KTĐT – Trong những ngày gần đây, báo Kinh tế & Đô thị liên tục nhận được đơn thưvà điện thoại của bà con nhân dân hai xã Tráng Việt và Văn Khê(huyện Mê Linh, Hà Nội) phản ánh khẩn thiết về thực trạng hai con đập mới hoàn thành cách đây một tháng, nhưng đã bị tan hoang sau một con nước lên tràn qua. Để tìm hiểu thực hư, phóng viên của báo đã vào cuộc. Dự án gần 10 tỷ đồng có nguy cơ bị… nước cuốn trôi
Đập Văn Khê có quyết định xây dựng từ ngày 31/10/2007. Quyết định báo cáo Kinh tế – Kỹ thuật với tổng mức đầu từ đợt 1 là 4 tỷ 991 triệu 580 ngàn đồng. Đến ngày 15/7/2008 thì có Quyết định số 6188 bổ sung kinh phí với tổng mức đầu tư lên đến 6 tỷ 363 triệu 103 ngàn đồng. Trong đó chi phí xây lắp là 4 tỷ 881 triệu 446 ngàn đồng, chi phí khác là 663 triệu 193 ngàn đồng và chi phí dự phòng là 578 triệu 464 ngàn đồng. Hợp đồng xây lắp số 11/2008/HĐKT được ký ngày 18/12/2008, với thời gian thi công tuyến ngầm giai đoạn 1 là 150 ngày và giai đoạn 2 là các hạng mục còn lại với quỹ thời gian 120 ngày.
Với con đập của xã Tráng Việt, theo quyết định báo cáo kỹ thuật thì tổng mức đầu tư là4 tỷ 806 triệu 149 ngàn đồng, sau đó cũng có quyết bổ sung mức đầu tư lên đến 5 tỷ 638 triệu 888 ngàn đồng với thời gian thi công là 270 ngày. Chủ đầu tư hai công trình này là UNND hai xã Văn Khê và Tráng Việt. Đơn vị được tiến hành khảo sát, thi công là Công ty TNHH Hòa Thành, do ông Nguyễn Văn Bảo làm giám đốc.
Với quyết định đầu tư hai con đập trên là chủ trương hoàn toàn đúng để đem lại lợi ích cho những người dân thuộc hai xã Văn Khê và Tráng Việt. Điều này có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với đời sống của nhân dân trong khu vực, vì mục tiêu cao cả của nó là để phục vụ nhu cầu dân sinh qua lại, vừa làm thủy lợi, lấy nước cung cấp cho bãi mầu. Thậm chí với hai con đập kể trên, người dân còn có thể chạy xe máy qua đập như đi trên đường nhựa. Bãi màu cũng sẽ cho năng suất canh tác cao hơn, khi nguồn nước được cấp ổn định.
Chuyện đau lòng và trở thành nỗi bức xúc từ phía người dân khi hai con đập kể trên mới chỉ sau một lần nước lên đã bị tan hoang (ảnh bên). Và như vậy, dự án tiền tỷ đã bị phá nát.
Cóhay không việc rút ruột công trình?
Đây là câu hỏi chúng tôi đặt ra với các cơ quan chức năng vì nhân dân và cả cộng đồng xã hội đang mong tìm được câu trả lời. Do vậy, rút ruột hay không rút ruột, chúng ta sẽ phải đợi cơ quan điều tra vào cuộc kết luận. Tuy nhiên, ở đây một thực tế đã được phơi bày là chất lượng công trình đã không đảm bảo khi chỉ cần dùng bàn tay con người cũng có thể làm cho mảng bê tông trên con đập rơi lả tả. Phần ta – luy bên trái hai con đập thuộc xã Tráng Việt và Văn Khê (huyện Mê Linh, Hà Nội) xuất hiện sụt lún, vỡ toang từng mảng nghiêm trọng.
Nhómđiều tra chúng tôi có mặt và tận mắt nhìn thấy, thân con đập đã bị vỡ ra, từng mảng bê tông bong gãy nằm lăn lóc như một đại công trường đang xây dựng. Dưới thân đập, sau khi nước rút, những hàm ếch khổng lồ đã xuất hiện như một cái bẫy, bất kỳ người dân nào đi qua cũng có nguy cơ đổ sập gây nguy hiểm khôn lường.
Với thực tế đã xảy ra với hai con đập kể trên, nhiều người cho rằng, đã xuất hiện dấu hiệu đơn vịthi công rút ruột công trình.
Về vấn đề này, Công an huyện Mê Linh đã vào cuộc và đã có báo cáo lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội. Báo cáo nêu rõ: Ngày 6/7/2009, tại xã Văn Khê, huyện Mê Linh, công trình đập tràn do UBND xã Văn Khê làm chủ đầu tư có giá trị xây lắp là 3,7 tỷ đồng mới được Công ty TNHH Hòa Thành xây dựng xong, đã được nghiệm thu ngày 1/6/2009. Sau trận mưa lũ đầu mùa, mức nước cao 50 cm đã bị vỡ, sụt toàn bộ (khoảng 40 m). Cùng ngày công trình đập tràn Đông Cao xã Tráng Việt, huyện Mê Linh cũng do Công ty TNHH Hòa Thành thi công, rơi vào tình trạng tương tự, giá trị công trình khoảng 3,5 tỷ đồng (theo dự toán).
Với thực trạng trên, Công an huyện Mê Linh đã báo cáo và đề xuất lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội tổ chức điều tra ngay việc sụt lở hai công trình đập tràn trên để làm rõ hành vi sai phạm của Công ty TNHH Hòa Thành và những người có liên quan.
Vũ Dũng