1 Hà Nội xanh, thật xanh là kỳ vọng của bất cứ ai yêu Hà Nội. Và chưa khi nào, kỳ vọng này lại gần với hiện thực đến thế. Bởi đến thời điểm này, đồ án quy hoạch chung xây dựng Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 do Liên danh tư vấn quốc tế ppJ (perkin -posco-Jina) lập đang bước vào giai đoạn hoàn thiện nghiên cứu, lập hồ sơ trình thẩm định với ý tưởng chủ đạo là xây dựng Hà Nội trở thành “thủ đô xanh – văn hiến – văn minh và hiện đại”. Còn nhớ, trong buổi báo cáo đồ án lần thứ ba trước Thủ tướng Chính phủ, ppJ đề xuất một hành lang xanh bao quanh chiếm đến 62% địa giới Hà Nội (rộng hơn 3.200 km2). Nhưng dường vẫn là chưa đủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu ppJ điều chỉnh tỷ lệ này lên 70%.
Theo nghiên cứu của ppJ, hành lang xanh sẽ là vùng mở rộng từ vành đai 4 thuộc đô thị trung tâm ra đến các khu vực đô thị vệ tinh mới. Hành lang xanh nằm giữa khu vực sông Đáy và sông Tích…, ôm và bảo vệ những khu vực tự nhiên quan trọng, các vùng đất nông nghiệp có năng suất cao, các làng nghề truyền thống, các di tích văn hóa, các sông hồ và khu vực kiểm soát lũ…
2 Thực ra không phải chỉ khi ppJ đề xuất về ý tưởng quy hoạch về một thủ đô xanh thì người ta mới biết đến giá trị không gian xanh của Hà Nội. trước đó, trong tiềm thức của bất cứ người yêu Hà Nội nào thì Thủ đô duyên dáng, quyến rũ với hệ thống sông hồ tự nhiên, với những công viên, đường phố phủ đầy màu xanh. trong quy hoạch chung Hà Nội được phê duyệt năm 1998 tại Quyết định 108/QĐ – TTg (nên vẫn được gọi là quy hoạch 108) thì Hà Nội cũng từng có một vành đai xanh rộng từ 1 – 4 km2 xung quanh thành phố trung tâm. Cách đây vài năm, trong dự án nghiên cứu tổng thể quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội (HAIDEp), người ta cũng đã chỉ ra yếu tố đặc trưng cần trân trọng, bảo tồn và phát triển của Hà Nội là văn hóa, cây xanh và mặt nước. Dẫu vậy, việc ppJ quy hoạch 70% diện tích Hà Nội là không gian xanh vẫn khiến nhiều người bất ngờ và xúc động. KTS trần Huy Ánh cảm kích: “Thành phố xanh có nền tảng thiên nhiên đặc trưng Thủ đô, với trùng điệp đồi núi Ba Vì, Sóc Sơn, Hương Sơn tựa lưng, với 9 con sông lớn nhỏ uốn lượn đem lại nguồn nước tuới tắm, bồi tự dải đồng bằng màu mỡ nhất châu thổ sông Hồng. Tài nguyên xanh quý giá ấy, lần đầu tiên được một tài liệu quy hoạch trân trọng, đánh giá cao và đặt ra ý tưởng chủ đạo”. “Hành lang xanh trong quy hoạch có quy mô đến ngàn cây số vuông. Đó không chỉ xanh sinh thái mà còn là bảo tàng nhân văn sống động, nơi tồn giữ những làng quê xứ Đoài. Là giới hạn khoảng không giao hoà giữa xứ Đoài với xứ Kinh Bắc, lấy Thăng Long làm điểm hội tụ”.
