“Đỏ mắt” đi tìm nét xưa phố cổ Hà Nội











Ngôi nhà cổ xưa ở 47 Hàng Bạc đang chực đổ, ông Thanh mong muốn được hỗ trợ chuyển đi nơi khác sinh sống từ lâu. (Ảnh: Trung Hiền – Mai Anh/Vietnam+)

KTĐT – Căn nhà số 47 Hàng Bạc được xem là ngôi nhà cổ xưa nhất đến giờ còn giữ được khá nguyên trạng với mái ngói vẩy rồng, khung bằng gỗ nhưng tường bên ngoài đã bong tróc nhiều mảng.

Chật chội, không có chỗ để xe, mặt phố là những nơi buôn bán với đủ chủng loại mặt hàng, thiếu vắng cây xanh…


Trong một số ngôi nhà cổ, hiện tượng ẩm mốc, xập xệ, chống mưa, nắng bằng những miếng bạt tạm bợ đã diễn ra hàng thập kỷ nay.


Lộn xộn từ A – Z


Phố cổ xưa là những dãy phố bày bán hoặc làm những mặt hàng đặc trưng theo tên phố thì giờ đây “tả phí lù”. Đến phố nào cũng chừng thứ hàng từ vàng bạc, quần áo, mỹ phẩm, giày dép đến dao kéo, rượu thuốc, thậm chí có nơi còn lén lút mua bán thuốc kích dục…


Trên những tuyến phố như bàn cờ, những vỉa hè “tin hin” không còn là lối đi bộ mà nhường chỗ cho những chiếc xe máy. Họ phải uốn người len qua những chiếc xe máy bởi sợ bụi bẩn từ xe bám vào. Đôi khi khách hàng và chủ quán không thuận mua vừa bán là cãi vã nổ ra, những cái miệng son đỏ cầu kỳ là thế nhưng cũng sẵn sàng phun ra lời chửi thề tục tĩu… Người, xe máy, ôtô chen chúc trong không gian phố kiệm bóng cây xanh.


Lại nữa, trên một số bức tường, người ta vô tư “triện” vào đó vô số điện thoại dịch vụ sửa chữa máy móc, gas, khoan giếng, thông toilet… Cái sự lố lăng ấy còn xuất hiện tại những ngôi nhà cổ, tạo ra một cảm giác vô cùng phản cảm với những du khách trong và ngoài nước “thực mục sở thị” phố cổ.


Laura, nữ du khách người Pháp, ngỡ ngàng nói rằng, khi đến Hà Nội, ngoài việc thăm một số nơi như cầu Long Biên, Nhà Hát lớn, Nhà Thờ lớn… thì nơi cô muốn dành thời gian tìm hiểu trong lần đầu đến Hà Nội là khu phố cổ. Nhưng, Laura đã cảm thấy thất vọng vì thực tế phố cổ khác xa so với những thông tin cô được biết qua sách và những website du lịch.


“Cát cứ” trong nhà cổ


Căn nhà số 47 Hàng Bạc được xem là ngôi nhà cổ xưa nhất đến giờ còn giữ được khá nguyên trạng với mái ngói vẩy rồng, khung bằng gỗ nhưng tường bên ngoài đã bong tróc nhiều mảng. Một cửa hàng bán đồ đá trang sức chình ình chiếm nửa mặt tiền của ngôi nhà. Phía trong, người dân đã phải dùng vải bạt chăng lên để chống mưa, nắng bởi mái ngói đã dột nát.


Cầu thang gỗ lên tầng 2 của ngôi nhà sàn đã mục ruỗng nhiều chỗ, có lẽ chỉ cần va phải cơn gió to thôi nó sẽ sập. Cũng bởi lẽ đó, người ở tầng trên đã “đóng cửa” cầu thang bằng mớ dây buộc chằng chịt ngăn người trèo. Và đương nhiên, chẳng ai đủ can đảm để trèo lên ở tại khu vực “tử thần” ấy.


Ông Đỗ Ngọc Thanh, 70 tuổi, một trong những người đang ở tại ngôi nhà cổ kể vanh vách xuất xứ của ngôi nhà. Với tổng diện tích 206m2, ông chủ đầu tiên của ngôi nhà là nhà giáo Ngô Khắc Thiện. Nhà xây trước năm 1883. Sau rất nhiều lần mua đi đổi lại, căn nhà này hiện… chưa rõ quyền sở hữu của cá nhân nào. Chỉ biết rằng, những năm 1940, bố ông Thanh lên đây ở nhờ, mở cửa hàng vàng. Và, những thế hệ sau cứ nối nhau ở đến bây giờ.


Cũng theo lời ông Thanh, ngôi nhà hai tầng xưa được thiết kế hoàn toàn bằng gỗ, kiểu ống với 3 giếng trời nên rất thoáng mát. Song, khi ông Thanh và những người anh em lớn lên, dựng vợ gả chồng, họ buộc phải “quây” mỗi người một góc tạo cho ngôi nhà trở thành “trong cái nhà to to có cái nhà… nho nhỏ”.


Đến nay, đã có năm gia đình đã “cát cứ” trong ngôi nhà với gần 30 nhân khẩu. Khu vực “cát cứ” của ông Thanh có diện tích 16m2, được xây một cách khá chắc chắn. Thế mới có cảnh, lối vào ngôi nhà 47 trông thật khổ sở với 3-4 cái bếp than xếp hàng. Một nhà vệ sinh cho gần ba chục con người. Do nền nhà thấp hơn mặt đường nên những ngày mưa to là “một nhà năm hộ” lại phải hò nhau “be bờ” tát nước.


Ông Thanh than rằng, ở thì khổ lắm rồi, muốn di dời đi lắm nhưng không có tiền, đành đợi sự hỗ trợ của Nhà nước. Có hộ, tuy đã dời đi vì lo nhà sập nhưng vẫn “tay hòm chìa khóa” cẩn thận. “Đã nhiều cán bộ đến nhiều lần bàn việc sửa chữa ngôi nhà khiến chúng tôi mừng húm, song người dân thì chỉ biết chờ đợi rồi đâu vẫn đó,” ông Thanh nói.


Tại ngõ 70 Hàng Buồm, một con ngõ chật hẹp và ẩm mốc, đại diện cho nhiều ngõ trên phố cổ, lối chỉ đi được một xe. Người đàn bà bán nước đầu ngõ đã thuê một gian 25m2 ở tầng hai từ những năm 1981 nhưng cũng chẳng biết nó được xây từ khi nào.


Nhưng rồi, không chịu được cảnh chật chội và dột nát, bà cùng các căn hộ ở tầng 2 đã… mạnh dạn “cơi nơi” lên tầng 3 từ lâu. Mặt ngoài của ngôi nhà tuy không được sửa chữa, nhưng bên trong thì… thoải mái. Người ta đã đổ trần còn bên ngoài vẫn giữ ngói vẩy rồng như cũ. Dưới nền, sàn gỗ cũ vẫn được giữ nguyên, nhưng bà đã “nhanh trí” lót nilon rồi đổ cát lên chốc trước khi lát bằng đá hoa hiện đại cho đỡ… bẩn.


Nhiều nhà ở phố cổ đã phải tự cải tạo không gian sống cho gia đình, bởi sự gia tăng của nhân khẩu, của nhu cầu sinh hoạt, của túi tiền… Và họ vẫn ngày đêm mong chờ một chính sách giãn dân hợp lý, một sự minh bạch sở hữu và một dự án trùng tu, bảo tồn phố cổ khả thi./.



Theo VietNam+

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *