Nơi chỉ ta với mình

tôi gõ vào google dòng chữ “phòng tắm là”. kết quả tôi thu được tới 8.490 cụm từ đó. mở ra, thấy có rất nhiều cách “định nghĩa” khác nhau nhưng tôi thích nhất câu “phòng tắm là một trong số ít nơi chúng ta có thể tạm xa lánh thế giới xung quanh và ở một mình”. chuyên đề của kt&đs đề cập đến không gian riêng tư này

khi thiết kế, tôi hay nhấn mạnh với các chủ nhà rằng phòng tắm là một “không gian riêng tư”. rất nhiều chủ nhà đồng ý điều này và họ không tiếc công sức để ngồi nói chuyện với kiến trúc sư thật lâu về sở thích, về điều kiện cũng như không tiếc tiền đầu tư để nhằm có được một sản phẩm tốt nhất. đó là điều đáng mừng. để có được sự quan tâm đó trong ngôi nhà, chúng ta đã trải qua quá trình dài…

nơi chỉ  ta  với mình
một tấm gương lớn có thể làm cho không gian phòng vệ sinh như rộng hơn

từ một cách thức… thiên nhiên

nhu cầu vệ sinh là tất yếu của con người từ xa xưa. vệ sinh thì luôn gắn liền với việc sử dụng nước. ngược dòng thời gian, có thể thấy rằng việc này thường được thực hiện rất… thiên nhiên. với quần cư nông thôn làm nông nghiệp, nơi đó có thể là cánh đồng, cầu ao, hay ngoài vườn, thậm chí bãi sông… nguyên do ngoài yếu tố kinh tế, quan niệm còn do xuất phát từ một nền văn hoá, sản xuất nông nghiệp – gắn liền với đồng, ruộng, vườn. và với phương thức lao động chân tay là chủ yếu, thì sức khoẻ và sức đề kháng của con người khá tốt, không gặp trở ngại gì nhiều với việc vệ sinh ngoài trời, thiên nhiên như vậy cả!

dần dần, không gian vệ sinh đó được kéo lại gần nhà hơn, tất nhiên là do nhu cầu “sạch” cao hơn, và cũng để tiện dụng hơn. dẫu vậy, khu vực này vẫn độc lập tách khỏi ngôi nhà chính. với lối kiến trúc truyền thống, thì việc kéo sát không gian này vào nhà là không thể. thường thì – cùng với bếp – khu vực vệ sinh cách một khoảng sân, có thể gần giếng hay bể nước mưa; được quây hay xây cất tối đơn giản. và hai không gian xí – tắm vẫn luôn tách biệt nhau. tắm được ưu ái một chút, còn không gian cho xí thì gian nan hơn nhiều… có lẽ do quan niệm đó là một việc mất vệ sinh, chỗ đó là nơi bẩn, và cũng bởi kỹ thuật không có gì khác ngoài việc chôn lấp tự nhiên, nên khu vực xí nhiều nơi vẫn chẳng có… để cho người ta lại tiếp tục với phương thức… thiên nhiên.

nơi chỉ  ta  với mình
được nhân đôi sử dụng vách kính thay tường làm tăng hiệu quả thẩm mỹ

đến… công trình phụ

quá nhiều người, hơn cả một thế hệ, đặc biệt là ở các tỉnh phía bắc, đã quen với cảnh xếp hàng ở nhà vệ sinh công cộng mỗi buổi sáng hàng chục năm trời. điều đó gây nên cả sự ám ảnh về tâm lý, với một mong ước bình dị nhất, đơn giản nhất là có một không gian vệ sinh theo đúng nghĩa, đảm bảo vệ sinh, kín đáo và riêng tư. nhưng với quan niệm cũ, cùng nền kinh tế lạc hậu, kỹ thuật xây dựng chưa phát triển; thì điều đó như một phần tất yếu của lịch sử đô thị. nhà vệ sinh công cộng ở những khu tập thể xây cho cán bộ công nhân viên chức, ở trong nhiều khu phố, ở các ký túc xá sinh viên… có thể bây giờ không ai xây nhà vệ sinh công cộng cho nhà ở nữa, nhưng những khu vệ sinh công cộng vẫn cứ tồn tại và phải tồn tại – bởi nếu phá đi, người ta biết vệ sinh ở đâu?

