Cà phê một nét Sài Gòn


Cả ba ông nhà văn đều cho rằng, đi uống cà phê là một nét sinh hoạt rất riêng của Sài Gòn, mặc dù quán cà phê thì tất cả các thành thị lớn nhỏ trong nước đều có


Nhà văn Trung Trung Đỉnh cho biết, thời chiến tranh ông có mười mấy năm chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. Sau 30.4.1975 ông lên Buôn Ma Thuột và sống ở đó hơn năm. Ở cái “thủ đô” cà phê ấy người ta cũng không có cách “sinh hoạt cà phê” như ở Sài Gòn, không có cái kiểu sáng ra thì đàn ông trai tráng rủ nhau ra quán cà phê. Cà phê lề đường là cà phê mang không khí Sài Gòn. Ở đó, có đủ hạng người và dù lần đầu mới gặp mà cứ ngỡ như ai cũng quen nhau. Thường thấy là mỗi người ngồi trước ly cà phê đá, với tờ báo trên tay. Họ thông tin rồi trò chuyện với nhau về những điều mới lạ vừa đọc trên báo. Trò chuyện rất bình đẳng và sôi nổi. Cho dù chốc sau, một anh bước ra quán và lên xe hơi đời mới, còn anh đối diện thì leo lên đạp xích lô.


Nhà văn Phạm Ngọc Tiến, một người khí chất mạnh mẽ, đi liên miên, viết nhiều và nhậu cũng rất mạnh thì tuyên bố dứt khoát mình không phải là “công dân cà phê”. Ông Tiến cho biết, cả đời sống ở Hà Nội nhưng chưa bao giờ có ý muốn bước chân vào một quán cà phê nào, nếu không vì sự lôi kéo của bạn bè. Nhưng ở nhà thì thỉnh thoảng ông cũng pha cho mình tách cà phê, và luôn phải là cà phê rất ngon. Ông Tiến nhận xét, quán cà phê Sài Gòn là nơi hẹn hò, là chỗ ngồi thư giãn hơn là một chốn thưởng thức ẩm thực. Vì theo ông thì gu uống cà phê của dân Sài Gòn khá dễ tính, gọi nhau tới một quán cà phê thì họ chọn một chỗ ngồi là trước hết và cà phê Sài Gòn sự ngon cũng vào loại thường thường bậc trung. Khoái một chuyện là giữa thành phố mênh mông và ồn ào này người ta dễ dàng gặp nhau tại một địa chỉ cà phê nào đó. Những điểm cà phê ấy, tự nó cũng tụ tập khách theo “nhóm nghề nghiệp”. Cà phê điện ảnh ở Lê Quý Đôn, cà phê văn chương ở 81 Trần Quốc Thảo, cà phê cải lương trước rạp Hưng Đạo v.v…


Nhà văn Bảo Ninh theo cánh quân vào Sài Gòn từ hướng Củ Chi trong ngày 30.4.1975. Ông kể lại là mình hết sức ngạc nhiên trong buổi sáng ấy, khi vào đến ngã tư Bảy Hiền, trong khi đạn pháo vẫn còn nổ đùng đùng ở hướng sân bay Tân Sơn Nhất, thế mà các quán cà phê ở đây vẫn đông đúc, khách uống vẫn nói cười vui vẻ, còn gọi: “Anh bộ đội ơi, vô uống cà phê chơi!”. Và ngay từ ngày ấy, ông đã có nhận xét sắc sảo về nét khác nhau giữa cà phê Hà Nội và cà phê Sài Gòn. Hà Nội, cà phê thường nằm trong ngõ sâu, nhà kín, người uống cà phê thường quay lưng ra đường. Sài Gòn thì cà phê tràn ra vỉa hè, không cần phải mất công, cứ dừng ở một ngả đường, chỉ cần nhìn quanh, chí ít cũng thấy ngay một quán cà phê. Và, dân Sài Gòn khi uống cà phê luôn chọn chỗ ngồi quay mặt ra đường.


Cách đây mấy hôm, tình cờ cả ba ông nhà văn này cùng có mặt ở Sài Gòn và muốn hẹn đi nhậu với tôi. Cuộc hẹn gặp rốt cuộc cũng không phải tại một quán nhậu mà lại là một quán cà phê, để nhất trí địa điểm sẽ tới nhậu. Nể bạn, tôi hẹn đến quán Sỏi Đá, thuộc nhóm cà phê sang trọng, hơi đắt tiền dù cái ngon thì mỗi người mỗi ý. Phạm Ngọc Tiến la lớn trong điện thoại khi còn ở sân bay rằng, kiếm một cái quán lề đường kia, phải là quán lề đường thì mới là cà phê Sài Gòn chứ cà phê máy lạnh thì nơi nào mà chẳng có.


Bài: Nguyễn Trọng Tín
Ảnh: A.Q















Cà phê một nét Sài Gòn Cà phê một nét Sài Gòn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *