Trang chủ » Kỳ họp thứ 7, quốc hội khoá XII: Báo cáo Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội

Kỳ họp thứ 7, quốc hội khoá XII: Báo cáo Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments

Sáng 2/6, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đã thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội về quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.


Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân thay mặt Chính phủ báo cáo trước Quốc hội.

Theo báo cáo này, dự báo đến năm 2020 dân số Hà Nội vào khoảng 7,1 – 7,4 triệu người (hiện nay là trên 6,4 triệu người), tỷ lệ đô thị hóa đạt 64%. Đến năm 2030 khoảng 9 – 9,2 triệu người; đến năm 2050 khoảng 10,8 triệu người. Thủ đô Hà Nội sẽ được xây dựng theo mô hình một đô thị trung tâm làm hạt nhân kết nối với 5 đô thị vệ tinh là Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, phú Xuyên – phú Minh, Sóc Sơn và các thị trấn sinh thái. trục Thăng Long từ hồ Tây (Ba Đình) đến Ba Vì đi qua chuỗi ĐTM và một số công trình kiến trúc văn hóa, lịch sử, giải trí tầm cỡ quốc gia và quốc tế, có đài độc lập và hệ thống công viên cảnh quan… Mạng lưới giao thông công cộng gồm hệ thống xe buýt nhanh, hệ thống 6  tuyến tàu điện ngầm/metro. Xây dựng mới 8 tuyến đường sắt đô thị, kéo dài kết nối trung tâm với các đô thị vệ tinh. Từ đường vành đai 4 trở vào khu vực nội ô chủ yếu sẽ là hệ thống tàu điện ngầm.

Dự kiến, tổng kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung cho cả giai đoạn 2010 – 2030 dự trù khoảng 60 tỷ USD (trong đó quá nửa là đầu tư cho giao thông). Cụ thể, giai đoạn từ nay đến 2020 Hà Nội sẽ đẩy mạnh xây dựng hạ tầng với tổng kinh phí 30,7 tỷ USD (giao thông chiếm 65%); đến năm 2030 kinh phí xây dựng hạ tầng tăng thêm khoảng 28,9 tỷ USD. Đến năm 2050 cần thêm khoảng 29,9 tỷ USD nữa để xây dựng khung hạ tầng kỹ thuật. Để phát triển đô thị và kết cấu hạ tầng, sẽ huy động tối đa nguồn vốn nội lực, chủ yếu từ quỹ đất, tài sản công thuộc sở hữu Nhà nước. Thu hút vốn từ các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Huy động vốn ngân sách Nhà nước, FDI, đặc biệt là vốn ODA để xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung cho giai đoạn 2010 – 2020.


Các đại biểu Quốc hội xem sa bàn quy hoạch Thủ đô Hà Nội.

Hoàn thiện trước khi trình Chính phủ

Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 không phải là văn bản trình Quốc hội quyết định, mà là trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến. Tuy nhiên, do đây là vấn đề lớn, quan trọng, Chính phủ sẽ căn cứ vào ý kiến của các đại biểu Quốc hội chỉ đạo hoàn chỉnh để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bản Đồ án theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị.

trình bày báo cáo ý kiến về quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền cho biết, các ý kiến trong Uỷ ban Kinh tế đều đánh giá cao nội dung bản Đồ án, các ý tưởng, định hướng chiến lược quy hoạch là khá rõ. Cơ quan chủ trì xây dựng Đồ án đã làm việc khẩn trương; nghiêm túc tiếp thu nhiều ý kiến xác đáng trong quá trình hoàn thiện Đồ án. Bản Đồ án đã được tập thể Chính phủ xem xét nhiều lần; đã được lấy ý kiến HĐND Tp Hà Nội, ý kiến của nhân dân, của các nhà khoa học… Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị, do thời gian xây dựng đồ án còn ngắn nên một mặt cần tiếp tục tổ chức tốt việc tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện và nâng cao chất lượng của Đồ án, mặt khác cần tiếp tục đánh giá sâu hơn nữa thực trạng công tác quy hoạch và tình hình thực hiện các quy hoạch đã có (nhất là Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg ngày 20/6/1998), thực trạng kinh tế – xã hội ở các vùng nông thôn của Hà Nội, Hà Tây cũ và các địa giới trước khi sáp nhập, thực trạng môi trường và một số nội dung liên quan khác để có thêm cơ sở cho các định hướng quy hoạch. Hà Nội là Thủ đô của cả nước, với ý nghĩa đó cần cân nhắc để có thể tổ chức giới thiệu, lấy ý kiến của nhân dân ở một số khu vực khác.

