Nhà ở công nhân: Cần thu hút các nhà đầu tư








Tính đến cuối năm 2008, cả nước có 194 khu công nghiệp(KCN) tại 54 tỉnh, thành, thu hút khoảng 1 triệu lao động trực tiếp và từ 1,2-1,5 lao động gián tiếp. Riêng TP Hà Nội hiện có 4 KCN, 18 cụm công nghiệp với khoảng trên 40.000 lao động.





Sự phát triển mạnh các KCN đã và đang đặt ra vấn đề nan giải về nhà ở cho ngưòi lao động. Thực tế  chỉ có khoảng 20% tổng số CNLĐ có chỗ ở ổn định, còn lại vẫn đang phải thuê chỗ ở tạm. Điều bức xúc đó là do chỗ ở tạm bợ, không bảo đảm điều kiện sống đã gây ảnh hưởng sức khoẻ CN, xáo trộn an ninh trật tự tại các KCN này





Công nhân khổ nhọc “an cư…”





Nằm xung quanh CNN Thăng Long là các xã Bầu Đông, Bầu Tây, Kim Chung…Đất ở các xã này hiện không còn chỗ nào trống, tất cả đều được biến thành nhà trọ cho công nhân trong KCN. Đi trong làng Kim Chung, san sát các dãy nhà trọ thấp lè tè lợp phibrô ximăng. Không một mảnh sân, không một bóng cây. Các phòng trọ rất nhỏ hẹp, rộng lắm cũng chỉ chừng 12-15 m2.






Hầu hết công nhân đang vất vả tìm chốn An Cư. Ảnh: Song Hà





Anh Nguyễn Văn Sáng, một chủ nhà trọ cho biết: “Công nhân thì lấy đâu tiền ra mà thuê phòng rộng. Lương  chỉ được triệu hai, triệu ba. Thuê nhà, ăn uống đã hết 4-5 trăm, còn dành tiền để gửi về quê chứ. Mà muốn thuê phòng cũng đâu phải rễ. Phải đặt trước năm, mười hôm mới có đấy”. Nói về những khu nhà của TP vừa mới hoàn thành cho công nhân thuê gần nhà anh, anh nói: “ăn thua gì. Đấy mới chỉ giải quyết cho một lượng nhỏ CN thôi. Ngoài hàng chục vạn CN đang làm việc, nhiều cty còn đang thông báo tiếp tục tuyển công nhân. Nhà trọ ở đây vẫn còn sốt lắm”.





Về đời sống của những công nhân tại đây, một đồng chí công an của huyện Đông Anh cho biết: Chỉ tính sơ, cũng có tới hơn chục nghìn công nhân đang thuê nhà trên địa huyện. Đa số các khu nhà đều tạm bợ, hết sức chật chội và không bảo đảm các điều kiện về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ…Chính quyền địa phương cũng như lực lượng an ninh rất vất vả trong công tác quản lý, bảo đảm an ninh trật tự. Ngoài quản lý CN trong giờ làm, đa số các chủ doanh nghiệp cũng không cần biết những công nhân mình sẽ về đâu và họ sống ra sao.





Thực tế, ở một số các địa phương trong cả nước, cũng đã có các doanh nghiệp đã hiểu được lợi ích khi chăm lo tới đời sống của công nhân, một số khu ký túc xá dành cho CN cũng đã được mọc lên…Tuy nhiên số lượng này còn quá ít ỏi. Thực tế tại các KCN, KCX của Hà Nội hầu như chưa có một “ông chủ” nào đứng lên xây dựng nhà ở cho CN của mình. Về vấn đề này, đại diện của Ban Quản lý các KCN-KCX Hà Nội đã từng cho biết: Nhà nước bỏ tiền đầu tư thì không thể đáp ứng được. Kêu gọi các DN trong các KCB-KCX đứng ra xây dựng thì cần phải có cơ chế ưu đãi. Các nhà đầu tư thì họ cũng không mặn mà vì khó thu lợi nhuận…”.





Nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư





Trước những bức xúc về chỗ ở cho CN tại các KCN cũng như vướng mắc khi triển khai các dự án này, tại Dự thảo Nghị Quyết của Chính phủ do Bộ Xây dựng soạn thảo vừa trình Chính phủ xem xét, phê duyệt về một số cơ chế chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở cho HS,SV và nhà ở xã hội cho CNLĐ tại các KCN, người có thu nhập thấp tại đô thị đã xác định các dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho CN trong KCN thuê và dự án nhà ở giá thấp được thực hiện theo phương thức xã hội hoá, nguồn vốn thực hiện do chủ đầu tư tự huy động hoặc được vay từ các nguồn tín dụng ưu đãi.






Nhà ở công nhân tại Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Song Hà





Với việc đặt ra mục tiêu đến 2015 giải quyết chỗ ở cho 50% CNLĐ tại các KCN, Bộ Xây dựng cũng đề xuất nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp khi thực hiện các dự án này. Cụ thể như khi tham gia các dự án này chủ đầu tư sẽ được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất trong phạm vi dự án( trường hợp đã có quyền sử dụng đất thì được hoàn trả); được phép điều chỉnh mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất 1,5 lần so với quy định Quy chuẩn Quy hoạch xây dựng để góp phần giảm giá thành.





Các DN đặc biệt được ưu đãi về các loại thuế: được áp dụng thuế suất VAT bằng 0% đối với các hợp đồng thuê và hợp đồng bán nhà giá thấp; được miễn thuế thu nhập DN trong 4 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế, giảm 50% thuế thu nhập DN trong 9 năm tiếp theo và được áp dụng thuế suất thuế thu nhập DN là 10% trong suốt thời gian hoạt động. Các DN tự xây dựng nhà ở cho CN thì chi phí nhà ở được tính là chi phí hợp lý( tính vào giá thành sản xuất) khi tính thuế thu nhập DN. Trường hợp DN thuê nhà ở cho CN thì được tính là chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập DN.Ngoài ra các DN còn được cung cấp miễn phí các thiết kế mẫu, thiết kế điển hình về nhà ở cũng như các tiến bộ KHKT về thi công, xây lắp…





Về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục Trưởng Cục Quản lý nhà và BĐS – Bộ Xây dựng cho rằng, các DN khi xây các khu nhà này là giá thuê phải phù hợp với thu nhập của CNLĐ, chất lượng phải tốt. DN phải nhìn thấy lợi ích, những ưu đãi, như vậy mới thu hút nguồn lực của họ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *