Trên công trường xây dựng cầu Cần Thơ










Trở lại công trình xây dựng cầu Cần Thơ sau hơn 1 năm xảy ra sự cố sập 2 nhịp dẫn, mặc dù đã giáp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu nhưng không khí lao động trên công trình vẫn rất sôi động, đặc biệt là ở gói thầu số 2 thi công cầu chính, cầu dẫn bắc qua sông Hậu, có chiều dài 2,75km. Trong đó cầu chính dây văng là 1,1km do liên doanh nhà thầu Nhật Bản Taisei – Kajima – Nippon Steel (TKN) đảm trách.




Sau sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ (gói thầu 2), dự án cầu Cần Thơ đã thi công trở lại từ tháng 9/2008. Ông Ariyoshi Makimoto, Giám đốc dự án cầu Cần Thơ cho biết: Tiến độ của gói thầu số 2 do liên danh nhà thầu TKN thi công đã đạt 75%; sàn mặt cầu chỉ còn khoảng 350m nữa là hai bờ Nam và Bắc sông Hậu sẽ được nối liền. Lực lượng kỹ sư và công nhân của các nhà thầu đang nỗ lực làm việc để cuối năm 2009 hợp long cầu và đầu năm 2010 sẽ bàn giao cho Việt Nam để đưa vào sử dụng. Trên công trường, liên danh TKN đang có 150 cán bộ quản lý, chuyên gia và 700 công nhân, kỹ sư đang hối hả làm việc, người nào việc nấy, tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc, quy định về an toàn lao động. Ngay trên mặt cầu, ông Yukiharu Wada – Giám đốc an toàn của liên danh TKN cho chúng tôi biết: Kỹ sư và công nhân làm việc trên công trình xây dựng cầu Cần Thơ phải tuân thủ nhiều quy định về an toàn lao động nhưng đặc biệt phải thực hiện rất nghiêm ngặt về an toàn trang thiết bị và an toàn khi làm việc. Mỗi công nhân, kỹ sư lên mặt cầu bắt buộc phải có thiết bị an toàn bên mình. Sau sự cố đau lòng năm 2007 trên công trường, nay cả nhà thầu, tư vấn giám sát, kỹ sư, công nhân làm việc ở mặt đất, trên giàn giáo hay trên mặt sàn cầu đều đặt tiêu chí an toàn lao động lên trên hết.



Anh Nguyễn Văn Tân, kỹ sư cầu quê tận Bắc Giang cho biết: Anh đang làm việc cho Cty VSL (một nhà thầu phụ của TKN). Hiện Cty VSL có 80 kỹ sư và công nhân đang làm việc tại đây. Giữa cái nắng chói chang của phương Nam, các công nhân cầu đang miệt mài lắp cốt thép cho đốt đúc thứ 29 của dầm chính trên trụ tháp phía bờ Bắc. Mỗi đốt đúc dài 4m. Mỗi trụ tháp có 70 đốt đúc như vậy. Cty có lương tháng 13, có thưởng Tết, có hỗ trợ tiền tàu xe cho công nhân quê ở xa về nghỉ Tết từ ngày 30 tháng Chạp đến hết ngày mồng 4 Tết.



Phía dưới, nơi 2 trụ P14, P15 bị sự cố trong tháng 9/2007, nay đang được thi công lại đúng như thiết kế ban đầu nhưng nền móng được mở rộng, thêm 2 cọc để đảm bảo an toàn. Những xe máy, cần cẩu, xe cẩu thùng… và những tốp công nhân, kỹ sư người Nhật, người Việt, Philippin đang sát cánh bên nhau làm việc, tạo không khí sôi động trên một công trường lớn.



Trong những ngày giáp Tết, ông Trương Văn Sáu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đã đến thăm Nhà thầu TKN, chúc Tết những người thợ cầu Việt Nam đang được vinh dự làm việc trên công trình cầu Cần Thơ – công trình trọng điểm quốc gia bắc qua sông Hậu. Đây cũng là công trình lớn nhất khu vực được nhân dân mong đợi. Đặc biệt, với người dân miền Tây Nam Bộ, cầu Cần Thơ có ý nghĩa, tầm quan trọng rất lớn trong việc phát triển của khu vực. Tết cổ truyền của Việt Nam, kỹ sư và công nhân sẽ được nghỉ Tết từ ngày 30 đến hết ngày mùng 3. Riêng các cán bộ quản lý và đội ngũ chuyên gia sẽ trực và tiếp tục làm việc trên công trường để đảm bảo tiến độ.



Dự án cầu Cần Thơ có chiều dài 15,85km, là tuyến đường tránh QL1A vượt qua sông Hậu. Điểm đầu của công trình này là Km2.061 – QL1A (thuộc huyện Bình Minh, Vĩnh Long), vượt sông Hậu đến điểm cuối là Km2.077 (thuộc quận Cái Răng, TP Cần Thơ). Dự án cầu Cần Thơ được chia làm 3 gói thầu: Gói thầu 1 (đường dẫn vào cầu Cần Thơ phía Vĩnh Long), có chiều dài 5,41km, do liên doanh giữa TCty Xây dựng Thăng Long, Cienco 6 và Cienco 8 đảm trách thi công; gói thầu 2 (là cầu chính và cầu dẫn qua sông Hậu), có chiều dài 2,75km (trong đó cầu chính dây văng là 1,1km, do liên doanh nhà thầu Nhật Bản Taisei – Kajima – Nippon Steel (TKN) đảm trách; gói thầu 3 (đường dẫn vào cầu Cần Thơ phía Nam), có chiều dài 7,69km, do TCty Xây dựng Trung Quốc đảm trách.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *