Trang chủ » Vóc dáng Thủ đô qua những công trình lớn

Vóc dáng Thủ đô qua những công trình lớn

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments

Đi qua nghìn năm tuổi, Hà Nội đã và đang khẳng định dấu ấn sâu đậm và tầm vóc lớn lao của mình trong lòng người dân cả nước và bạn bè năm châu. Kỷ niệm ngày lễ trọng đại của Thủ đô, hàng loạt các công trình giao thông lớn đã được đầu tư xây dựng.

Dù hầu hết những công trình này đều có những bước thăng trầm, có thời điểm còn là điểm “nóng” bức xúc dư luận cả nước do chậm tiến độ, nhưng vẫn là nét tô điểm không thể thiếu, nâng tầm vóc dáng Thủ đô nghìn năm…

Cầu Thanh trì – Cây cầu lớn nhất của Thủ đô

trong số 7 cây cầu bắc qua sông Hồng của Hà Nội, cầu Thanh trì là cây cầu lớn nhất và là ước mơ, mong đợi từ bấy lâu của người dân Thủ đô nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.

Cầu Thanh trì hoàn thành không những là một biểu tượng của đối tác chiến lược trong sự hợp tác, phát triển giữa Việt Nam và Nhật Bản và không chỉ có ý nghĩa về giao thông mà còn tạo điều kiện để Hà Nội đẩy nhanh công cuộc phát triển đô thị, đồng thời là công trình tầm cỡ tiêu biểu nhất tô điểm cho Thủ đô trên đường công nghiệp hoá – hiện đại hoá.

Sau khi đưa vào khai thác, cầu Thanh trì giải toả sức ép giao thông đang đè nặng lên cầu Chương Dương (Hà Nội), đồng thời phân bổ và giảm bớt đáng kể lưu lượng xe, nhất là xe tải lưu thông qua nội thành. Cùng với đường Vành đai 3, cầu Thanh trì nối QL5 với QL1, liên kết vùng tam giác kinh tế Hà Nội – Hải phòng – Quảng Ninh với trục giao thông Bắc – Nam, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của cả khu vực Đồng bằng Bắc Bộ nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng.

Cầu Thanh trì được xây dựng thành công cũng đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc, vươn lên làm chủ công nghệ làm cầu lớn của Việt Nam. trong quá trình xây dựng cây cầu, nhiều đơn vị xây dựng của Việt Nam tham gia liên danh như: TCT Xây dựng Thăng Long, CIENCO 8, CIENCO1, CIENCO 4, VINACONEX đã cùng với các nhà thầu chính Nhật Bản áp dụng thành công những công nghệ xây dựng cầu tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay như: công nghệ đúc dầm cầu sử dụng đà giáo di động (MSS) lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam; công nghệ thi công bệ móng trụ cầu chính bằng vòng vây cọc ống thép; công nghệ đúc hẫng cân bằng dầm cầu chính liên tục chiều dài nhịp 130m; công nghệ cọc khoan nhồi theo phương pháp tuần hoàn ngược có đường kính từ 1m đến 2m và sâu trên 50m;…

Đường vành đai 3 – Thỏa mong mỏi bấy lâu của người dân Hà Nội

Theo mục tiêu ban đầu, Dự án đường vành đai 3 Hà Nội có vị trí quan trọng đặc biệt để phục vụ SEA Games 22 và là động lực phát triển đô thị phía Tây Nam thành phố. Hơn thế đường vành đai 3 hoàn thành sẽ góp phần giải quyết ách tắc giao thông cho Thủ đô đang là gánh nặng của hầu hết các tuyến đường chính của Hà Nội.

Tuy nhiên, dự án chỉ dài hơn chục km này lại được coi là công trình “vướng mắc trường kỳ” về GpMB, gây ra không ít điều tiếng. trong suốt nhiều năm, không những người dân Hà Nội mà tất cả nhân dân cả nước đều phải sống trong sự mong ngóng, chờ đợi, nhiều lúc tưởng chừng như vô vọng thời điểm dự án hoàn thành đưa vào sử dụng. Đặc biệt tại nút giao Thanh Xuân, đây có thể coi là “điểm nóng” kéo dài nhiều năm không thể giải tỏa do khiếu kiện của người dân.

Tuy nhiên, đây cũng là nút giao ghi dấu ấn đậm nét của sự quyết tâm GpMB của Chính phủ, Bộ GTVT, Tp Hà Nội cũng như tinh thần quyết liệt ra quân đồng loạt cưỡng chế GpMB của các lực lượng từ công an, quân đội, thanh tra giao thông và dân quân tự vệ. Chỉ trong vòng khoảng 1 tháng, toàn bộ mặt bằng tại nút giao này đã được bàn giao phục vụ công tác thi công. Hiện nay, các nhà thầu đang dồn sức đẩy nhanh tiến độ thi công để bảo đảm hoàn thành phần mặt đường có thể thông tuyến trước Tết Nguyên đán Canh Dần 2010.

