Trang chủ » Những kho bãi lãng phí khó đòi

Những kho bãi lãng phí khó đòi

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments

Thống kê của phòng Tài nguyên môi trường quận 8, hiện nay 3 kho bãi trên địa bàn chưa thu hồi được gồm: kho số 15 Lương Ngọc Quyến, phường 13, rộng 1.250 m2; địa chỉ số 481 Ba Đình, phường 9, với diện tích hơn 12.000 m2 và kho số 338 Dương Bá trạc, phường 1, có khuôn viên 4.600 m2. Những kho bãi này khiến cho số đất đai bị lãng phí tại quận 8 lên đến 17.850 m2.

Ngày 26/4, đại diện phòng Tài nguyên Môi trường quận 8 và đại biểu HĐND Tp HCM Đặng Văn Khoa đã tiến hành khảo sát việc bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và thu hồi lại 3 kho, bãi trên theo quyết định của UBND thành phố. Kết quả chuyến thực địa này cho thấy dù đang bị sử dụng lãng phí và có quyết định thu hồi 2-5 năm nhưng quá trình khó có kết quả nhanh như mong đợi.

Kho 481 Ba Đình, phường 9, quận 8, Tp HCM thu hồi mãi không xong nhưng đơn vị đang tiếp quản vẫn kinh doanh bằng cách cho nhiều cơ sở sản xuất thuê mặt bằng này. Ảnh: V.L.

Đối với kho số 15 Lương Ngọc Quyến, UBND thành phố đã ban hành quyết định điều chuyển cho UBND quận 8 để xây dựng trường mầm non vào ngày 9/4. Sau chỉ đạo này, Công ty kho bãi Tp HCM đã nhiều lần yêu cầu Công ty cổ phần hóa chất và vật tư khoa học kỹ thuật trả mặt bằng nhưng đơn vị này không thực hiện. Hậu quả là, dự án trường mầm non ở kho 15 Lương Ngọc Quyến trị giá 20 tỷ đồng vẫn phải nằm trên giấy chờ giải phóng kho bãi.
Tương tự, kho 481 Ba Đình được UBND Tp HCM chỉ đạo thu hồi và bàn giao lại cho UBND quận 8 xây dựng trường học hồi tháng 6/2007. Quận 8 đã nhiều lần yêu cầu trả lại kho này nhưng Công ty Cổ phần hoá chất vật liệu điện vẫn phớt lờ. Thậm chí đơn vị này còn tỏ thái độ bất hợp tác với các địa phương, cản trở đơn vị tư vấn khoan khảo sát địa chất nên chưa thể trình duyệt dự án đầu tư. Theo phản ảnh của đại diện phòng Tài nguyên môi trường quận 8, một phần kho bãi này hiện cho nhiều công ty thuê lại. Dự án trường trung học cơ sở Hưng phú tại kho bãi 481 Ba Đình trị giá 55 tỷ đồng cũng vì việc này mà giẫm chân tại chỗ.

trong khi đó, 26 hộ dân đang cư ngụ trên khuôn viên kho bãi này lại sống trong cảnh thấp thỏm lo âu, canh cánh bên lòng chuyện chỗ ở vì chưa biết sẽ về đâu. Theo kế hoạch, chính quyền địa phương sẽ cưỡng chế để lấy phần diện tích 2.036 m2 đất mà các hộ đang sử dụng.

Ông Dương Văn Thuở ngụ tại đây từ năm 1976 kể lại, vùng này xưa kia toàn cỏ lau, sau đó được cải tạo xây dựng và Liên hiệp cung ứng vật tư khu vực 2, trực thuộc Bộ Vật tư phân bổ từ những năm đầu giải phóng. Nhiều gia đình đã sống tại đây 3 thế hệ. Sau đó các hộ được ký hợp đồng xanh và trả tiền thuê nhà cho Công ty Dịch vụ công ích quận 8. Thế nhưng 6 năm nay đơn vị này không hiểu vì lý do gì ngưng việc thu tiền thuê. “Ở đây ai cũng hoang mang vì chưa biết sẽ được giải quyết chỗ ở ra sao nếu bị thu hồi”, ông Thuở tâm sự.

Khuôn viên kho 338 Dương Bá trạc, phường 1, quận 8, Tp HCM do Công ty cổ phần hóa chất và vật tư khoa học kỹ thuật thuê nhưng không chịu trả lại. Ảnh: V.L.

Còn trường hợp của kho 338 Dương Bá trạc đã có quyết định giao trung tâm khai thác quỹ đất Tp HCM thu hồi và bàn giao cho quận 8 để lập dự án đầu tư xây dựng trường học ngày 28/5/2007. Tuy nhiên, Công ty Cổ phần điện máy thành phố phản đối quyết định thu hồi này. Dự án mở rộng trường tiểu học Nguyễn trực tại kho 338 Dương Bá trạc trị giá 25 tỷ đồng vì thế đành nằm im nhiều năm qua. Ngày 26/4, đại diện phòng Tài nguyên môi trường và ông hội đồng Đặng Văn Khoa yêu cầu được khảo sát kho bãi thì bảo vệ cấm cửa và thông báo: “Muốn gì phải liên hệ lãnh đạo công ty”.

Quyết định thu hồi kho bãi của UBND Tp HCM rơi vào hoàn cảnh “trên bảo dưới không nghe”, sự việc đang dừng lại ở khâu Công ty Kho bãi thành phố khởi kiện các đơn vị chây ỳ lên Tòa án nhân dân quận 8. trước đó, tháng 9/2008, Sở Xây dựng đã có công văn gửi UBND Tp HCM đề nghị chấp thuận việc cưỡng chế thu hồi kho bãi nhưng chưa có chỉ đạo chính thức nào về việc này.

Sau chuyến khảo sát ngày 26/4, đại biểu Đặng Văn Khoa cho biết, thu hồi các kho bãi, mặt bằng sử dụng lãng phí để xây dựng công trình phúc lợi công cộng là chủ trương đúng. Tuy nhiên, chính quyền địa phương không thể vô trách nhiệm bỏ qua quyền lợi của người dân đang sống trong các kho bãi này.

Theo ông Khoa, những đơn vị không giao trả đất xuất phát từ những lợi ích chằng chịt xung quanh việc sử dụng, kinh doanh kho bãi này. Nhiều đơn vị sẵn sàng đặt quyền lợi cục bộ lên trên nhu cầu bức thiết của xã hội, đây là hành vi cần đáng lên án. “Tôi sẽ kiến nghị UBND Tp HCM sớm có những chỉ đạo để giải quyết rốt ráo các trường hợp này”, ông nói.

Vũ Lê

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.