Đổ tiền mua đất nhưng không dám nhận nền

Hầu hết khách hàng mua nền đất trong dự án trên đều là con em, người thân của cán bộ trường Đại học Y dược Tp HCM. trong đó, có những trường hợp một người đứng tên đăng ký mua giúp cho con cháu 2-3 nền. Toàn dự án đã có hơn 300 nền đất được bán ra cho 180 cá nhân với giá 12,5 triệu đồng mỗi m2. trung bình mỗi người nộp 90 triệu đồng để đầu tư mua nền đất, tổng số tiền mọi người góp vốn ước tính 50 tỷ đồng.

Thế nhưng câu chuyện mang tiền Sài Gòn đầu tư vào đất Nhơn trạch trong phút chốc trở thành dở khóc dở cười khi dự án phân lô xong, chủ đầu tư sẵn sàng giao “hàng” nhưng người mua không dám nhận sản phẩm.

Theo lời kể của nhóm khách hàng này, năm 2004 nguyên hiệu phó trường Đại học Y dược Tp HCM trương Đình Kiệt đã phổ biến với mọi người về dự án Khu dân cư Đại học Y dược tại xã phước An, huyện Nhơn trạch, tỉnh Đồng Nai. Ông Kiệt đại diện trường ký với Công ty Thành Hưng một hợp đồng hợp tác đầu tư. Mục đích là cùng doanh nghiệp xây dựng khu nhà ở cho cán bộ công chức Đại học Y dược Tp HCM. Đã có 12 thành viên gồm những cán bộ có thâm niên của trường đồng đứng tên trong ban quản lý dự án nhà ở. Thậm chí, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng đã ra quyết định thuận chủ trương và giới thiệu địa điểm cho Công ty Thành Hưng lập thủ tục đầu tư dự án này.

Đường nội bộ chưa trải nhựa, trường trạm, chợ đều chưa mọc lên tại đô thị Nhơn trạch. Ảnh: Vũ Lê.

Tháng 11/2007, ban quản lý dự án tổ chức bốc thăm phân lô. Đầu năm 2008 khách hàng được chủ đầu tư thông báo ký hợp đồng nhận nền. Tuy nhiên hàng loạt cán bộ Đại học Y dược Tp HCM và người thân đứng tên mua đất đều không ký hợp đồng.

Theo bà Thu, một trong số những người đứng đơn khiếu nại cho biết, bà không nhận nền đất vì bản hợp đồng không xác định rõ thời điểm giao nền nhưng lại buộc khách hàng phải xây nhà trong vòng 12 tháng kể từ khi nhận nền. Bà Thu bức xúc hỏi: “Nếu nhận nền mà các hạ tầng cơ sở như: điện, nước, đường, trường, trạm, chợ không có thì tôi xây làm gì?”.

Nhiều người còn thắc mắc về một chi tiết vô lý chủ đầu tư đề ra trong hợp đồng, đó là khoảng phí bảo trì khu dân cư 15 triệu đồng một lô đất và phí quản lý 3,6-4,8 triệu đồng một nền đất một năm. “Tôi chỉ nghe nói về phí quản lý và bảo trì chung cư chứ khu dân cư thì chưa nghe bao giờ”, một khách hàng của dự án Thành Hưng nói.

Những người đăng ký mua nền đất trong dự án khu dân cư Thành Hưng đề nghị Ban quản lý dự án này phải tổ chức một cuộc họp toàn thể các khách hàng để thống nhất hướng giải quyết, công khai tài chính và tiến độ của dự án. Bởi lẽ, vẫn còn nhiều người thắc mắc về số tiền 50 tỷ đồng góp vốn đầu tư đã chuyển vào tài khoản cá nhân cho ông Kiệt được sử dụng như thế nào, lãi suất bao nhiêu năm qua xử lý ra sao.

Người đi xem đất đứng trước dãy nhà phố liên kế được xây thô nhưng không ai đến ở. Ảnh: Vũ Lê.

trao đổi với VnExpress.net, Nguyên hiệu phó Đại học Y dược Tp HCM, giáo sư tiến sĩ trương Đình Kiệt thừa nhận, ông đã “mai mối” cho các đồng nghiệp dự án khu dân cư Thành Hưng sau khi khảo sát nguyện vọng của cán bộ công nhân viên trường Đại học Y dược.

Ông Kiệt giãi bày, từ năm 2003 đến năm 2004, ông đã lấy ý kiến của cán bộ trường và thu được kết quả là mọi người đều có nhu cầu mua nền đất rất lớn. Có những người đăng ký đến 3 nền với mục đích để dành cho con. Chính vì vậy, khi ông xúc tiến tìm vị trí và chọn Công ty Thành Hưng để hợp tác đầu tư, đơn vị này chỉ có 14 ha quá ít so với nhu cầu nên phải tiến hành góp vốn để mua thêm đất thực hiện dự án. Ông khẳng định, toàn bộ số tiền mọi người góp vốn khoảng 50 tỷ đồng đều được chuyển nhiều đợt cho Thành Hưng thực hiện dự án, tiền lãi được sử dụng minh bạch, không thiếu một xu.

trả lời câu hỏi vì sao sẵn sàng góp vốn mua đất nhưng con em cán bộ của trường lại không ký hợp đồng nhận nền, ông Kiệt cho biết: “Chủ yếu mọi người không nhận nền vì nội dung hợp đồng có một vài điểm chưa thỏa đáng, trong đó có việc chủ đầu tư đề nghị thu phí bảo trì và phí quản lý”.

Ông Kiệt hứa trong 1-2 tháng nữa, ông sẽ cùng với Ban quản lý dự án trực tiếp làm việc với chủ đầu tư và toàn thể khách mua nền đất trong dự án khu dân cư Thành Hưng để hoàn tất bản hợp đồng giao nền đất, khi đó sẽ bỏ hẳn mục thu các khoản phí.

trao đổi với báo chí, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và kinh doanh nhà Thành Hưng, Nguyễn Thị Thanh Vân than, dù đã thực hiện dự án đến những công đoạn sau cùng và mời khách hàng nhận nền đất nhưng mọi thông báo đều chìm vào im lặng. Lý do Nghị định 181 bắt buộc khi nhận nền đất người dân phải xây nhà. Cụ thể hợp đồng bàn giao nền đất quy định trong thời gian 12 tháng kể từ lúc nhận nền dân phải xây nhà thô, nếu không sẽ bị thu hồi. Chính vì điều này nên khách đã im lặng không ký hợp đồng vì xây nhà bỏ trống sẽ mau xuống cấp và lãng phí.

Hậu quả là, vì khách hàng vẫn chưa thanh toán hết số tiền mua đất nhưng lại không chịu ký hợp đồng nhận nền để tất toán các khoản nợ còn lại. Thành Hưng vì vậy cũng không thể tiến hành thủ tục làm sổ đỏ từng nền đất riêng lẻ. Bà Vân phân bua thêm, sở dĩ doanh nghiệp chưa trải nhựa hệ thống đường nội bộ vì chưa có ai xây nhà, dân chưa đến ở. “Khi dân lấp đầy thì Thành Hưng sẵn sàng thi công các hạng mục hạ tầng”, bà nói.

Ghi nhận của VnExpress.net tại khu dân cư Thành Hưng, huyện Nhơn trạch, tỉnh Đồng Nai, hiện trạng khu này vẫn chưa trải nhựa đường nội bộ, cũng không có chợ, trường, trạm… Khu dân cư Thành Hưng chỉ là kỳ vọng trong tương lai, còn thực tế khá hoang vắng.

Vũ Lê

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *