TP.HCM: Tết đến, dân vẫn “khát” nước sạch





 – Người dân tại TP.HCM đang lo lắng trước cơn “khát” nước sạch trong dịp Tết Nguyên đán. Ở những khu vực nước yếu, người dân phải thức khuya để canh từng giọt nước hoặc phải mua lại nước từ thương lái với giá cao ngất ngưởng.

Thức khuya canh từng giọt nước


Mấy ngày nay, chị Thu Huyền (đường Dương Bá Trạc, P.1, Q.8) phải thức dậy thật sớm để canh nước. Nước yếu, cử rỉ rỉ từng giọt một làm sốt ruột người canh. “Bao nhiêu năm nay, người dân ở đây vẫn phải chịu cực như vậy. Đâu chỉ mỗi mình tôi” – chị Huyền cho biết. 







TP.HCM: Tết đến, dân vẫn khát nước sạch
Chắt chiu từng can nước sạch. Ảnh: Thái Phương

Dù chỉ cách trung tâm thành phố chưa đầy chục km nhưng người dân ở khu phố 5, phường Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức) vẫn chưa có nước máy để dùng. Sinh hoạt, tắm giặt hàng ngày của hàng trăm hộ dân chỉ trông chờ vào hai bồn đựng nước lớn dựng giữa khu phố.


Thế nhưng mỗi ngày chỉ có 3 chuyến xe của công ty cấp nước chở nước đến bơm vào đây. “Ai nhanh chân thì còn, chậm chân là hết nên nhà nào cũng dự trữ lu, chậu, thùng phi… đựng nước sạch” – chị Đỗ Uyên Lan nói. 

Chị Lan nói thêm: “Hàng ngày, cứ khoảng 8h- 9h nhà nào cũng cử người đi canh mua nước để sẵn vì khoảng 14h chiều trở đi, hai bồn chứa đều cạn sạch nước”. Người dân khu phố 5 phải mua nước sạch với giá 17.000 đồng/m3, đắt hơn 6 lần so với giá nước thông thường.


 







TP.HCM: Tết đến, dân vẫn khát nước sạch

Hàng trăm hộ dân chỉ trông chờ vào 2 bồn chứa nước. Ảnh: Thái Phương.


Chị Vân, nhà ở đường số 3 cho biết, mỗi ngày, chị chỉ mua khoảng 2 thùng để phục vụ cho nhu cầu tối thiểu: nấu ăn và uống. Còn lại, mọi sinh hoạt trong gia đình đều dùng nước giếng khoan nhưng phải lọc vì nước nhiễm phèn.


“Nhà nào nước phèn nặng không thể lọc phải mua nước máy để giặt giũ. Vì chiếc áo trắng tinh chỉ qua hai lần giặt bằng nước giếng đã hóa thành màu… đất. Còn nếu dùng để tắm, con gái da trắng cũng thành da ngăm” – anh Trung, chạy xe ôm nói vui.


Không chỉ người dân ở phường Hiệp Bình Phước phải bấm bụng dùng nước ô nhiễm, hàng nghìn người dân ở phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) dùng cả nước ngầm chứa nhiều chất hữu cơ từ nghĩa địa Bình Hưng Hòa ngấm vào đất.


Ông Huỳnh Văn Ngọ nhà ở cách nghĩa địa chừng vài trăm mét cho biết: “Người dẫn đã kêu cứu rất nhiều lần. Sau đó, ngành y tế có cử cán bộ xuống khảo sát nguy cơ bị ung thư của người dân quanh khu vực nghĩa địa. Kết quả khảo sát ghi nhận tình trạng ô nhiễm nước ngầm là có thật. Thế nhưng, đến tận bây giờ, người dân vẫn phải sử dụng nước ngầm ô nhiễm hoặc phải mua lại nước sạch của thương lái với giá mắc gấp 10 lần”.


“Điệp khúc” thiếu nước sạch


Tết đã đến sau lưng, nhưng hàng ngàn hộ dân ở xã Hiệp Phước, Long Thới, Nhơn Đức, Phước Lộc, Phước Kiển (huyện Nhà Bè) chạy đôn chạy đáo lo nước sạch. Ở những xã này, gần 10 năm nay vẫn chưa được lắp đặt tuyến ống cấp nước.


Việc cung cấp nước sạch cho người dân phải trông chờ vào xe bồn bơm nước đổ đầy 126 bồn chứa. Thế nhưng, theo Công ty Dịch vụ công ích huyện Nhà Bè, do áp lực lực nước yếu và thiếu trụ cấp nước cho xe bồn nên khối lượng nước xe bồn nhận được hàng ngày chỉ đạt khoảng 50,4% yêu cầu nước sạch của người dân (120-150m3).


Theo yêu cầu của UBND TP.HCM, Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (SAWACO) cần phối hợp với Công ty cổ phần cấp nước Nhà Bè lắp đặt đường ống dẫn nước cho người dân. Thế nhưng, đến tận bây giờ kế hoạch cũng chỉ mới nằm trên giấy.


 








Hàng ngày, nhiều người dân tại HCM vẫn đi mua nước với giá cao về uống. Ảnh: Thái Phương


Cũng theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, trước Tết Nguyên đán, chủ đầu tư và đơn vị thi công dự án nhà máy nước BOO Thủ Đức phải kịp thời cung cấp 100.000m3 nước/ngày đêm cho hàng chục ngàn hộ dân ở Q.7, 8, huyện Nhà Bè… Nhưng theo ông Trương Khắc Hoành, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BOO nước Thủ Đức: đành lỡ hẹn với người dân.


Ông Hoành cho biết, nhà máy nước đã xong hơn 1 năm nay, nhưng một đoạn đường ống dẫn nước dài khoảng 7km chưa hoàn thành do nhà thầu của dự án này (đã bị cắt hợp đồng vì thi công “rùa”) không đồng ý giao đường ống cho chủ đầu tư. Đây là loại ống có đường kính 15.000mm, được quấn bằng loại thép đặc biệt nên rất khó kiếm ở thị trường trong nước. Ông Hoành nói, nếu muốn có loại đường ống này, phải sau Tết mới có thể tìm mua.


Theo SAWCO, vào dịp cuối năm, tình hình cấp nước cho một số khu vực tại TP.HCM chưa đáp ứng yêu cầu của người dân. Đặc biệt, ở những khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng nước yếu như phường 3, 4, 15 (Q.10), phường Tam Bình (quận Thủ Đức), một số phường ở Q.8, Q.7…


Như vậy, Tết này vẫn giống năm nao: hàng trăm ngàn người dân đâu đó tại TP.HCM tiếp tục “khát” nước sạch.




  • Trần Duy – Thái Phương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *