Bếp đứng – bếp ngồi

 

“mẹ ta chỉ có bếp ngồi. lửa rơm khói rạ một đời lấm lem”

bây giờ:
vợ ta khe khẽ hát gì…
chờ nồi cơm điện tắt thì: anh ơi!
bàn quen, ghế cũng quen rồi.
ngoài kia mưa cứ mưa rơi cho tình…

bếp đứng – bếp ngồi

1. bếp ngồi…

nhà nghèo như không thể nghèo hơn. gian bếp lúc nào cũng tối, phía sau cùng của ngôi nhà lá, nền đất nện. một cái chạn cũ, lưới rách phải dán những miếng băng keo để gián, thằn lằn không chui vào. góc bếp tối nấu bằng củi, rơm rạ nếu có (không xài than vì đắt). chỗ mẹ tôi thường ngồi xổm trên chiếc ghế con, mặt gỗ bóng lên vì thời gian.

bếp ngồi thường là bếp nhà nghèo cho dù không ở thôn quê. nấu cơm – ngồi, nấu nước tắm – ngồi, nướng khoai – ngồi. ăn cơm chỉ cần xoay lưng lại đặt một chiếc mâm nhôm hay mâm tre vậy là xúm xít. nhưng căn bếp tối luôn ủ hồng tro than âm ỉ. những ngày mưa sụt sùi đi học về quăng ngay cái cặp nhảy vào bếp ngồi hong tay, hơ lửa cho ấm áp, que củi cời cời cho lửa rực thêm chút và đột nhiên muốn nhảy cỡn lên vì phát hiện vài củ khoai lang, khoai mì mẹ vùi sẵn vào đó thầm bảo “của con đấy, ăn đi…”. những ngày thơ ấu – căn bếp nghèo nàn lại là nơi ấm áp, nơi kiêm luôn phòng ăn (làm gì có phòng ăn) hong tay, hơ áo mùa mưa cũng ở đây, cơm ngày hai buổi cũng ở đây….

…. và bóng mẹ luôn ở đây, âm thầm hắt bóng mình lên vách trong ánh lửa giữa đêm một mình ngồi im lặng, thảng hoặc nghe khe khẽ thở dài như sương phụ đêm đông “ai lướt đi ngoài sương gió… không dừng chân đến em bẽ bàng…”

bếp ngồi – bếp nghèo – mẹ nghèo vậy mà nuôi ta giàu có – thứ “của cải” tâm hồn. nhớ mẹ biết chừng nào…

2. bếp đứng…

bây giờ nhà bếp khang trang, tủ đựng chén bát, ngăn đựng ớt, tỏi, hành tiêu. chỗ rửa chén vòi nước bóng loáng, dàn bếp gas âm dưới mặt bàn nấu. tủ lạnh gần đấy và sau lưng là chiếc bàn ăn xinh xắn. ngọn đèn chụp thả xuống từ trần bếp. những bà vợ bây giờ nấu cơm chẳng còn thấy ngồi, chỉ loay hoay đi đứng, loay hoay bên này bên nọ, đi lại, ít thở dài chỉ nghe khe khẽ hát. bếp quê vẫn ngồi nhưng bếp thị thành chẳng thấy ai ngồi nữa. một nếp sống khác đã dần hiện diện, thay thế với tiện nghi đi kèm. bây giờ thương vợ càng nhớ mẹ già ngày xưa… ngày xưa, kể cả lúc mẹ chưa già cũng luôn lấm lem, lam lũ tro than đến nỗi cứ nghĩ một đời người phụ nữ là phải lấm lem như thế mới là mẹ, là vợ… thương lắm!

bài: đỗ trung quân
ảnh: aq-vp

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *