Đây là nội dung chính của “Chương trình quy hoạch xây dựng (QHXD) nông thôn trên phạm vi cả nước giai đoạn 2010 – 2015” mà Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu của chương trình là đến năm 2015 cơ bản phủ kín QHXD nông thôn trên địa bàn cả nước làm cơ sở để đầu tư xây dựng nông thôn mới, làm cơ sở để thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 nhằm phát triển nông thôn “có kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ đô thị theo QH; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ”. Đến năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới của Bộ tiêu chí quốc gia ban hành kèm Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
Lộ trình lập QHXD nông thôn
trong tờ trình, Bộ Xây dựng đề ra lộ trình cụ thể. Giai đoạn 1 (2010 – 2011), 45% tổng số xã trên cả nước được lập QHXD nông thôn. trong đó, cần phải rà soát lại QHXD của khoảng 23,4% số lượng xã đã có QHXD, tiến hành việc điều chỉnh QHXD đối với những QH không đáp ứng được nhu cầu phát triển nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới và tiến hành lập QHXD cho khoảng 21,6% cho các xã chưa có QH.
Cùng với công tác lập QHXD, trong giai đoạn này, việc đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về QHXD cũng cần phải tiến hành đồng thời. Công tác này nhằm tăng cường năng lực giám sát, quản lý xây dựng theo QH nhằm nâng cao hiệu quả của công tác QHXD. Đến hết 2010, đạt 70% tổng số cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về QHXD cấp huyện, xã đã được đào tạo, tập huấn về lập, giám sát và quản lý QHXD nông thôn.
Giai đoạn 2 (năm 2012 – 2013), 85% tổng số xã trên cả nước được lập QHXD nông thôn. Cụ thể là tiến hành lập QHXD cho khoảng 40% cho các xã chưa có QH. Đồng thời đào tạo, tập huấn về lập, giám sát và quản lý QHXD nông thôn cho 100% tổng số cán bộ làm công tác quản lý QHXD cấp huyện, xã.
Giai đoạn 3 (năm 2014 – 2015), hoàn thành cơ bản công tác lập QHXD nông thôn cho các xã thuộc khu vực nông thôn trên phạm vi cả nước.
Những đối tượng nào được ưu tiên
Theo tờ trình, có 3 nhóm đối tượng. Nhóm 1 là các xã được ưu tiên triển khai lập QHXD trong giai đoạn 2010 – 2011, bao gồm các xã thuộc 61 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-Cp ngày 27/12/2008 của Chính phủ; các xã thuộc các chương trình xoá đói giảm nghèo đang được Nhà nước hỗ trợ đầu tư; các xã bị ảnh hưởng trong quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá trong bán kính ảnh hưởng của một trong những khu vực mang tính động lực phát triển đã hình thành và hoạt động như các xã trong cận đô thị (thành phố, thị xã, thị trấn), các xã khu kinh tế, KCN tập trung, cụm công nghiệp của tỉnh, xã có các quốc lộ chính đi qua; Các xã thuộc các khu vực hải đảo và dọc biên giới nhằm đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Nhóm 2 là các xã được triển khai lập QHXD trong giai đoạn 2012 – 2013, gồm các xã có tiềm năng và động lực gắn kết với một trong những khu vực mang tính động lực phát triển đã hình thành và hoạt động như: Khu kinh tế, KCN tập trung, cụm công nghiệp của tỉnh, có các quốc lộ, tỉnh lộ đi qua. Các xã có tiềm năng về sản xuất nông nghiệp: trung tâm chế biến nông sản; vùng sản xuất cây trồng, vật nuôi đặc sản; các làng nghề truyền thống, có tiềm năng khai thác du lịch. Và các xã trong khu vực dự kiến hình thành các trung tâm mang tính động lực phát triển trong tương lai.
Nhóm 3 là các xã được triển khai lập QHXD trong giai đoạn 2014 – 2015, bao gồm các xã còn lại chưa được lập QHXD. Tuy nhiên, khi lập QHXD nông thôn cho nhóm đối tượng này cần ưu tiên các xã có kết cấu hạ tầng nông thôn quá kém nhằm mục tiêu ổn định dân cư, nâng cao đời sống.
Hơn 1.400 tỷ đồng cho chương trình
Dựa trên lộ trình và kế hoạch đề ra, Bộ Xây dựng đề xuất chi phí triển khai Chương trình QHXD nông thôn trên phạm vi cả nước giai đoạn 2010 – 2015 là 1.412,286 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách trung ương tập trung theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. trong đó, chi phí triển khai lập QHXD nông thôn trên cả nước là 1.390,536 tỷ đồng và chi phí thực hiện công tác đào tạo nâng cao năng lực 11,250 tỷ đồng, chi phí điều tra khảo sát, nghiên cứu khoa học nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, tiêu chuẩn quy chuẩn liên quan đến QH 4 tỷ đồng…
Với nhận định đây là chương trình tổng thể cần sự tham gia của các bộ, ngành trung ương và các địa phương trong cả nước nên cần phải có sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai, Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng chủ trì thực hiện chương trình, quản lý và phân bổ nguồn vốn cho “Chương trình QHXD nông thôn trên phạm vi cả nước từ 2010 – 2015” để thống nhất trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện, đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng được các mục tiêu đã đề ra.
|
Năm 2015, phủ kín quy hoạch xây dựng nông thôn trong cả nước
5