Vỉa hè

Vỉa hè là dành cho người đi bộ. Vỉa hè rộng hẹp không giống nhau. Ở những KĐTM, vỉa hè thường được xây dựng theo đúng quy chuẩn của Nhà nước. Còn ở các khu phố cổ, phố cũ hay đường phố cải tạo, thì bề rộng vỉa hè được giữ nguyên hay to ra, nhỏ đi lại phụ thuộc vào tình hình thực tại. Nhưng thường là nhỏ đi để lòng đường rộng thêm, đáp ứng phần nào nhu cầu giao thông vốn ngày càng bức xúc trong đô thị. Với người dân, nhất là những người may mắn ở nhà mặt phố, thì vỉa hè là không gian tối cần thiết, nó không chỉ gắn bó mà còn đem lại lợi ích cho họ suốt cả cuộc đời. Nhà trong phố cổ, phố cũ hầu hết có chung nhiều hộ. Có nhà 7 – 8 người, quây quần hai, ba thế hệ ông bà, con cháu trong một diện tích không đầy hai chục mét vuông, mà cái quầy hàng đã chiếm hơn nửa, thì đoạn vỉa hè trước cửa nhà kia thực sự là cái mỏ vàng. Đấy là nơi bày hàng, để xe máy của gia đình, của khách. Là nơi sáng sáng, hay chiều chiều… để ông bà kê cái ghế tựa khoan khoái ngồi thảnh thơi chơi với đứa cháu nội và ngắm người đi bộ đang phải khó chịu vòng xuống lòng đường, bằng cái nhìn khinh khỉnh vốn thường thấy của người hàng phố. Đấy cũng là nơi nhất cử lưỡng tiện khi nhà “có việc”. Gia chủ cứ thoải mái (sau khi đã báo qua với phường, thậm trí chỉ cần cái gật đầu của anh cảnh sát khu vực hay ông tổ trưởng dân phố!) mà dựng nhà bạt, chăng đèn kết hoa, kê bàn ghế khỏi phải đi thuê hội trường, khách sạn, vừa thuận tiện lại không tốn tiền!

Những năm gần đây, kinh tế phát triển, chính quyền đô thị hết sức quan tâm và đầu tư cho việc cải tạo chỉnh trang phố xá. Hàng trăm tỷ đồng cho việc lát gạch, bó vỉa hè, trồng cây mới thay thế cây cũ đã già cỗi, hay bị bọn “cây tặc” vác cưa máy lợi dụng đêm khuya chặt trộm mất. Tp đẹp lên, khang trang lên sau mỗi lần cải tạo, chỉnh trang vỉa hè. Thế nhưng, cái đẹp, cái khang trang này chẳng bền lâu. Chỉ được ít hôm đã thấy mấy ông áo vàng hăm hở mang cuốc xẻng đến đào bới để đặt cáp ngầm. Rồi lại đến mấy ông áo xanh của môi trường đô thị đến đào vỉa hè để thay đường ống cấp nước… Vậy là cái vỉa hè đẹp đẽ kia cứ như phận nàng Kiều của cụ Nguyễn Du, suốt ngày tơi tả bởi kiểu làm ăn tắc trách và không ai chịu trách nhiệm này?!

Chỉ khổ cho người đi bộ luôn phải đi xuống lòng đường để nơm nớp “sống trong sợ hãi!”. Còn người nhà phố thì than thở vì suốt ngày hứng bụi thi công và kinh doanh kém lãi, khi trước cửa nhà lúc nào cũng là… công trường!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *