Ngày 29/1, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế, ông Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: Chương trình trọng điểm phát triển đô thị của tỉnh trong năm 2009 là nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý xây dựng theo quy hoạch; tăng cường quản lý trật tự, kỷ cương đô thị. Tỉnh tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo thực hiện các dự án trọng điểm như quy hoạch chung xây dựng thành phố Huế, thị trấn Tứ Hạ; mở rộng thị trấn Phú Bài theo tiêu chuẩn đô thị loại 4, triển khai thủ tục thành lập thị xã Hương Thủy…đúng tiến độ. Năm 2009, Thừa Thiên-Huế phấn đấu hoàn thành phương án kiến trúc và dự án cầu qua sông Hương; hoàn thành thi công cầu qua sông An Cựu. Tỉnh tập trung xây dựng hạ tầng khu tái định cư dân vạn đò; chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án tại khu A – Đô thị mới An Vân Dương, dự án cải thiện môi trường nước thành phố Huế. Riêng dự án xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Huế có tổng mức đầu tư hơn 24 tỉ yên Nhật (tương đương 3.560 tỉ đồng), bao gồm các hạng mục: xây dựng cống thoát nước hỗn hợp dài 212,7km, nạo vét một phần các sông An Cựu, Phát Lát, Như Ý với khoảng 363.500m3 đất sông; xây dựng nhà máy xử lý nước thải 20.000m3/ngày, xây dựng và cải tạo hệ thống thoát nước mưa, nước thải, trạm bơm, cửa xả…Năm 2009, thành phố Huế tổ chức đấu thầu và triển khai thi công giai đoạn 1. Ở giai đoạn này, dự án được triển khai ở khu vực nam sông Hương bao gồm địa bàn 9 phường: Vĩnh Ninh, Phú Nhuận, Phú Hội, Xuân Phú, Phường Đúc, Phước Vĩnh, Trường An, An Cựu, Vỹ Dạ và các xã An Đông, An Tây và Thủy Xuân với các hạng mục như xây dựng, cải tạo, mở rộng hệ thống nhằm nâng cao khả năng tiêu thoát nước mưa, góp phần giải quyết tình trạng ngập úng đô thị, đồng thời thu gom và xử lý nước thải, nâng cao sức khỏe cộng đồng, hạn chế nguồn phát sinh dịch bệnh…Giai đoạn 2 của dự án sẽ kết thúc vào năm 2020, khi đó 85% nước thải của thành phố Huế sẽ được thu gom, xử lý… Trong đầu tư phát triển, tỉnh luôn quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường đô thị. Trong 2 năm 2009 và 2010 tỉnh hỗ trợ ban đầu 2 tỉ đồng/năm từ vốn ngân sách để xây dựng Quỹ Bảo vệ môi trường. Tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô , một số dự án nhiệt điện, đóng tàu đã không được cấp phép đầu tư do có nguy cơ cao về bảo vệ môi trường. Tồn tại trong công tác quản lý đô thị hiện nay ở Thừa Thiên- Huế là việc giải toả, di dời dân dọc Thượng thành, Eo bầu và ven sông Ngự Hà, đàn Xã Tắc (thành phố Huế) để trả lại không gian văn hoá cho di tích chậm do thiếu vốn vì tổng mức đầu tư lớn. Tỉnh đang tiến hành phân kỳ đầu tư để sớm ổn định cuộc sống nhân dân trong vùng dự án…/. |
Thừa Thiên-Huế: Nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý xây dựng theo quy hoạch và bảo vệ môi trường đô thị
1