Qua thảo luận cho thấy, Đồ án quy hoạch được lập về cơ bản phù hợp với các văn bản pháp lý có liên quan và yêu cầu của Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính Tp Hà Nội và một số tỉnh có liên quan. Tuy nhiên một số ý kiến cho rằng, Đồ án cần thể hiện mối quan hệ hợp lý giữa quy hoạch này với quy hoạch vùng Thủ đô và các quy hoạch đang có hiệu lực thi hành theo hướng kế thừa và phát triển, giảm thiểu xung đột và phủ định các quy hoạch đang được thực hiện bởi các dự án đang được thi công xây dựng, kế thừa thành tựu phát triển kinh tế – xã hội và tiếp tục giải quyết các bất hợp lý để phát triển Thủ đô sau khi được mở rộng, hạn chế những lãng phí không cần thiết do sự xung đột quy hoạch gây ra…

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho biết, trên cơ sở ý kiến đóng góp của các vị đại biểu Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp thu và yêu cầu liên danh tư vấn hoàn thiện quy hoạch trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 8/2010.

tránh lợi dụng, đầu cơ đất

Rất nhiều đại biểu quan tâm đến việc bảo vệ không gian xanh trước áp lực của thị trường BĐS. Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền đề nghị cần tuyên truyền, giải thích để nhân dân nhận thức đúng về định hướng của đồ án, tránh sự xáo trộn về tâm lý. Đồng thời cũng tránh lợi dụng, tạo đột biến về giá đất, về thị trường BĐS. Đặc biệt, cần đề phòng những tác động không đúng đắn của các nhóm lợi ích ảnh hưởng tới các định hướng của đồ án. Theo đại biểu trần Thị Quốc Khánh, vấn đề bảo vệ vành đai xanh của Thủ đô là hết sức quan trọng khi biến đổi khí hậu, vấn đề bảo vệ môi trường đang đặt ra rất cấp bách. Vì đấy là lá phổi, là sự sống của chính chúng ta. Thực tế vành đai xanh trong quy hoạch vẫn là ít chứ không thể nói là quá nhiều. Ở các nước bây giờ người ta đang tính đến việc bảo tồn các không gian xanh và phát triển các đô thị và các vùng sao cho sự cân bằng hài hòa, ít có tác động đến môi trường. Vì đất khi bê tông hóa thì không thể cải tạo được.

Cũng theo ĐB Khánh, thực tế thời gian qua thị trường BĐS đã bị đẩy lên cao. Kể cả cán bộ công chức trong số đó rất nhiều người không có nhiều tiền nhưng vẫn tranh thủ mua để bán lại. Điều đó làm cho xã hội bất ổn. Vừa rồi Bộ Xây dựng cũng đã đưa ra liều thuốc giảm nhiệt, động thái đó bắt khá trúng bức xúc của nhân dân. Tuy nhiên việc không cần cấp sổ đỏ vẫn mua bán trao tay cần phải nghiên cứu để có biện pháp và Chính phủ cũng phải có giải pháp, mỗi đại biểu cũng phải nghiên cứu thêm để hiến kế cho Chính phủ.

Nhiều đại biểu cho rằng Chính phủ phải có định hướng, kiểm soát việc mua bán để đưa về bản chất của nó. Nếu cứ để mua bán trao tay như hiện nay thì sẽ là quốc nạn. Người cần nơi ở thực sự thì không có đất ở, nhà ở vì không tiếp cận được. ĐB phạm Thị Loan băn khoăn: Dù quy hoạch như thế nào thì mục tiêu phải làm giảm giá đất chứ không thể làm tăng lên như hiện nay vì người đi mua có nhu cầu thực sự rất ít nên chưa đúng thực chất của thị trường. Bình quân nhà ở hiện nay không phải thiếu, nhiều các khu xây ra để đấy không có người ở nhưng giá thì lại quá cao. ĐB Loan kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt kiểm soát về giá đất và buôn bán đất còn nhân dân hãy bình tĩnh, tỉnh táo để mua đất chứ không nên chạy theo giá đất. Vì bong bóng chắc chắn một lúc nào đó sẽ xì hơi trở về với giá trị thực của nó.

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.