3 Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, trong đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội, ppJ phải tiếp tục làm rõ “khu vực nào cần giữ xanh hoàn toàn, khu vực nào kết hợp phát triển nông nghiệp” và phải thể hiện đầy đủ trên đồ án quy hoạch. Điều này là cần thiết. Bởi như đã nói, bên cạnh những vùng xanh mang tính chất công viên sinh thái, xanh cách ly, vùng dọc hành lang bảo vệ sông, mương, tuyệt đối không xây dựng, hành lang xanh ôm trong lòng nhiều làng mạc. Những làng mạc đó với nghề truyền thống, với cách thức sản xuất thủ công lâu nay liệu đủ tiêu chuẩn “xanh”. Ông Nguyễn Viết Chiến – phó chủ nhiệm Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội – cho biết: ppJ đang rà soát lại, đánh giá mật độ xây dựng ở các làng để có biện pháp kiểm soát. Nếu mật độ xây dựng hơn 30% thì làng đó đã là làng đô thị hóa, không đưa vào hành lang xanh nữa. Còn nếu làng có mật độ xây dựng dưới 30% thì vẫn được coi là làng sinh thái và nằm trong hành lang xanh. Cùng với hệ thống làng mạc, ông Chiến cho rằng một không gian xanh khác cũng cần cân nhắc và đưa ra quyết định hợp lý trong đồ án quy hoạch chung lần này là khu vực hai bên sông Hồng đoạn qua Hà Nội. Nếu chỉ xác định đơn thuần sông Hồng là trục cảnh quan chính của Hà Nội lõi mà không có triển khai những nghiên cứu, dự án cụ thể thì hơn hai mươi vạn người dân ngoài bãi sông tiếp tục sống cuộc sống không công bằng trước pháp luật và bấp bênh. Bởi họ vẫn không được cấp chứng nhận sở hữu với nhà và đất ở, không được cấp phép xây dựng, trong khi vì nhu cầu cuộc sống, họ vẫn xây dựng những công trình mới, gặm nhấm bờ sông, lấn chiếm dòng chảy. Hai bờ sông Hồng liệu có còn là trục cảnh quan khi mà nó dày đặc các công trình xây dựng trái phép? Khi mà bức tường bê tông vẫn tiếp tục loang rộng? Và Hà Nội trung tâm tiếp tục quay lưng lại với dòng sông!
4 trong khi chờ những nghiên cứu cụ thể cho hành lang xanh của Hà Nội thì trong thời điểm này, các biện pháp bảo vệ hành lang xanh, các cơ chế quản lý cũng đồng thời được đề cập. Sau khi nghe tư vấn báo cáo đồ án Quy hoạch chung Hà Nội lần 3, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND Tp Hà Nội phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan lập ngay quy chế quản lý xây dựng đô thị và kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội theo tinh thần “khuyến khích các dự án đầu tư xây dựng đồng bộ các khu nhà cao tầng tại các khu đô thị mới giữa các vành đai 3 và vành đai 4 và các đô thị vệ tinh để đáp ứng nhu cầu về nhà ở, giảm tải cho đô thị trung tâm. Quản lý nghiêm ngặt việc đầu tư xây dựng ngoài vành đai giao thông đối ngoại để bảo vệ vành đai xanh của Thủ đô”. Chỉ đạo về việc khống chế, kiểm soát, giảm bớt các dự án đầu tư bất động sản tràn lan trong vùng cấm, vùng hạn chế xây dựng trong hành lang xanh xem ra rất được xã hội ủng hộ. Bởi hẳn nhiều người còn nhớ, mặc dù đã được xác định rõ trong quy hoạch 108 nhưng vành đai xanh của Hà Nội đã bị các dự án phát triển kinh tế của các tỉnh lân cận rào kín và phá vỡ. Cùng với việc đưa ra các giải pháp bảo vệ hành lang xanh của Hà Nội thì người ta cũng đặt nhiều kỳ vọng vào ý tưởng nghiên cứu xen cấy những không gian xanh vào các khu dân cư tập trung đông đúc. Những nhà máy, cơ sở sản xuất ở trung tâm sẽ được di dời ra ngoài thành phố thay vào đó là những khu vui chơi giải trí, những không gian xanh cho người dân thủ đô. Toàn bộ làng mạc hiện hữu tại các huyện ngoại thành sẽ được nghiên cứu theo mô hình nông thôn mới mang tính đặc thù của thủ đô… Rõ ràng với những ý tưởng quy hoạch và giải pháp nói trên, chưa khi nào Hà Nội có nhiều cơ hội để trở thành một đô thị xanh, hấp dẫn, đáng sống hàng đầu thế giới như thời điểm này. Dẫu vậy, những ý kiến thận trọng như ý kiến của GS.TS phạm Sỹ Liêm, phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng rất đáng lưu ý. Ông Liêm nói: Vành đai xanh có rất nhiều công năng như ruộng, vườn, công viên… và thêm một chức năng nữa rất quan trọng đối với đô thị đó là đường biên ngăn không cho đô thị phát triển vượt ra ngoài ranh giới đó. Vành đai phải cố định, vững chắc, bền vững. Đô thị không thể phát triển tràn lan như vết dầu loang. Tuy nhiên, nếu vành đai xanh không có yếu tố kinh tế đi kèm thì sẽ gây áp lực lớn cho người dân trong khu vực cũng như chính quyền. Vì vậy phải làm sao mức sống của người dân trong vành đai xanh không thấp hơn các khu vực khác, để họ không bán đất. Làm sao để phát triển những vành đai xanh với định hướng sản xuất nông nghiệp trình độ cao, tạo ra những vùng xanh có thu nhập cao, chất lượng cao… |
Quy hoạch Hà Nội, Ước vọng Hà Nội xanh
8