Thân hình thì cao kều, tâm can thì khô quắt, đêm ngày giãi nắng giầm sương, quanh năm suốt tháng gánh trên vai hàng tấn dây dợ đủ các loại… Tưởng rằng cái số phận khốn khổ như thế thì lặng lẽ mà tồn tại, vậy mà con người cũng không để cho yên. Cuộc chiến căng thẳng giữa hai tập đoàn kinh tế khổng lồ là Điện lực và Viễn thông xung quanh chuyện sở hữu và sử dụng cái cột điện diễn ra hơn một năm nay chưa có hồi kết. Cái thân hình quắt queo khốn khổ kia đã phải theo các tập văn bản của hai bên lên đến nhiều Bộ liên quan để phán xử. Đúng là “cây” muốn lặng mà “gió” chẳng đừng. Ngày xưa, khi còn thời bao cấp, cái gì cũng của Nhà nước nên cái cột điện đương nhiên là của công, cơ quan Nhà nước nào cũng có thể treo, mắc lên đó đủ thứ trên đời mà chẳng coi ông chủ của nó vào đâu. Nào là dây điện, rồi dây điện thoại, rồi cáp truyền hình, rồi internet… Hồi đó, việc hạch toán kinh tế cũng đại khái, cha chung không ai khóc nên ông chủ của những cây cột điện khốn khổ cũng chẳng mấy lưu tâm đến những đứa con của mình. Cho đến khi trên đầu mỗi cái cột điện đều như một mớ tóc rối đen sì, bí hiểm. Cho đến khi dư luận xã hội lên tiếng ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Cho đến khi các cơ quan quản lý đô thị yêu cầu phải chấn chỉnh việc quản lý các đường dây mắc trên hệ thống cột điện. Cho đến khi việc hạch toán kinh tế của các DN liên quan trực tiếp đến miếng cơm manh áo của chính mình… Thế là tranh chấp nổ ra. Dựa vào ưu thế độc quyền của chủ sở hữu, ông Điện lực tăng đánh vèo giá thuê cột treo cáp thông tin lên từ 4 – 8 lần làm cho ông Viễn thông chóng cả mặt. Ông Viễn thông cũng dựa vào thế độc quyền về hệ thống truyền tải thông tin độc nhất vô nhị cho quốc kế dân sinh nên không chấp nhận cái giá “trên trời” ấy. Một bên thì dọa rằng nếu không chấp nhận mức giá mới thì sẽ tháo dỡ các loại dây dợ “phi điện lực” cho xuống chân cột. Một bên thì mặc kệ vì ai dám cả gan hủy hoại mạng lưới thông tin quốc gia… Có người nhận xét: Giữa một con hổ và một con sư tử, chưa biết con nào chịu con nào. Nói ra chuyện này để thấy rằng trong lĩnh vực kinh tế, có những vùng khó lòng mạch lạc được giữa các DN, đặc biệt là những vùng liên quan đến an ninh chiến lược của quốc gia mà cuộc tranh chấp trên đây là một ví dụ dễ thấy và dễ hiểu nhất. Chắc là Bộ Công Thương và một số bộ liên quan sẽ phải vào cuộc để định ra được mức giá thuê hợp lý và có tính áp đặt của quyền lực Nhà nước vì lợi ích vĩ mô toàn cục. Riêng những cây cột điện khốn khổ kia cũng được an ủi phần nào vì chúng quan trọng đến mức cả hai “đại gia” phải quan tâm, giằng xé. Thế mới biết trong họa có phúc là vậy. |