Nâng cánh đất chín rồng










Với tổng chiều dài 61,8km (39,8km cao tốc và 22km tuyến nối), đường cao tốc Sài Gòn – Trung Lương qua địa bàn TP.HCM, Long An và Tiền Giang đang dần thành hiện thực nối TP.HCM với đất chín rồng.

Nâng cánh đất chín rồng
Thời gian từ TP.HCM đến Tiền Giang sẽ được rút ngắn 1/3.



Với giao thông ĐBSCL, QL1A là con đường huyết mạch nối với TP.HCM, còn đường cao tốc Sài Gòn – Trung Lương có ý nghĩa to lớn về kinh tế cũng như giải quyết bài toán ùn tắc giao thông. Khi hoàn thành đây sẽ là đường cao tốc đầu tiên ở Việt Nam, trên suốt tuyến sẽ không có các điểm giao cắt và chỉ dành cho ôtô. Thời gian từ TP.HCM đến Tiền Giang sẽ được rút ngắn 1/3, còn khoảng 30 phút so với hiện nay.



Suốt 40km đường cao tốc này chạy qua các xã, huyện của Bình Chánh, Long An, Tiền Giang là hàng trăm lán trại, xe máy, thiết bị, trạm trộn, tất cả phải có báo cáo đầy đủ về tình trạng hàng tuần cho tư vấn QCI và PMU Mỹ Thuận. CIENCO 6 – một TCty có tiếng hàng đầu về xây dựng công trình phía Nam rất tâm huyết với dự án này ngay từ giai đoạn tiền khả thi – đã huy động toàn lực thiết bị để hoàn tất phần cọc khoan nhồi cầu cạn, tham gia làm cả phần đường, cầu cạn và nút giao với giá trị lên đến 404,1 tỷ đồng (giá chưa điều chỉnh).



Ấn tượng hơn cả chính là Cty CP bê tông 620 Châu Thới, trong tổng số 4.065 phiến dầm Super-T cho hơn 14km cầu cạn thì Cty này đảm trách luôn cả sản xuất và lao lắp 2/3 số lượng dầm (2.254 dầm). Ông Nguyễn Hùng – Tổng giám đốc cho rằng: “Với số lượng dầm lớn như vậy chúng tôi không thể chuyên chở từ nhà máy ở Bình Dương xuống dự án vì như vậy sẽ tăng chi phí và không đảm bảo độ an toàn cũng như nhiều khó khăn khác dọc đường. Vì thế, sau khi hoàn thành cầu Mỹ Thuận, Cty đã nghĩ đến cầu Cần Thơ và đã chuẩn bị ngay một nhà máy ở gần khu vực này: Cty CP bê tông 620 – Bình Minh (Vĩnh Long) ra đời, đáp ứng ngay nhu cầu bê tông tươi và dầm bê tông quy chuẩn cho cầu Cần Thơ, từ đây dầm được vận chuyển bằng đường thuỷ đến Bến Tre phục vụ cầu Rạch Miễu. Do vậy tại An Thạnh – Bến Lức – Long An, Cty cũng mở một chi nhánh  nằm sát sông Vàm Cỏ, với 14 bệ đúc, trung bình mỗi tháng cho ra lò 90 dầm Super-T với chất lượng đồng đều”.

Nâng cánh đất chín rồng
Đường cao tốc Sài Gòn – Trung Lương đang được hoàn thành.



Không thua kém đơn vị bạn, TCty Thăng Long thuê luôn bãi đúc dầm trong KCN Bến Lức, mỗi ngày cho ra 2 dầm Super-T, là đơn vị tự sản xuất và lao dầm cho gói thầu cầu cạn của mình, sản lượng đáng nể, hoàn tất 13 nhịp cầu cạn, đổ bê tông lớp mặt hoàn chỉnh.



Để làm việc không ngừng nghỉ, đáp ứng nhu cầu cao nhất của công trường, gần như toàn bộ anh em công nhân phải căng ra làm ngày, làm đêm. Theo BQL DA Mỹ Thuận, 40km đường cao tốc từ TP.HCM đi Trung Lương (Tiền Giang) hiện có 117 mũi thi công của 67 đơn vị thành viên. Công trường được huy động 420 đầu thiết bị đặc biệt, 50 giàn khoan cọc nhồi, 30 thiết bị thi công cọc cát với gần 400 kỹ sư và hơn 2.000 công nhân kỹ thuật đang khẩn trương hoàn thành từng hạng mục. Theo các cán bộ  kỹ thuật trên công trường, việc thi công tuyến đường này khá nan giải vì cùng lúc dùng một lượng cát quy chuẩn cao nên khó khăn do nguồn cung yếu. Thêm nữa, mặt bằng khu vực TP.HCM dạng “xôi đỗ” nên rất khó khăn cho thi công, trong khi TP.HCM cũng có nhiều dự án lớn đồng loạt triển khai nên tìm đất bố trí tái định cư rất nan giải. Dự án này đi qua khu vực có nền địa chất yếu nên giải pháp kỹ thuật cần mất nhiều thời gian gia tải từ 6 – 10 tháng, việc này ít nhiều ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.



Xuân này, những người thợ vẫn bám công trường, bám mặt đường trong cái nắng phơn phớt của Nam bộ.







Một dự án quy mô và ý nghĩa


 



– Đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương được thiết kế đạt tiêu chuẩn quốc tế, với vận tốc 120km/h. Khi hoàn thành sẽ có tám làn xe hiện đại (dành hai làn đường để dừng xe khẩn cấp, lánh nạn), đáp ứng nhu cầu vận tải đến năm 2025. Trong giai đoạn 1, xây dựng tuyến đường bốn làn xe và dành sẵn đất ở hai bên để trồng cây, rào chắn, nhằm phát triển các giai đoạn sau. Tổng chiều dài gần 65km, gồm hệ thống đường cao tốc (khoảng 40km) và tuyến đường nối. Điểm đầu tuyến đường cao tốc là nút giao Chợ Đệm (tại xã Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM), điểm cuối là nút giao Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành, Tiền Giang).


 


– Có 17 đơn vị cấp TCty được chỉ định thầu (trong đó 67 đơn vị thành viên) phải đào đắp hơn 9,22 triệu m3 (đất, cát, đá), khoan hơn 5.000 cọc khoan nhồi làm cầu cạn, cầu vượt sông.


 


Dự án cần huy động: Hơn 600 nghìn tấn xi măng, 250 nghìn tấn thép, 55 nghìn tấn nhựa đường, hơn 6,89 triệu m3 cát, 500 nghìn m3 đá, 920 nghìn m2 vải địa kỹ thuật…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *