Nguyên nhân của cuộc chất vấn nóng bỏng này bắt nguồn từ nỗi bức xúc của hàng trăm hộ dân vì ngoài khoản tiền mua nhà, họ còn phải nộp tiền sử dụng đất cao ngất ngưởng (có hộ bị tính tiền sử dụng đất lên đến 1,6 tỷ đồng), nếu không chủ quyền nhà sẽ bị “treo”. Vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất ngày 10/10 là tiền sử dụng đất phải do doanh nghiệp đóng chứ không phải khách hàng phải chịu như trong hợp đồng đã ký.
Đại diện cư dân phú Mỹ Hưng, chị Nguyễn Hồng Hải, ngụ hộ AH49 Mỹ Đức phát biểu: “Tôi đã nghiên cứu 6 tập hồ sơ bán nhà trong các dự án tại phú Mỹ Hưng và nhận thấy không có hồ sơ nào giống nhau. Điểm chung duy nhất là ngay từ trang đầu, doanh nghiệp đã khẳng định mình có quyền sử dụng đất”.
Theo chị Hải, rất nhiều người mua nhà mù mờ về điều này mà không hiểu rõ phú Mỹ Hưng chỉ thuê đất trong vòng 50 năm chứ chưa được giao đất.
Chị Hoàng Hải, đại diện cho cư dân phú Mỹ Hưng đặt ra hàng loạt cơ sở pháp lý phản biện điều khoản khách hàng phải tự đóng tiền sử dụng đất trong hợp đồng mua bán nhà. Ảnh: Vũ Lê. |
Dẫn Luật Kinh doanh bất động sản, yêu cầu trước khi doanh nghiệp bán nhà phải hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, chị Hải lý luận rằng, dù phú Mỹ Hưng là công ty vốn nước ngoài cũng không thể làm trái quy định trên. Vì vậy, chị cho rằng tiền sử dụng đất hiện nay ngành thuế truy thu từ các hộ dân thực chất phải gõ cửa doanh nghiệp để đòi mới đúng.
Người này tiếp tục trích dẫn điều 11, Luật Kinh doanh bất động sản quy định doanh nghiệp bán nhà phải công khai mọi pháp lý, giấy tờ, các hạn chế về quyền sở hữu và quyền sử dụng bất động sản cho khách hàng. “phú Mỹ Hưng đã không công khai với dân các hạn chế của dự án ngay từ đầu là chưa ổn”, chị Hải nói.
Từ cú sốc bị yêu cầu nộp tiền sử dụng đất cao chót vót, nhiều cư dân phú Mỹ Hưng tỏ ra hoài nghi về tính pháp lý của hợp đồng mua bán. Ai nấy đều cho rằng tiền sử dụng đất là trách nhiệm của doanh nghiệp và phú Mỹ Hưng nên làm việc với cơ quan quản lý nhà nước để tháo gỡ hơn là đổ hết về phía khách hàng. Không ít người đã bày tỏ nỗi bức xúc với lãnh đạo Công ty phú Mỹ Hưng và yêu cầu được giải đáp ngay tại chỗ.
Đơn cử như chủ căn hộ 4B, 238, Mỹ Viên kể khổ: “Nhà tôi nằm cuối đường Nguyễn Lương Bằng, căn hộ 95 m2, phải đóng hơn 500 triệu đồng tiền sử dụng đất. Nếu không tuân theo, mỗi sáng mở mắt ra tôi sẽ bị phạt 250.000 đồng, một tháng thiếu nợ ngành thuế 7,5 triệu đồng. Giờ tôi phải kêu ai?”.
Lãnh đạo Công ty phú Mỹ Hưng khẳng định với khách hàng mọi bức xúc, kiến nghị đều được ghi nhận đầy đủ. Doanh nghiệp sẽ trả lời sớm, đặc biệt những khúc mắc về tiền sử dụng đất trong tuần sau thành phố sẽ có kết quả lấy ý kiến các sở ngành liên quan.
Theo tìm hiểu của VnExpress.net tại phòng kinh doanh nhà phú Mỹ Hưng, những khách hàng quan tâm dự án, có ý định mua bất động sản, sẽ được tư vấn và tham khảo bảng thông tin sản phẩm nhà đất gồm 8 mục. Ở mục 7 có các chi phí khách hàng phải trả để tiến hành thủ tục làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà. Đó là tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ, lập bản đồ địa chính và dịch vụ, lệ phí hành chính, phí đo vẽ căn nhà, phí công chứng.
