Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ Xây dựng đã nhận được Công văn số 5060/BKH-QLĐT ngày 09/7/2009 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 58/2008/NĐ-CP ngày 05/5/2008 của Chính phủ. Sau khi nghiên cứu Dự thảo Nghị định, Bộ Xây dựng có ý kiến góp ý như sau: 1/ Tại Khoản 10 Điều 2 quy định “cơ quan quản lý … là cơ quan không thực hiện chức năng quản lý nhà nước”, nhưng tại điểm a Khoản 1 Điều 3 lại quy định nhà thầu “không cùng thuộc cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân ra quyết định thành lập”. Đề nghị xem xét lại sự không thống nhất này theo hướng quy định tại Khoản 10 Điều 2. 2/ Việc quy định bổ sung điểm b, c, d tại Khoản 2 Điều 3 là không có căn cứ và sẽ gây khó khăn cho các đơn vị tổ chức khi dự thầu. Đề nghị hướng dẫn cho phù hợp hơn. 3/ Sử dụng các từ “chứng chỉ đấu thầu” tại điểm b, d Khoản 5 Điều 5 (trang 5) là không phù hợp. Đề nghị đổi là “chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ về đấu thầu” cho phù hợp. Đề nghị quy định cụ thể về tiêu chuẩn giảng viên về đấu thầu nhằm nâng cao tính pháp lý của các tiêu chuẩn này. 4/ Khoản 1, 2 Điều 10 (trang 8): – Đề nghị bổ sung các thuật ngữ “Báo cáo đầu tư”, “Dự án đầu tư xây dựng công trình” sau các thuật ngữ “báo cáo nghiên cứu tiền khả thi” và “báo cáo nghiên cứu khả thi” đối với các dự án đầu tư xây dựng cho phù hợp với Luật Xây dựng. – Cần xem xét lại việc đưa “giá gói thầu” phải có trong kế hoạch đấu thầu để nhằm mục đích gì? vì thực tế giá gói thầu được căn cứ trên cơ sở dự toán và khi có sự sai khác với giá gói thầu thì chủ đầu tư được phép điều chỉnh; đồng thời, việc lập giá gói thầu căn cứ trên cơ sở dự toán được duyệt là chưa chuẩn xác. Do vậy, đề nghị không bắt buộc trong kế hoạch đấu thầu phải nêu giá gói thầu. – Đề nghị bổ sung chi phí dự phòng vào giá gói thầu. Tại Khoản 2 Điều 70: đề nghị bỏ “không bao gồm dự phòng” 5/ Khoản 4 Điều 10 (trang 9): việc yêu cầu phải giải trình “chứng minh việc chỉ định thầu hiệu quả hơn so với đấu thầu rộng rãi, hạn chế trên cơ sở lượng hoá các yếu tố về kinh tế – xã hội …” sẽ gây khó khăn và không khả thi; sẽ mất nhiều thời gian tính toán xác định hiệu quả; sẽ không đạt được mục đích của việc đề xuất áp dụng hình thức chỉ định thầu. Đề nghị chỉ yêu cầu giải trình lý do áp dụng chỉ định thầu là đủ. 6/ Khoản 1 Điều 11 (trang 10): nội dung bổ sung vào cuối Khoản này rất khó hiểu. Đề nghị nên nêu nguyên tắc là “người có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch đấu thầu, chỉ định đơn vị trực thuộc thực hiện kế hoạch đấu thầu để trình người đứng đầu cơ quan của chủ đầu tư phê duyệt”. Cần giải thích cụm từ ngữ “người đứng đầu chủ đầu tư”. 7/ Khoản 1 Điều 14 (trang 12): trong hoạt động xây dựng không chỉ có các lĩnh vực xây lắp, tổng thầu xây dựng mà còn các lĩnh vực khác như lập, quản lý dự án, thiết kế, giám sát thi công… cũng có yêu cầu khi tham gia hoạt động xây dựng cần phải có đủ điều kiện năng lực. Đề nghị bổ sung cho đầy đủ theo quy định của Luật Xây dựng. 8/ Điều 33 quy định việc lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu quy mô nhỏ có giá gói thầu dưới 3 tỉ. Đề nghị nghiên cứu nâng mức giá gói thầu được áp dụng quy định trên cho phù hợp với thực tế và tình hình biến động giá như hiện nay. 9/ Khoản 1 Điều 40 (trang 40): chỉ quy định đối với gói thầu tư vấn dưới 1 tỉ đồng, gói thầu mua