Đại học Xây dựng 

Bài viết này tóm tắt một vài kết quả chính của nghiên cứu “Quá trình đô thị hóa và Hình thái đô thị trong bối cảnh cận kề của Nền kinh tế thị trường: Sao Paulo, Jakarta, Belo Horizonte và Hà Nội” (tác giả Eliana Rosa de Barbosa, Patricia Capanema Alvares Fernardes và Nguyễn Thanh Tú) – nằm trong dự án Nghiên cứu “Đô thị hóa và Phát triển – đi sâu vào các mối quan hệ” (Urbanization and Development: Delving Deeper into the Nexus) được quản lý bởi Mạng lưới phát triển toàn cầu (GDN – Global Development Network). Quỹ của dự án nghiên cứ trên được tài trợ bởi Quỹ Nâng cao năng lực học thuật (ICSF – Institutional Capacity Strengthening Fund) của Ngân hàng Phát triển Liên Châu Mỹ (Inter-American Development Bank). Quỹ này như một phần sáng kiên nhằm nâng cao mối liên kết chính sách giữa Châu Mỹ Latin và Châu Á; đồng cảm ơn tới sự đóng góp của Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa.Những quan điểm thể hiện trong nghiên cứu và bài viết là những quan điểm bản thân của chính các tác giả.

(Bài đăng Tạp chí Quy hoạch Đô thị – số 14 – 2013) 

,

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *