Trang chủ » Quy hoạch thủ đô Hà Nội xứng tầm một thành phố Văn minh – hiện đại – sinh thái – văn hiến

Quy hoạch thủ đô Hà Nội xứng tầm một thành phố Văn minh – hiện đại – sinh thái – văn hiến

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments

Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, năm 2009 Bộ Xây dựng chỉ đạo tư vấn thiết kế nỗ lực hoàn thành Quy hoạch chung Hà Nội mở rộng để báo cáo Quốc hội vào tháng 5 năm 2010. Nhân dịp đầu Xuân Canh Dần 2010 TS.KT Nguyễn Đình Toàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đã trao đổi với báo giới một số việc chỉ đạo thực hiện đồ án với những vấn đề lớn liên quan đến các yếu tố Đất – Nước – Văn hóa & con người – những thành phần cơ bản để hình thành nên một cơ thể mới cho Thủ đô 1000 năm văn hiến. trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết những nét chính của đồ án quy hoạch chung xây dựng Hà Nội lần này?

Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn: Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch chung xây dựng Hà nội, với những vấn đề chính phải giải quyết như: Sử dụng đất, mật độ, giao thông, không gian cảnh quan kiến trúc, hạ tầng, môi trường, bảo tồn di sản…

Đồ án đang đưa ra tỉ lệ không gian xanh là 68%, không gian đô thị là 32%. Như vậy, phần đô thị sẽ không phát triển lan rộng ra các vành đai 3, 4. Hà Nội dù được mở rộng nhưng phần không gian xanh vẫn chiếm phần lớn, đồng thời giữ được quỹ đất dự trữ. Do vậy, đồ án phải đưa ra các giải pháp hợp lý để thủ đô Hà Nội phát triển trên một cơ thể hoàn chỉnh, với diện tích 3.300km2 kết nối được hệ thống hạ tầng.

Đồ án cũng đề xuất một số đô thị vệ tinh mới như Hòa Lạc, Xuân Mai, Quốc Oai, phú Xuyên, Chúc Sơn và tiếp tục kế thừa, phát triển những đô thị cũ như: Sơn Tây, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh. Các đô thị cũ này sẽ tiếp tục phát triển và cũng có thể được coi như là các đô thị vệ tinh cho đô thị trung tâm.

Như vậy, tổng thể đô thị Hà Nội sẽ có đô thị trung tâm hiện hữu tính từ vành đai 3 trở vào cho đến các khu phố cổ, khu phố cũ; chuỗi đô thị dọc vành đai 3 và 4, được hình thành tách ra khỏi đô thị hiện hữu bằng một hành lang xanh dọc theo sông Nhuệ; các đô thị vệ tinh được kết nối bởi các tuyến giao thông như: trục đường Láng Hoà Lạc, trục Thăng Long (mới) chạy dọc Đông Tây song song đường Láng – Hoà Lạc, trục đường 6, trục đường 1A, 1B. Ngoài ra, hệ thống đường vành đai Bắc Nam – phúc Thọ – phú Xuyên, và vành đai 5.

trước khi sáp nhập vào Hà Nội, Hà Tây cũ đã có hơn 750 dự án được duyệt chủ yếu tập chung ở phía Tây: dọc theo vành đai 3- 4 và lan tỏa xuống phía Nam. Các đô thị chuỗi và vệ tinh sẽ giải quyết về cơ bản sự lan tỏa này. Các dự án sẽ được quy hoạch, sắp xếp phù hợp với Quy hoạch chung để thành phố kiểm soát được tổng thể đô thị.

phóng viên:  Thưa Thứ trưởng, chúng ta đang có một Hà Nội cổ, cũ 1000 năm tuổi. Vậy một Hà Nội mới sẽ ứng xử như thế nào để gìn giữ, phát huy và làm phong phú bản sắc văn hóa của mình?

Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn: Hà Nội mới hiện nay sẽ được hình thành từ 2 nền văn hoá lớn là: Văn hoá Thăng Long và Văn hoá xứ Đoài. Điều này phải được nghiên cứu lồng ghép trong đồ án QH này. 

Thủ đô Hà Nội cổ – cũ  được hình thành từ gần 1000 năm lịch sử, với lõi đô thị là khu vực 36 phố phường. Từ sau năm 1888, quy hoạch Hà Nội phát triển về phía Nam Hồ Gươm và phía Tây là khu thành cổ, nay là khu Ba Đình.

Các khu vực phát triển ở Sơn Tây, Quốc Oai đã được hình thành trên cơ sở văn hoá xứ Đoài với những làng cổ, các công trình tôn giáo cũng như rất nhiều công trình kiến trúc dân gian.

