Liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận nhà đất, hai bộ đưa ra hai thời điểm khác nhau. Đến giờ, có ba mốc thời gian khác nhau liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận cho nhà, đất.
Ba mốc ứng với ba văn bản
1. Mốc 1-7-2004. Đây là thời điểm Luật Xây dựng có hiệu lực thi hành. Cho rằng “do chưa có luật nên người dân mới vi phạm”, luật này xí xóa cho những trường hợp lỡ xây nhà trái phép trước 1-7-2004.
Căn cứ vào đó, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 39/2005 cho phép nhiều nhà xây trái phép trước 1-7-2004 được tồn tại. Những trường hợp vi phạm sau đó buộc phải tháo dỡ. trên cơ sở này, UBND Tp.HCM đã ban hành Quyết định 54/2007 đồng ý cấp giấy chủ quyền cho nhà trái phép trước 1-7-2004.
2. Mốc 1-7-2006. Đây là thời điểm Luật Nhà ở có hiệu lực. Để phù hợp với quy định của luật này, Quyết định 54/2007 của UBND Tp.HCM chỉ đồng ý cấp giấy chứng nhận cho nhà trái phép sau ngày 1-7-2006 với điều kiện vi phạm đã được xử lý và được thực hiện xong.
3. Mốc 1-5-2009. Đây là thời điểm Nghị định 23/2009 (về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng…) có hiệu lực thi hành. Khi ban hành Thông tư hướng dẫn số 24/2009, Bộ Xây dựng đã lấy mốc này để làm căn cứ xử lý những công trình vi phạm trước đó mà chưa được xử lý dứt điểm. Điều 15 của thông tư này cho phép nhà phù hợp quy hoạch được giữ nguyên phần diện tích vi phạm (không phải tháo dỡ).
Làm thủ tục giấy tờ nhà đất tại UBND quận Tân Bình. Ảnh: Htd |
Mốc này giẫm lên mốc kia
Đành rằng Thông tư 24 chỉ quy định việc xử lý vi phạm xây dựng nhưng có cần thiết phải đặt ra thêm mốc 1-5-2009 cho chỏi với Luật Xây dựng và Luật Nhà ở? Câu trả lời theo tôi là không.
Thứ nhất, tiếng là riêng biệt nhưng kết quả xử lý vi phạm có liên quan đến công tác cấp giấy chứng nhận nhà đất. Bởi như phân tích của giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM trong bài “Nhà xây trái phép trước 1-5-2009: Đã có hướng ra?”, báo pháp Luật Tp.HCM ngày 4-3, đó là “nếu công trình đã được cho tồn tại thì phải được xét cấp giấy chứng nhận, nếu không thì cho tồn tại làm gì”.
Khi Nghị định số 90/2006 và gần đây là số 88/2009 (về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở) chỉ quy định việc cấp giấy chứng nhận cho nhà xây trái phép trước 1-7-2004, hoặc trước 1-7-2006 thì sao Thông tư 24 còn đưa ra thêm mốc 1-5-2009 cho giẫm lên nhau?
Thứ hai, về mặt “đẳng cấp” thì nghị định hay thông tư không được phép vượt trên luật. Dù có thể sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tiễn nhưng khi luật đã định ra thời điểm nhất định thì Nghị định 23 và Thông tư 24 không được quyền quy định khác hơn.
Dễ gây “hoa mắt”
Về nguyên tắc, nếu căn nhà đã được các cơ quan chức năng cho tồn tại thì các quận, huyện đã có đủ căn cứ cấp giấy, bất kể thời điểm vi phạm. Vậy nên dự liệu của Sở Xây dựng (tha nhà trái phép trước 1-5-2009 để người dân được cấp giấy chủ quyền) xét về lý, tình đều không sai.
Tuy nhiên, vẫn phải thấy rằng khi công tác quản lý nhà đất vốn phức tạp, việc mạnh ai nấy ra quy định dễ khiến sự việc trở nên rối rắm hơn. Thay vì làm cho pháp luật đơn giản, dễ nhớ, dễ thực hiện, sự thiếu phối hợp từ trên cao dễ gây “hoa mắt” cho không chỉ người dân mà cả cấp thực hiện.
Nếu không kịp thời khắc phục thì với việc có thêm mốc 1-5-2009 do chính quyền phải chạy theo sau để xử lý nhà trái phép, ai dám đoan chắc sẽ không có thêm các mốc thời điểm mới?
trước mắt, cứ thấy tiếc cho Bộ Tài nguyên và Môi trường đã không lưu ý thực tế “chạy theo sau” nói trên và tham chiếu thêm Thông tư 24 để các văn bản cấp giấy mới sát hợp hơn.
DiaOcOnline.vn – Theo