Vào tối 21-1, mặc dù trời mưa tầm tã nhưng cả ba gian hàng trong tổng số 13 gian hàng khô ở chợ tạm Hàng Da (phố phùng Hưng, Q.Hoàn Kiếm) đã bị lửa thiêu rụi chỉ trong gần 30 phút. Theo những hộ dân ở gần, đám cháy xảy ra lúc chợ vắng người, hầu hết các gian hàng đều khóa cửa. Lửa bắt đầu từ một kiôt nhưng vì không thể mở khóa để dập ngay nên lửa đã lan sang các kiôt khác.
Tại chợ Đồng Xuân, theo ông trần Ngọc Thịnh – trưởng phòng bảo vệ, đội trưởng đội chữa cháy của chợ, hiện đang có tới 2.300 hộ buôn bán trên ba tầng chợ, việc sử dụng an toàn nguồn điện và các thiết bị điện ở từng kiôt là điều rất quan trọng. Nhưng từ đầu năm 2009 đến nay, ban quản lý chợ đã phải xử phạt hơn 70 vụ sử dụng nguồn điện sai quy định và quên ngắt nguồn điện trước khi ra về.
Theo ông trần Ngọc Thịnh, chợ Đồng Xuân có 114 họng nước cứu hỏa, 600m3 nước dự trữ, 340 bình cứu hỏa các loại nhưng nhiều hộ kinh doanh trong chợ không biết sử dụng các thiết bị chữa cháy. |
trong khi đó, hàng buôn bán trong chợ Đồng Xuân chủ yếu là vải, len sợi, thực phẩm khô. Cuối năm, hàng hóa về chợ tăng đột biến, người mua kẻ bán từ khắp nơi đổ về nườm nượp từ sáng sớm tới khuya.
Nhiều hộ kinh doanh không kịp xếp hàng vào kho và cũng không còn kho để chứa nên để ngổn ngang dọc các lối đi hoặc chất thành đống cao ngất ngưởng, che khuất luôn cả bình chữa cháy, các họng nước cứu hỏa tự động và cả một số cửa thoát hiểm.
Nhiều bảng điện treo tạm bợ trên tường ngăn giữa các kiôt bị vải, len phủ lên. Lối đi giữa các kiôt và các khu chợ theo thiết kế rộng gần 2m, nhưng giờ chỉ còn vừa một người đi qua vì bị không ít hộ kinh doanh lấn chiếm để bày sạp hàng. Theo nhân viên bảo vệ chợ, với tình trạng đó nếu xảy ra chập cháy khó phát hiện và cứu chữa kịp thời.
phía ngoài chợ, trên các phố Đồng Xuân, Cầu Đông, Hàng Khoai, Nguyễn Thiện Thuật luôn trong tình trạng chen chúc, ùn tắc, các bãi đậu xe quanh chợ xếp chặt không còn lối ra vào. Ông Nguyễn Văn Bình (ở Hàng Khoai) cho biết: “Có hôm xe cứu thương muốn vào cũng đành chịu, phải đỗ tận ngoài Hàng Đường. Như thế này mà xảy ra cháy thì làm sao xe cứu hỏa vào nổi”.
Tương tự, tại chợ Mơ mới, tình trạng người bán hàng lấn chiếm lối ra vào chợ khá phổ biến. Việc sử dụng nguồn điện và bảo vệ các phương tiện chữa cháy cũng không được chú ý. Hàng hóa trong chợ Mơ chủ yếu là thực phẩm khô, dễ cháy và lan tỏa nhanh trên diện rộng nhưng cả chợ Mơ mới chỉ có vài chục bình cứu hỏa cỡ trung bình.
Đã vậy, phần lớn bình cứu hỏa và các họng nước chữa cháy tự động của chợ này lại bị hàng hóa che kín. Chợ đầu mối rau quả Long Biên chủ yếu mua bán vào ban đêm nên những mối đe dọa cháy nổ từ các nguồn lửa rất lớn. trong đó, đáng lưu ý là các hàng quán ăn uống hoạt động trong chợ sử dụng than tổ ong cũng rất dễ gây hỏa hoạn.