sắm hàng hoá và xây lắp dưới 2 tỉ đồng đối với dự án vốn của doanh nghiệp nhà nước là chưa bao quát hết các trường hợp. Đề nghị quy định đối với tất cả các dự án sử dụng vốn nhà nước. – Khoản 4 Điều 40 cần nêu rõ các trường hợp chỉ định thầu cho phần lập quy hoạch, trong đó nên quy định rõ chỉ định thầu cho các trường hợp lập quy hoạch xây dựng và quy hoạch phát triển ngành. – Khoản 10 Điều 40: có quy định “không áp dụng … dự án bị chậm tiến độ từ 1 năm trở lên … là cứng nhắc; vì thực tế các dự án bị chậm tiến độ mới cần thiết phải áp dụng chỉ định thầu để đẩy nhanh tiến độ. Đề nghị nghiên cứu thêm quy định này. 10/ Điều 44 (trang 46): cần quy định rõ trường hợp đối với gói thầu xây lắp, nếu chủ đầu tư có đủ điều kiện năng lực để tự thực hiện dự án thì được tự tham gia giám sát thi công nếu có đủ điều kiện năng lực. 11/ Điều 45 (trang 47) cần căn cứ thêm nội dung của Luật sửa đổi bổ sung các Luật. 12/ Chương VIII quy định về hợp đồng: Hiện nay Bộ Xây dựng được Chính phủ giao nghiên cứu soạn thảo Nghị định Hợp đồng trong xây dựng. Do vậy, trong chương này chỉ nên quy định những nguyên tắc chung đối với các loại hợp đồng nói chung, tránh trùng lặp, chồng chéo. Cụ thể: trong dự thảo không nên nêu hồ sơ thanh toán hợp đồng vì Luật Đấu thầu chủ yếu quy định việc lựa chọn nhà thầu. Hơn nữa nội dung hồ sơ thanh toán nêu trong dự thảo theo quy định trong nội dung Nghị định 99/2007/NĐ-CP mà đến nay đã sửa đổi theo hướng đơn giản và phù hợp với thông lệ Quốc tế. 13/ Điểm b Khoản 2 Điều 66: quy định “nhà thầu …” là không phù hợp với thực tế và Luật Xây dựng, Nghị định 99/2007/NĐ-CP của Chính phủ thì chủ đầu tư được ký hợp đồng với nhiều nhà thầu chính, thầu chính được ký hợp đồng với nhiều nhà thầu phụ…” Đề nghị không bổ sung quy định này. 14/ Đề nghị quy định về việc đăng tải thông tin về đấu thầu trên các phương tiện thông tin đại chúng khác nhằm tăng cường tính chất xã hội hoá trong đấu thầu. 15/ Nghiên cứu, bổ sung các quy định: chủ đầu tư, thầu chính hoặc tổng thầu không được đưa ra các yêu cầu không phù hợp với quy mô, tính chất gói thầu trong hồ sơ mời thầu nhằm hạn chế khả năng tham gia của nhà thầu trong nước. Đối với các trường hợp đấu thầu quốc tế thì chủ đầu tư phải giải trình và chứng minh rõ tại sao phải đấu thầu quốc tế và phải được cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành chấp thuận và người có thẩm quyền cho phép. 16/ Các vấn đề khác: – Tại Khoản 5 Điều 10 dự thảo Nghị định cần quy định rõ thời điểm “ngày lập hồ sơ mời thầu,…” – Tại điểm d Khoản 1 Điều 71 đề nghị làm rõ thuật ngữ “… giá đề nghị thực hiện gói thầu …” – Đề nghị bỏ thủ tục thương thảo hợp đồng sau khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, chỉ nên ghi là “hoàn thiện hợp đồng” để tránh các vướng mắc khi nhà thầu hoặc chủ đầu tư không có thiện chí sau khi phê duyệt. – Sử dụng từ ngữ cần đầy đủ, chính xác, thống nhất (Luật Xây dựng, Luật sửa đổi,…) ví dụ về sự khác biệt về thuật ngữ giữa Luật Xây dựng và dự thảo như: “Dự án đầu tư xây dựng công trình” và “báo cáo nghiên cứu khả thi”; “Thiết kế bản vẽ thi công” và “bản vẽ kỹ thuật thi công”; “hợp đồng thi công xây dựng công trình” và “hợp đồng xây lắp”; “công việc thi công xây dựng” và “công việc xây lắp”; vv. Trên đây là ý kiến của Bộ Xây dựng, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, hoàn thiện Dự thảo Nghị định.
|