Một trục giao thông mới dự kiến sẽ hình thành kéo dài từ ngã 3 Hoàng Quốc Việt-phạm Hùng đến Ba Vì giải quyết vấn đề giao thông từ trung tâm cũ với các vùng nông thôn và đô thị phía Tây của thành phố. Đây cũng là trục Thăng Long kết nối giữa 2 nền văn hoá Thăng Long với văn hoá xứ Đoài ở khu vực phía tây Hà Nội. trên trục đường này sẽ có các công trình bảo tàng, thư viện, nhà hát, đài Độc lập và các biểu tượng văn hoá khác. Để làm được tốt trục tuyến này đòi hỏi sự quyết tâm rất lớn từ các cấp chính quyền thành phố, của các nhà đầu tư, cũng như sự ủng hộ của nhân dân Hà Nội.

Việc bảo tồn văn hoá vật thể và phi vật thể tại Hà Nội luôn được đặt ra trong quá trình thực hiện đồ án QH. Các giải pháp xử lý bảo tồn khu 36 phố phường và khu phố cũ được xây dựng thời pháp thuộc đã được các nhà tư vấn thiết kế xem xét làm sao để giảm thiểu mức độ phát triển ở các khu vực này và phục hồi tôn tạo những giá trị lịch sử hiện hữu về cảnh quan, không gian sinh hoạt nói chung.

Đối với các công trình tôn giáo tín ngưỡng hiện có hàng trăm các đình đền chùa miếu và một số làng cổ, làng nghề truyền thống tại Quốc Oai, phúc Thọ, Sơn Tây, Đan phượng, Hoài Đức, Ứng Hoà… cần được nghiên cứu để bảo tồn. Tại nơi này, phát triển phải đáp ứng các điều kiện, tùy thuộc vào giá trị lịch sử cũng như tình trạng di tích và những điều kiện cụ thể khác liên quan.

phóng viên: Hệ thống sông, hồ vốn mang tính đặc trưng và có giá trị lớn đối với Thủ đô Hà Nội. Xin Thứ trưởng cho biết đồ án đang hướng tới giải quyết những vấn đề gì trong lĩnh vực này?

Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn: Hiện nay sông Đáy đang bị khô cạn. Một số con sông khác cũng ở trong tình trạng tương tự như sông Nhuệ, sông Tích… gây ô nhiễm môi trường. Do đó, một trong những nghiên cứu được đặt ra trong đồ án quy hoạch này là làm “sống lại” hệ thống sông hồ Hà Nội,  đảm bảo tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và cảnh quan đô thị. Bên cạnh đó là chức năng thoát lũ, thoát nước mà những con sông này phải đảm nhiệm kể cả trong trường hợp có sự biến đổi khí hậu không thể lường trước đối với một thủ đô rộng lớn.  

Hà Nội cũ có rất nhiều hồ, ao, là đặc thù nổi trội về những điều kiện tự nhiên mà hiếm thủ đô nào trên thế giới có được. Do vậy đồ án đòi hỏi phải giữ được bản sắc này cho Hà Nội trong tương lai. Hướng phát triển đô thị sẽ trên cơ sở bảo tồn các hồ hiện hữu và tạo nên các hồ nhân tạo. trung tâm Hà Nội cũ là Hồ Gươm, nơi tập trung đông người trong những ngày lễ hội. Hà Nội sẽ phải có nhiều hơn những nơi có cảnh quan như vậy để đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Hiện nay các đơn vị tư vấn đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND Tp Hà Nội để nghiên cứu cho Hà Nội phát triển bền vững, trên cơ sở tái tạo, đảm bảo cho các con sông và hồ ao luôn có nước sạch.

Khi triển khai Đồ án QHC Xây dựng Thủ đô Hà Nội, các chuyên gia cũng đã nghiên cứu đồ án hai bên bờ sông Hồng của Hàn Quốc. trước đây, khi các đồ án này nghiên cứu, chưa có việc sáp nhập giữa Hà Tây và Hà Nội. Do đó, phía Hàn Quốc đang tiếp tục nghiên cứu để các đồ án đó phải phù hợp và có tính khả thi với QHC của Tp Hà Nội mới sau mở rộng. Do vậy, có những ý tưởng trước đây sẽ phải nghiên cứu điều chỉnh về mật độ, chiều cao xây dựng, cây xanh, giao thông… cho phù hợp với quy hoạch chung lần này, đồng thời bảo đảm đời sống người dân trong điều kiện sống thiếu về hạ tầng, chất lượng kiến trúc, môi trường. 

