– Gần 1.000 năm tuổi, lần đầu tiên qui hoạch chung xây dựng 2 huyện của Hà Nội là Thanh Trì và Gia Lâm tỉ lệ 1/5000 vừa được UBND TP phê duyệt. Như vậy, vẫn còn phải chờ một thời gian nữa mới có qui hoạch “kỹ càng” hơn (tỉ lệ 1/2000) cho những khu vực ngoại thành này… Với các qui hoạch chung vừa được UBND TP Hà Nội phê duyệt, tương lai Thanh Trì và Gia Lâm cùng giống nhau ở điểm sẽ phát triển thành khu vực tập trung đầu mối giao thông và hạ tầng kỹ thuật của quốc gia cũng như Thủ đô, nhưng Gia Lâm “gánh” trách nhiệm nhiều hơn về vấn đề thoát nước… Là huyện ngoại thành phía Nam Hà Nội, theo định hướng qui hoạch chung Thủ đô – Thanh Trì sẽ là khu vực phát triển đô thị cũng như các cơ sở công nghiệp qui mô nhỏ và vừa, các trung tâm dịch vụ, thương mại, đào tạo của thành phố… Cùng với đó, Thanh Trì còn được hoạch định thành một khu vực tạo vành đai công viên, cây xanh sinh thái và nông nghiệp chất lượng cao cho Thủ đô.
Vì vậy, ngoài khu vực phát triển đô thị lớn là trung tâm hành chính, chính trị của huyện, qui hoạch vừa ra đời còn tổ chức các điểm dân cư khác theo mô hình có các hạt nhân đô thị hóa phát triển phù hợp với quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nhằm hạn chế tập trung quá đông dân cư vào một khu vực. Vấn đề phát triển không gian và sử dụng đất tại huyện Thanh Trì được qui hoạch mới phân chia làm 2 khu vực: phát triển đô thị và ngoài đô thị. Với tổng diện tích toàn huyện là 6.292,73ha, khu vực phát triển đô thị sẽ là 2.870ha gồm khu trung tâm, hệ thống thương mại – dịch vụ – y tế – giáo dục, khu công viên cây xanh – thể dục thể thao, khu dân cư, khu công nghiệp – cơ sở sản xuất…; khu vực ngoài đô thị gồm 1.161,1ha ngoài đê sông Hồng và 2.261,63ha trong đê.
Thời gian tới, huyện này sẽ “đón” các tuyến đường sắt đô thị đi qua, như: tuyến Yên Viên – Ngọc Hồi, tuyến Hà Nội – Hà Đông… và cả buýt nhanh BRT. Với Gia Lâm, qui hoạch chung xác định huyện này vừa là khu vực phát triển đô thị phía Đông Thủ đô, vừa là khu vực nông nghiệp, nông thôn ngoại thành Hà Nội, có vai trò vành đai xanh cung cấp thực phẩm, đồng thời là nguồn đất dự trữ của thành phố. Qui hoạch chung vừa được phê duyệt đã định hướng phát triển các khu đô thị, điểm dân cư nông thôn tại Gia Lâm cũng như tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan chung cho các khu trung tâm, cửa ngõ đô thị, các tuyến phố chính, các di tích lịch sử – văn hóa, không gian cây xanh – mặt nước tại đây… Qui hoạch tổng thể Hà Nội định hướng phát triển không gian huyện Gia Lâm cơ bản thành 2 khu vực Bắc Đuống và Nam Đuống gắn với các trục giao thông chính (đồng thời là các hướng phát triển mở rộng của Thủ đô ra các vùng phụ cận): trục Cầu Đuống – Yên Viên – Đình Bảng (nối Hà Nội với Bắc Ninh), trục Trâu Quỳ – Như Quỳnh (dọc theo đường 5), trục Hà Nội – Hưng Yên (tại phía đông và nam)… Khu vực đô thị tại Gia Lâm có tổng diện tích khoảng 4.876,58ha và khu vực ngoài đô thị là 6.596,41ha. Qui hoạch mới phân định khu vực phát triển đô thị tại huyện này sẽ là 3.107,07ha gồm các khu đô thị Yên Viên, Tây Bắc Yên Viên, Đông Nam Yên Viên, Trâu Quỳ… và các công viên đô thị, các cụm công nghiệp nằm ngoài các khu đô thị. Bên cạnh đó, khu vực dự kiến phát triển đô thị của Gia Lâm theo qui hoạch vừa phê duyệt có tổng diện tích 1.769,51ha gồm khu phía nam cụm công nghiệp Ninh Hiệp, phía bắc công viên Phù Đổng, đô thị Lệ Chi – Kim Sơn (cụm công nghiệp Hapro) và dọc đường Hà Nội – Hưng Yên, đường 5…
|