TTO – Đền thờ Vua Quang Trung nằm trên đỉnh núi Dũng Quyết, cách trung tâm thành phố Vinh chừng 5 km, nơi được xem là đất tứ linh nhìn về dòng Lam Giang trong xanh. Đây là công trình tôn vinh vị Anh hùng áo vải nhân kỷ niệm 220 năm dựng thành Phượng Hoàng Trung Đô.
Vào năm Mậu Tý (1788), Nguyễn Huệ đã xuống chiếu giao cho Trấn thủ Nguyễn Thận và La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp tổ chức xây dựng thành Phượng Hoàng Trung Đô ở giữa vùng núi Dũng Quyết và Núi Kỳ Lân. Và trên mảnh đất “hình thế rộng rãi, khí tượng tươi sáng” đã được chọn năm xưa, Đền thờ Vua Quang Trung được dựng nên thỏa ý nguyện của nhân dân tôn vinh người anh hùng áo vải của dân tộc.
Đứng trên đỉnh núi Quyết, chúng ta có thể phóng tầm mắt ra bốn hướng: hướng tây có Kim Liên – Nam Đàn; hướng đông có khu du lịch biển Cửa Lò; hướng nam có núi Hồng – sông Lam; phía Bắc là toàn cảnh thành phố Vinh.
Toàn cảnh ngôi đền |
Toàn bộ ngôi đền được làm bằng gỗ lim. Lối đi, bó vỉa, sân đền được lát đá Thanh Hóa tạo nên vẻ uy nghi, hiện đại nhưng không kém phần cổ kính. Hệ thống vì kèo kết cấu của đền kiểu giá chiêng chồng rường, chạm khắc họa tiết theo phong cách thời Nguyễn. Mái lợp ngói mũi hài, gồm hai lớp: ngói chiếu, ngói cót, nền được lát gạch bát tràng kiểu cổ phục chế từ Hà Tây. Tường xây gạch bát, cửa đi, cửa sổ kiểu bức màn thượng song hạ bản…
Đền có hai lối ra vào ở hai bên, chính giữa là nghi môn ngoại (Nghi môn tứ trụ) được thiết kế kiến trúc kiểu 2 tầng 8 mái theo Dịch học.
Nghi môn |
Tiếp đó là bình phong tứ trụ được dựng ngay trên trục chính đạo, được làm bằng đá chạm trổ rất công phu và đẹp. Hai bên bình phong khắc triện gấm, ở giữa là cuốn thư, trung tâm có hai chữ Thọ Đế. Phía trên nữa là hình rồng chầu mặt nguyệt. Dưới cùng là chân quỳ dạ cá, chạm hổ phù. Hai bên có hai con nghê đứng chầu, tượng trưng cho vai trò người bảo vệ kiểm soát linh hồn người ra vào.
Bình phong với con nghê đứng chầu và cánh khắc phù điêu hình chữ Vạn |
Qua bình phong tứ trụ là hai nhà bia ngoảnh mặt vào nhau song song với trục chính đạo. Nhà bia phía bên trái khắc bài “Công trạng vua Quang Trung”, nhà bia bên phải khắc bài “Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về Quang Trung”. Nối tiếp là nhà tả vu, hữu vu.
Bia dẫn tích ghi công trạng vua Quang Trung |
Qua khu vực này là nhà bái đường rộng lớn còn gọi là tiền đường, nơi để sửa soạn lễ, chỉnh trang trước khi hành lễ. Nhà Tiền đường có thể được xem là trung tâm của ngôi đền được thiết kế theo lối kiến thúc dân gian Việt Nam gồm ba gian hai chái, với bốn hàng cột.
Các khu nhà hậu đường, nghi môn đều có kiến trúc hai tầng, tám mái, các đỉnh, góc mái chạm hình rồng phượng uốn cong tạo nên thế uy nghiêm. Theo luật phong thủy, việc bố trí như vậy để ngăn cản những tà khí…
Nhà Tiền đường và một góc nhà Hữu vu |
Đứng trên đỉnh núi Quyết trong khí trời se lạnh, sương chiều buông xuống phủ màu sương trắng bồng bềnh bao phủ cả một vùng sông núi như một bức tranh thủy mặc. Không khí trong lành như là nơi hội tụ, gặp gỡ của núi cao, sông rộng, của hiện tại và lịch sử hào hùng. Với lối kiến trúc uy nghi, bề thế, là công trình mang tính đặc thù văn hóa – tâm linh, đền thờ vua Quang Trung sẽ là một điểm du lịch kỳ thú, hấp dẫn cho du khách bốn phương.
Bài, ảnh: ĐẠT NGUYÊN