phóng viên:  Đồ án QHC Hà Nội lần này sẽ giải quyết vấn cơ sở hạ tầng của các ngành: Giáo dục- Đào tạo, Y tế… như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn: Hệ thống bệnh viện (BV) trên địa bàn Hà Nội đang chịu áp lực lớn, ví dụ các BV: Bạch Mai, Việt – Đức, Saint paul… đều quá tải. Các đơn vị tư vấn đang nghiên cứu xây dựng cơ sở y tế, bảo đảm chất lượng tại các khu đô thị mới, khu đô thi vành đai. Tại đó sẽ hình thành các trung tâm y tế lớn, sẽ mọc lên những BV Bạch Mai 2, Bạch Mai 3, Việt – Đức 2, Việt – Đức 3…, cùng với đó là các trung tâm y tế nghỉ dưỡng khám chữa bệnh chất lượng cao. Những khu công nghiệp trong nội đô sẽ phải di dời, thay vào đó sẽ điều chỉnh chức năng sử dụng đất, hình thành các trung tâm thương mại, dịch vụ các công trình phúc lợi khác để phục vụ nhu cầu của người dân. Nhằm tiến tới mục tiêu người dân ngoại đô khi có nhu cầu khám chữa bệnh chất lượng cao cũng như những nhu cầu thiết yếu khác không nhất thiết phải vào nội đô.

Đối với Giáo dục – Đào tạo, hệ thống các trường đại học đã được nghiên cứu để giãn ra phía ngoài nội đô. Tại Hòa Lạc sẽ hình thành Đại học quốc gia, diện tích trên 1.000 ha, ở đó sẽ xây dựng nhiều trường đại học, các trung tâm nghiên cứu khoa học, thuộc nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, sẽ xây dựng thêm một số cơ sở Đại học ở các khu vực phú Xuyên, Sóc Sơn, Gia Lâm. Các cơ sở đại học cũ được nghiên cứu chuyển đổi chức năng một phần hoặc đào tạo quy mô ở mức không còn như hiện nay. Đây là vấn đề còn tiếp tục xem xét.

Hà Nội và Vùng phụ cận hiện đang rất thiếu các trung tâm vui chơi giải trí, văn hóa thể thao. Bộ Xây dựng đang chỉ đạo các đơn vị tư vấn tích cực phối hợp các Bộ, Ngành, UBND Tp Hà Nội để quy hoạch dành quỹ đất phát triển văn hóa, giải trí cho nhân dân Thủ đô.

phóng viên: Nói đến một Hà Nội mới không thể không nói đến vấn đề nông thôn trong đô thị Hà Nội. Xin Thứ trưởng cho biết vấn đề này được nghiên cứu, ứng xử như thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn: Nông thôn Hà Nội sau mở rộng đang là một vấn đề lớn đặt ra khi nghiên cứu quy hoạch này. Bộ Xây dựng đang chỉ đạo các đơn vị tư vấn tập trung nghiên cứu đáp ứng mô hình nông thôn mới văn minh – hiện đại trong đô thị Thủ đô.

Đối với các làng xóm hiện hữu, phải bảo đảm về chất lượng không gian kiến trúc và quản lý kiểm soát về phát triển. trong đó, quan tâm hệ thống giao thông nông thôn, các công trình kiến trúc, xử lý môi trường… để  làng xóm ở các vùng nông thôn hiện hữu sẽ được hòa nhập trong không gian cảnh quan cây xanh và trở thành những vùng xanh sinh thái. Tại đây, chỉ nên xây dựng các công trình thấp tầng, giữ được bản sắc nông thôn truyền thống.

Ngoài ra, các làng nghề truyền thống cần được nghiên cứu bảo tồn phát triển sản xuất gắn với dịch vụ thương mại và du lịch. Ví như: Mê Linh cần được tạo điều kiện phát triển nghề trồng hoa truyền thống, là nơi cung cấp hoa tươi cho toàn thành phố cũng như cho vùng Thủ đô. Các làng nghề truyền thống khác cũng sẽ triển khai phát triển tương tự…

Hà Nội cần giữ cho được môi trường sinh thái từ các vùng nông thôn, các vùng núi Ba Vì, Sóc sơn, Hương Tích… Đặc biệt, hai lá phổi xanh là sông Hồng và vành đai xanh mở rộng dọc theo sông Nhuệ, tách biệt giữa vành đai 3 với chuỗi đô thị mới kéo dài theo hướng Bắc Nam phía Đông của vành đai 4. Có như vậy Tp mới phát triển bền vững đáp ứng được sự kỳ vọng của nhân dân Hà Nội và đồng bào cả nước.

phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.