Tuy nhiên, trừ các khoản phí khác đều ghi rõ giá tiền, ô tiền sử dụng đất chỉ ghi chú vắn tắt: theo mức thu do cơ quan chức năng quy định tại từng thời điểm. Theo phòng kinh doanh nhà Công ty phú Mỹ Hưng, bản thân doanh nghiệp cũng không lường trước được khung giá đất tại lúc chính thức tiến hành thu khoản tiền trên sẽ là bao nhiêu. Hơn nữa, cơ quan thuế mới là đơn vị tiến hành tính và thu tiền sử dụng đất theo quy định của Nhà nước. Như vậy, chi phí tiền sử dụng đất đã không có thông tin cụ thể cho khách hàng tại thời điểm chào bán sản phẩm.
phó tổng giám đốc Công ty phú Mỹ Hưng Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn của khách hàng. Ảnh: Vũ Lê. |
trao đổi với báo chí sau buổi chất vấn với cư dân, phó tổng giám đốc Công ty liên doanh phú Mỹ Hưng Bùi Thanh Sơn cho biết: “Khúc mắc lớn nhất là khách hàng cho rằng pháp lý của hợp đồng bán nhà chưa ổn. Cư dân dẫn nhiều quy định về việc chủ đầu tư phải có nghĩa vụ đóng tiền sử dụng đất. Chúng tôi sẽ rà soát lại các điều khoản trên“.
Song ông Sơn phân bua, nếu cư dân đã sống trong khu đô thị này mười mấy năm lại đặt vấn đề “hôn thú” giữa chủ đầu tư và khách hàng không có cơ sở pháp lý thì rất khó hợp tác. Từ trước đến nay phú Mỹ Hưng đều làm theo luật và không thể làm khác đi.
Ông giải thích, người dân chỉ trích dẫn một phần của hợp đồng, hoặc 1 đoạn câu chữ trong đó mà không chịu hiểu toàn bộ tiến trình sự việc. phú Mỹ Hưng đã đi theo hướng kinh doanh khác hoàn toàn với những công ty trong nước. Đó là đã biến một vùng đầm lầy thành một khu đô thị kiểu mẫu. trong khi những doanh nghiệp trong nước chỉ đầu tư trên cơ sở hạ tầng có sẵn thì phú Mỹ Hưng phải tự cải tạo đầm lầy, làm đường, xây cầu và liên tục nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng toàn khu. Quá trình này có nỗ lực của doanh nghiệp, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và sự đóng góp của cư dân. “Giá đất quận 7 tăng lên trong 2 năm gần đây xuất phát từ hạ tầng nơi này đang dần hoàn thiện. Tuy nhiên, nhà nước liên tục nâng giá đất quận 7 thì khách hàng khổ mà phú Mỹ Hưng cũng chết trước tiên”, ông than.
Thống kê sơ bộ, hiện phú Mỹ Hưng đã có khoảng 4.000-5.000 trường hợp đã được cấp chủ quyền, tất cả các hộ này đã đóng xong tiền sử dụng đất. Số còn lại khoảng 5.000 hồ sơ đang chuẩn bị hoặc chờ cấp chủ quyền. “Nếu thành phố không giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp thì chúng tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi bán sản phẩm trong thời gian tới”, ông Sơn lo lắng.
Một số vấn đề được Công ty phú Mỹ Hưng đặt ra khi làm việc với UBND Tp HCM: đề xuất thành phố tiến hành bình ổn giá đất; kiến nghị trước mắt không tăng giá đất khu vực đô thị phú Mỹ Hưng (quận 7) trong năm 2010; có chính sách giải quyết nhanh những bức xúc của người dân về tiền sử dụng đất quá cao trong năm 2009. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn kiến nghị thành phố xem xét lại thủ tục cấp chủ quyền nhà. Đó là cho phép khách hàng ký hợp đồng mua nhà sẽ được nộp tiền sử dụng đất tại thời điểm mua chứ không chờ công trình hoàn thành (2-3 năm sau) mới tính vì họ sẽ bị áp khung giá đất cao hơn rất nhiều lần. |
Vũ Lê