Trang chủ » Biến đổi khí hậu đã thực sự hiện hữu và sẽ gây ra nhiều hậu quả khốc liệt hơn

Biến đổi khí hậu đã thực sự hiện hữu và sẽ gây ra nhiều hậu quả khốc liệt hơn

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments












KTĐT – Bộ trưởng Bộ TN&MT – Phạm Khôi Nguyên cho biết như vậy, tại Hội thảo “Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu” diễn ra từ ngày 31/7 đến 1/8 vừa qua. Biến đổi khí hậu là một thảm họa cho nhân loại nếu chúng ta không chủ động ứng phó. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu về môi trường thế giới và khu vực, Việt Nam đứng thứ 2 về chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu.


Thưa Bộ trưởng, Bộ TN&MT đã có hành động gì trước tình trạng này?



– Trước tình hình đó, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu vào tháng 12/2008. Chương trình có 8 mục tiêu quan trọng. Đó là đánh giá cho được tác động của biến đổi khí hậu tới các ngành kinh tế, khu dân cư, khu công nghiệp… Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch ứng phó, đưa ra các giải pháp, các chủ trương chính sách cụ thể. Bộ TN&MT đã nỗ lực triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia. Đến nay, một trong những nội dung quan trọng và cấp bách nhất của chương trình là xây dựng và cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu đã được hoàn thành theo tiến độ.



Theo kịch bản Bộ TN&MT xây dựng, trong vòng 100 năm tới, mực nước biển có thể dâng lên từ 0,75 đến 1,15 m. Ở mức thấp nhất, đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập khoảng 76.000 km2, chiếm gần 20% diện tích của đồng bằng. Nếu mực nước biển dâng 1 m thì diện tích ngập là vào khoảng 15.000 km2, chiếm 38 % diện tích của đồng bằng.



Các kịch bản biến đổi khí hậu sẽ là cơ sở, định hướng để các Bộ, ngành, địa phương đánh giá phạm vi, mức độ của tác động do biến đổi khí hậu, xây dựng và triển khai kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Bộ TN&MT đang khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương triển khai chương trình.



Để đối phó với biến đổi khí hậu, chúng ta phải làm gì thưa Bộ trưởng?



– Ở mỗi ngành cần thay đổi các chiến lược, quy hoạch. Đó là phải quy hoạch lại sản xuất, bố trí cơ sở hạ tầng… Tôi lấy ví dụ, với mức nước biển dâng 75 cm thì trong 100 năm tới, đồng bằng sông Cửu Long có thể ngập 20% diện tích. Chúng ta không thể bó tay mà phải ứng phó thích nghi như chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, chuyển đổi khu dân cư. Nước biển dâng lên thì các công trình hạ tầng được thiết kế theo các tiêu chuẩn hiện tại sẽ khó an toàn và cung cấp đầy đủ các dịch vụ trong tương lai, đều cần điều chỉnh lại. Các khu dân cư ven biển, cảng biển cũng phải tính phương án tôn cao. Nước biển dâng khiến triều cường gia tăng ở một số tỉnh, cũng cần tính tới phương án đắp đê hay tổ chức các hệ thống đê mềm…



Theo Bộ trưởng cần ưu tiên thực hiện nhiệm vụ nào?



– Theo tôi, trước tiên là công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng. Nói là 100 năm nước biển dâng 0,75 – 1,15m, nghe tưởng là dàinhưng thực sự hiện nước biển đang dần dâng, đang gây ảnh hưởng. Nếu ta không chủ động có giải pháp từng thời kỳ ứng phó thì rất gay go. Truyền thông còn giúp cho từ các cấp lãnh đạo đến người dân thấy hậu quả to lớn của biến đổi khí hậu và tầm quan trọng của việc sớm ứng phó… Tuyên truyền là việc cần làm sớm, song phải duy trì trong quá trình.Tiếp đó, việc xây dựng kịch bản, dự báo được mức nước biển dâng để đề ra các lộ trình và bước đi hợp lý. Mọi người, mọi ngành đều có thể thực hiện các hành động cụ thể để ứng phó với biến đổi khí hậu, như trồng rừng ngập mặn… Về lâu dài là đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.


 



Nguyên Đào (ghi)

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.