Đến nay, mới chỉ có khoảng 3% nước thải đô thị tại các đô thị trên cả nước được xử lý. 12 đô thị tỉnh lỵ Đồng bằng Sông Hồng cũng không nằm ngoài tình trạng này.
Các đô thị vùng Đồng bằng Sông Hồng đang là nơi tập trung dân cư với mật độ khá cao, lên tới trên 1.180 người/km2 (cao gấp 1,5 lần mật độ trung bình của toàn quốc), chính vì vậy, việc đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, trong đó có hạ tầng thoát nước đô thị là yêu cầu cấp thiết.
Bức tranh chung Số liệu thống kê chưa đầy đủ, toàn vùng Đồng bằng Bắc bộ hiện có 55 hệ thống thủy nông lớn và vừa. Ngoài ra còn có trên 500 cống dưới đê phục vụ cấp và thoát nước; 1.700 trạm bơm chính tưới tiêu với 7.600 tổ máy. Nhiều sông và kênh chính từ cấp I đến cấp III phục vụ chuyển nước tưới tiêu với chiều dài hơn 50 nghìn km. Có 35 hồ chứa, dung tích từ 0,5 – 230 triệu m3 cùng nhiều hồ chứa nhỏ… Đây là một hệ thống thoát nước vô cùng quan trọng cho các đô thị Đồng bằng Sông Hồng. Thế nhưng, hầu hết đó mới chỉ là hệ thống thoát nước tự nhiên, còn hệ thống thoát nước trong các đô thị vẫn còn hết sức nghèo nàn, chắp vá. Tại đa phần các đô thị hệ thống này nếu có thì cũng đã được xây dựng từ lâu, đang xuống cấp trầm trọng; hệ thống thoát nước mưa và nước thải đều dùng chung… Tóm lại, đó là những khâu yếu nhất của hệ thống thoát nước đô thị. Việc phát triển nhanh các cụm, điểm, khu công nghiệp, khu đô thị không đi đôi với quy hoạch chung về xây dựng và môi trường cũng đang khiến hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải đô thị bị quá tải trầm trọng. Đáng quan ngại là mới chỉ một số ít đô thị lớn của Đồng bằng Sông Hồng có trạm xử lý nước thải sinh hoạt (mà số lượng cũng rất ít). Chính vì thế, vấn đề ô nhiễm của hệ thống thoát nước đối với môi trường sinh hoạt của cộng đồng dân cư đang hết sức bức xúc và nổi cộm. Kéo theo đó là tình trạng ô nhiễm ao hồ, các dòng sông – Điều này cũng có nghĩa là, nếu không nhanh chóng đầu tư nâng cấp, xây dựng hệ thống thoát nước, các trạm xử lý nước thải sinh hoạt đô thị thì nguy cơ ngập lụt, ô nhiễm môi trường sẽ ngày càng trầm trọng.
Vẫn phụ thuộc Hạ tầng đô thị – trong đó có hệ thống thoát nước – là yếu tố quan trọng cho sự phát triển của mỗi đô thị. Nếu không có hệ thống này, đô thị sẽ lâm nguy trước áp lực về ô nhiễm và ngập lụt. Quan trọng như thế, nhưng trình độ cán bộ của chúng ta khá yếu, nhiều nơi tổ chức cấp nước – thoát nước vẫn nhập một. Đến nay, tất cả hệ thống thoát nước đều được giao cho các Cty môi trường đô thị quản lý. Nhưng đây cũng chỉ là một nhiệm vụ trong rất nhiều nhiệm vụ của Cty này. Ngay trong cơ cấu tổ chức của Sở quản lý cũng không có bộ phận chuyên quản. Điều đó phần nào giải thích vì sao cơ chế chính sách, văn bản pháp quy, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm, định mức kinh tế kỹ thuật, xây dựng chiến lược quy hoạch thoát nước cho yêu cầu phát triển kinh tế xã hội nói chung đã có, nhưng vẫn thiếu. Đặc biệt là chính sách tài chính, chính sách huy động các nguồn vốn trong toàn xã hội, để thúc đẩy sự phát triển ngành và hệ thống dịch vụ thoát nước còn rời rạc và phân tán. Do không chủ động được về tài chính (kinh phí hàng năm đều được UBND tỉnh thành cấp qua Sở Tài chính) nên công tác thoát nước cũng chỉ hoạt động như một nhiệm vụ bình thường mà thiếu sự đầu tư thỏa đáng. Công tác đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải hầu hết do chính quyền các đô thị chịu trách nhiệm. Vốn đầu tư xây dựng hệ thống này cũng lấy từ ngân sách Nhà nước. Vài năm gần đây Nhà nước cũng đã kêu gọi nguồn vốn đầu tư nước ngoài và của tư nhân vào lĩnh vực này, song do chưa có những chính sách thỏa đáng nên các nhà đầu tư cũng chưa mấy mặn mà. Hiện tại, các Cty môi trường đô thị hoàn toàn phụ thuộc về mặt tài chính. Các khoản thu của các Cty phần lớn chỉ là phí vệ sinh, còn rất ít Cty thu được phí nước thải. Đã vậy, nguồn thu ít ỏi này cũng phải nộp về ngân sách.
Cần độc lập Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đối với việc quản lý và phát triển hệ thống thoát nước, xử lý nước thải đô thị cần có những Cty độc lập. Chính khả năng tự chủ, tính trách nhiệm là yêu cầu tiên quyết cho sự phát triển. Với hướng đi đó, cần thành lập các Cty TNHH mà chính quyền đô thị là cổ đông duy nhất. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng chỉ ra rằng, để việc thực hiện các văn bản quy phạm ngành đạt hiệu quả cần có một cơ quan giám sát ở cấp quốc gia nhằm xem xét lại những phương án được đề xuất, tránh tình trạng xung đột lợi ích khi các UBND tỉnh vừa ban hành phí nước thải, vừa là chủ sở hữu các Cty thoát nước. UBND các đô thị chỉ thực hiện chức năng giám sát và điều chỉnh những chính sách gây phương hại đến quyền tự chủ và tự lực về tài chính của các Cty thoát nước địa phương. Xu hướng đầu tư cho lĩnh vực hạ tầng đô thị đang chuyển dần từ nguồn vốn ODA sang các nguồn vốn tài chính hỗn hợp, tiến tới dựa hoàn toàn vào nguồn tài chính trong nước. Với tư cách là đơn vị bảo lãnh vay ngân hàng cho các Cty thoát nước, UBND các tỉnh sẽ đóng vai trò trung gian giúp hỗ trợ có hiệu quả hơn về mặt chi phí và nâng cao hiệu quả của dịch vụ. |
Hệ thống thoát nước đô thị đồng bằng Sông Hồng: Manh mún vì không được tự chủ
4
Bài trước