Cầu Nhật Tân – Điểm nhấn kiến trúc và văn hóa của Hà Nội

Được khởi công từ tháng 3/2009, cầu Nhật Tân bắc qua sông Hồng là cây cầu dây văng liên tục, hai mặt phẳng dây dài nhất, hiện đại nhất Việt Nam. Điều làm nên khác biệt của cầu Nhật Tân so với các cây cầu khác là bởi thiết kế hai mặt phẳng dây văng liên tục chưa từng được áp dụng trên thế giới. Sau khi hoàn thành, cầu Nhật Tân sẽ là cây cầu dây văng liên tục nhiều nhịp nhất, hiện đại nhất, dài nhất nước ta, đồng thời tạo ra điểm nhấn kiến trúc văn hóa tô điểm cho Thủ đô. Tổng chiều dài dự án gần 9km, trong đó riêng cầu Nhật Tân dài 3.755m.

Hướng tuyến của cầu Nhật Tân cũng là cung đường ngắn nhất từ trung tâm Thủ đô đến sân bay quốc tế Nội Bài, góp phần giảm lưu lượng giao thông trên cầu Thăng Long và Chương Dương, đồng thời tạo điều kiện phát triển kinh tế- xã hội của Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phụ cận. Cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu đi qua địa bàn quận Tây Hồ và huyện Đông Anh – Tp Hà Nội do Ban QLDA 85 làm đại diện chủ đầu tư với tổng mức đầu tư là hơn 13.626 tỷ đồng.

Nguồn vốn đầu tư dự án bao gồm vốn vay từ Ngân hàng quốc tế Nhật Bản – JBIC (nay là Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản – JICA) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam cho phần xây dựng cầu và đường. Tuy vậy, điều đáng buồn hiện nay là do vướng GpMB và không nhiều nhà thầu tham gia nên cho đến nay mới chỉ có một gói thầu duy nhất của dự án được động thổ. Gói số 2 xây dựng đường dẫn phía Nam qua hai lần đấu thầu vẫn không có nhà thầu tham gia. Còn gói số 1, theo kế hoạch của chủ đầu tư và các nhà thầu thì phải tháng 2/2010 mới có thể động thổ.

Đường cao tốc Láng – Hòa Lạc, tuyến đường phát triển của Thủ đô mở rộng

Cuối tháng 10/2009 vừa qua, làn cao tốc trái của đường cao tốc Láng – Hòa Lạc đã được thông xe, không những giải tỏa được áp lực giao thông cho toàn tuyến mà các nhà thầu và chủ đầu tư đã cán đích đúng hạn được điểm mốc đầu tiên của “cuộc đua đường trường”- đưa dự án hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Tuyến đường sau khi hoàn thành sẽ tạo mối liên kết giữa Thủ đô Hà Nội với khu vực quy hoạch đô thị mới Hoà Lạc cũng như toàn bộ vùng Tây Bắc của Tổ quốc. Sau ngày Hà Nội mở rộng, tuyến cao tốc Láng- Hòa Lạc còn mang trên mình trọng trách là tuyến đường trục hướng tâm phát triển kinh tế – xã hội, liên kết các vùng của Thủ đô trên con đường công nghiệp hóa – hiện đại hóa.

trong quá trình thi công, dự án gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong công tác GpMB và thu xếp vốn. Chính vì vậy, các nhà thầu đã phải nhiều lần xin “lùi” tiến độ về đích. Theo cam kết của tổng thầu Vinaconex và các nhà thầu thì ngoài việc đường cao tốc trái đã thông xe vào 31/10/2009, cao tốc phải sẽ thông xe vào 30/6/2010, đường gom trái thông xe vào 30/6/2010 và đường gom phải thông xe vào 31/7/2010 để kịp ngày đại lễ của Thủ đô.

 

trong số các dự án hạ tầng giao thông gắn biển công trình chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội được chia làm 2 nhóm: các công trình trọng điểm khởi công chào mừng 1.000 năm Thăng Long là các dự án có quy mô vốn rất lớn gồm: Dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường dẫn 2 đầu cầu, đường nối cầu Nhật Tân- Nhà ga T2 Nội Bài, Dự án tuyến đường sắt đô thị Hà Nội – Hà Đông,… Nhóm thứ hai là các công trình hoàn thành trước ngày đại lễ gồm các dự án như: cầu Thanh trì, vành đai III, cải tạo, nâng cấp QL 32 các đoạn Nam Thăng Long – Diễn, Diễn – Nhổn, mở rộng và hoàn thiện đường Láng – Hòa Lạc,…

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.