những khu tập thể sau này được xây dựng đã đưa nhà vệ sinh vào trong mỗi căn hộ, được gọi với một cụm từ “khiêm tốn” – công trình phụ; và đôi khi được nhấn mạnh là công trình phụ khép kín. khép kín có nghĩa là không phải chung chạ với ai, không phải chờ đợi ai ngoài những thành viên trong gia đình. cái gọi là “công trình phụ” này dẫu còn xấu, còn chưa sạch sẽ và tiện nghi lắm, nhưng được là của riêng mình đã là hạnh phúc lắm rồi.

và nơi thư giãn tận hưởng cuộc sống

một phòng vệ sinh trong nhà phố tận dụng dưới gầm thang, nhưng vẫn hài hoà với không gian chung

bây giờ thì đã khác nhiều. sự thay đổi mạnh về kinh tế là tác động đáng kể tới thị trường xây dựng ở cả góc độ kỹ thuật và đầu tư. những ngôi nhà do người dân tự xây mọc lên càng nhiều, và chất lượng xây dựng cũng cải thiện đáng kể. bỏ đồng tiền của chính mình ra để xây nhà cho mình, nên sự chăm chút cho những không gian sống là tất yếu. nhà vệ sinh hay công trình phụ không còn là phụ nữa. nó đã được quan tâm đúng mức và đầu tư xứng đáng với vai trò và nhiệm vụ quan trọng của nó. kể cả ở những căn hộ chung cư cao tầng mới xây, chủ nhân cũng không thể không quan tâm tới khu vực này khi đặt mua và làm hoàn thiện. bên cạnh việc đáp ứng những nhu cầu vệ sinh theo đúng nghĩa, là nơi sử dụng nước – nhà vệ sinh trở thành một không gian đặc biệt – một không gian để thư giãn và hưởng thụ. mức sống tăng lên, nhu cầu hưởng thụ cũng tăng lên. nhà vệ sinh bỗng trở thành một khu vực quan trọng trong tổng thể kiến trúc ở nhiều phương diện. nếu xét mức đầu tư tính trên diện tích, có lẽ nhà vệ sinh nằm ở đầu bảng xếp hạng.

dù ở đâu đó hay rất nhiều nơi vẫn còn những “công trình phụ” tối tăm, ẩm thấp và kém vệ sinh thì quan niệm về không gian chức năng này đã khác nhiều, nếu không muốn nói là thay đổi hoàn toàn. mong muốn về một phòng về sinh tiện nghi, sạch sẽ và trong ngôi nhà của mình đẹp là một mong muốn chính đáng của bất kỳ ai. không còn là một phòng chức năng vệ sinh đơn thuần nữa, không gian này đã trở thành một yếu tố quan trọng trong kiến trúc nhà ở; mà ở đó như một chốn riêng tư người ta có thể tận hưởng, thư giãn.

phòng vệ sinh tiện nghi được kéo gần nhất tới không gian phòng ngủ. phòng vệ sinh được nhấn mạnh bằng thủ pháp kiến trúc. phòng vệ sinh được “khoe” bằng sự nới rộng không gian, xoá nhoà ranh giới. phòng vệ sinh được chăm chút và đầu tư rất nhiều tiền…

thi thoảng, trong lúc tư vấn cho khách hàng, hay trong khi nói chuyện phiếm với bạn bè về nhà cửa, hay ở công trường… tôi vẫn được nghe mọi người gọi đó là “công trình phụ”. khi hỏi lại, họ đều nói là do quen miệng thì gọi vậy chứ ai  cũng hiểu nó là… chính.

bài và ảnh: kts. nguyễn trần đức anh

còn nhiều bài vở hay, bổ ích khác trên kiến trúc & đời sống số tháng 11.2008, chính thức phát hành trên cả nước từ ngày 5.11.2008. mời bạn đón đọc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *