Như đề cập ở kỳ trước, đến nay, tuy đã có rất nhiều dự án nghiên cứu về phố cổ được triển khai, nhưng trên thực tế tỏ ra chưa hiệu quả. Thậm chí, người ta vẫn còn bàn luận chưa hồi kết về giá trị của phố cổ như chân giá trị của phố cổ là gì? Bảo tồn, khai thác cái gì? Bằng cách nào? Mô hình phát triển của phố cổ trong tương lai là gì?…
Sở dĩ có sự lúng túng ấy bởi phố cổ Hà Nội là một khu phố sống. Nó chứa trong mình mật độ dân số cao nhất cả nước. trong khi đó điều kiện sống lại vô cùng thấp kém. Theo kết quả nghiên cứu của trường Đại học Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) công bố đầu năm ngoái. trong 102 ngôi nhà được chọn ngẫu nhiên thì chỉ có 44 gia đình có nhà vệ sinh riêng. Số còn lại phải dùng chung trong điều kiện không được bảo đảm. 42 gia đình phải dùng chung nhà tắm và chỉ có 83 gia đình có bếp riêng… Điều này giải thích vì sao, một trong những điều mà người dân phố cổ luôn mơ ước là có nhà vệ sinh riêng. Chính vì nơi ở chật chội nên người dân phố cổ tìm mọi cách cơi nới không gian, hoặc vươn lên cao, hoặc mở rộng diện tích tối đa ra không gian chung. Thành ra, kiến trúc nhà ban đầu bị biến dạng. Thực sự, nếu nhìn vào các ngôi nhà có tuổi thọ trên 100 năm, kết cấu ọp ẹp, ẩm mốc, không gian kiến trúc bị xé nhỏ, cơi nới biến dạng, điều kiện ở thấp kém… thì không ít người bức xúc, đặt dấu hỏi về giá trị của phố cổ, nhà cổ? Tuy nhiên, không ít nhà chuyên môn khác lại đưa ra ý kiến: phải đặt giá trị phố cổ trong tổng thể của đô thị Hà Nội trong quá trình phát triển 1.000 năm sau đó mới đến giá trị cơ cấu trong khu vực, giá trị từng ngôi nhà với lối sống của người dân. Cũng giống như việc nhận định giá trị của phố cổ, nhà cổ… người ta cũng đưa ra nhiều đề xuất cho việc quản lý, bảo tồn. Ví dụ, chuyên gia người Nhật Furukawwa cho rằng nếu không có hộ dân nào chấp nhận chuyển ra ngoài sống thì khi cải tạo, mặt ngoài ngôi nhà sẽ được giữ nguyên, bên trong có thể thêm tầng để nới rộng không gian sống đồng thời việc bán những căn phòng sau cải tạo sẽ là nguồn thu để duy trì cải tạo ngôi nhà. Theo đề xuất này, phố cổ có thể tiếp tục được nén thêm dân cư. Một đề xuất khác, của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh phúc: Chỉ nên quy hoạch một số đoạn phố cổ Hàng Đường, Mã Mây… phục dựng sao cho giống không khí xưa. Hàng Đường thì buôn bán chính các mặt hàng mật, đường, bánh kẹo và dứt khoát phải có quy chế, luật cụ thể để quản lý. Tương tự, KTS Ngô Huy Giao cũng cho rằng chỉ nên chọn vài khúc phố, tuyến phố nhất định để dồn sức tôn tạo, trùng tu cả về kiến trúc lẫn lối sinh hoạt, buôn bán các mặt hàng theo đúng phong cách phố cổ là hợp lý nhất thay vì chỉ bảo tồn một vài công trình cụ thể, hay cả khu phố cổ rộng 100ha. Tất cả đề xuất vẫn chỉ là đề xuất. Hơn thế, nói như GS Hoàng Đạo Kính, mọi dự án nghiên cứu, quy hoạch lại phố cổ đều vướng mắc ở vấn đề sở hữu, quản lý… Về phía chính quyền, từ lâu, BQL phố cổ Hà Nội đã được thành lập. Tp cũng đã có những văn bản quy định rõ đâu là khu phố cổ, đâu là khu phố cũ, nơi nào người dân có thể sửa sang cải tạo đồng thời quy định xử phạt đối với các vi phạm. Tuy nhiên, Ban này chỉ có nhiệm vụ giám sát chứ không có quyền xử phạt hay xử lý những vi phạm. Bởi vậy, để bảo tồn được tốt phố cổ, vẫn trông chờ “sự vào cuộc của các cơ quan chức năng”. Nhiều năm trước, Hà Nội cũng từng đặt vấn đề giãn dân phố cổ nhưng vì nhiều lý do, trong đó có lý do lúng túng về cơ chế giãn dân như thế nào khi mà phố cổ là một trong những trung tâm thương mại sầm uất nhất Thủ đô, tấc đất giá trị hơn tấc vàng, khi mà còn rất nhiều người phố cổ dựa vào phố cổ để kiếm kế sinh nhai, chấp nhận cuộc sống hàng ngày chật chội, tù túng. Một số khác, dù không hưởng nhiều, trực tiếp từ không gian thương mại của phố cổ thì cũng không muốn thay đổi môi trường sống. Bởi họ đang là công dân của lõi Thủ đô… Mới đây, chính quyền Tp lại tái khởi động dự án giãn dân phố cổ. Theo đó, bên cạnh KĐTM Việt Hưng, Tp sẽ quy hoạch tiếp một số địa điểm dành cho giãn dân phố cổ, như sắp tới là khu Sài Đồng vì từ phố cổ sang bắc sông Hồng gần, người dân sẽ tiện sinh hoạt và cuộc sống ít bị xáo trộn hơn. Dự kiến, trong giai đoạn 1, dự án giãn dân phố cổ sẽ cung cấp nguồn kinh phí với 4.000 tỷ đồng để chuyển khoảng 1.900 hộ dân trong các khu phố cổ sang KĐTM Việt Hưng. Đến năm 2020 phấn đấu giãn được 30.000 dân của toàn bộ phố cổ sang nơi sinh sống mới. Đối tượng thuộc diện di chuyển gồm các hộ dân sống trong khuôn viên các công trình công cộng, di tích, trường học, công sở, các công trình có nguy cơ sụp đổ… và các hộ dân tự nguyện di dời. Việc giãn dân trên cơ sở vừa vận động, thuyết phục đồng thời tạo điều kiện để dân có cuộc sống tốt hơn, chứ không phải nhằm mục đích lấy đất nên không cưỡng chế. Liệu dự án có nhận được sự đồng thuận của cư dân phố cổ – những người ảnh hưởng trực tiếp từ dự án? |
Quản lý và bảo tồn phố cổ: Kỳ 2: Lúng túng
2